TỰ NGUYỆN HAY BẮT BUỘC?
Ngày 22.9, anh N.V.Đ, một phụ huynh (PH) trú Q.Bình Tân, TP.HCM phản ánh với PV Báo Thanh Niên về thời khóa biểu (TKB) của con mình, học sinh (HS) lớp 1 Trường tiểu học K.Đ. Trong TKB này có các môn "tự nguyện", đóng phí thêm để học như STEM, kỹ năng sống (KNS), tiếng Anh với người bản ngữ đan xen cùng các môn bắt buộc khác trong giờ chính khóa. Mức thu được đưa ra trong buổi họp PH, cụ thể như tiền tổ chức môn STEM là 90.000 đồng/HS/tháng; tiền học KNS là 92.000 đồng/HS/tháng; tiền học ngoại ngữ với người nước ngoài 205.000 đồng/HS/tháng…
Anh V.Đ cũng cho biết trong buổi họp PH, có sự tham gia của cô chủ nhiệm và cô phó hiệu trưởng nhà trường, anh có hỏi các môn như STEM, KNS, tiếng Anh với người bản ngữ có bắt buộc không. Ban đầu cô nói bắt buộc, sau lại nói là tự nguyện, và giải thích lợi ích của các môn học này.
"Khi đăng ký tuyển sinh lớp 1 vào trường tôi không đăng ký cho bé vào lớp tiếng Anh tăng cường hay tích hợp. Nhưng trong TKB của bé hiện vẫn có 6 tiết tiếng Anh một tuần. Tôi có trao đổi thêm với cô chủ nhiệm, cô nói nếu tôi không đăng ký học các môn "tự nguyện" thì sẽ chuyển bé sang lớp khác. Trong các lần trao đổi sau, cô lại nói nếu vẫn không đăng ký học thì giờ các bạn tới phòng chức năng học, cô sẽ đưa bé xuống thư viện ngồi hoặc ngồi trong lớp chờ đến các tiết sau thì học. Hoặc ví dụ như có tiết KNS ở cuối buổi sáng, nếu không học thì PH có thể đến đón bé về, chiều đưa bé vào lại. Nhưng bé là HS bán trú, 2 buổi/ngày, con được ăn trưa, ngủ trưa tại trường, tại sao có thể tạo sự bất công như vậy với một đứa trẻ trong môi trường giáo dục?", anh Đ. bức xúc.
Chị V., PH một HS lớp 1 tại Q.1 (TP.HCM), kể trong buổi họp PH đầu năm, cô giáo chủ nhiệm thông báo năm học này dự kiến các bé học môn tin học quốc tế, toán STEM, khoa học tự nhiên STEM và hỏi có PH nào không đăng ký cho con học không. Trong lớp có một PH hỏi là "nếu bé nhà tôi không học thì giờ đó bé làm gì ạ?". Cô giáo trả lời: "Dạ thường thì trước giờ cả lớp đều học hết á mẹ". Chị V. và các PH khác đều nhìn nhau: "Thế thì mình cũng đăng ký cho con học chứ chẳng nhẽ bạn học còn con mình ngồi đó tội nghiệp", dù các khoản phải đóng thêm cũng khá nhiều tiền.
Một PH có con học lớp 3 ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết lớp con chị có 3 môn liên kết là toán tiếng Anh, tiếng Anh với người nước ngoài và STEM. Các môn học này được xếp lịch chủ yếu trong TKB chính khóa. Vì vậy, dù muốn hay không, tất cả HS trong lớp đều tham gia. Học phí cho 3 môn này khoảng hơn 700.000 đồng/tháng. Đầu năm học, khi có PH thắc mắc thì cô giáo cũng không ép nhưng nói rằng các năm trước và ở các lớp khác, 100% HS đều tham gia. Nếu HS không học các tiết tăng cường thì chỉ có cách là tự học ở thư viện hoặc chơi trong sân trường. Cô khuyến cáo PH nên đăng ký cho con học để tránh trường hợp con "bị lẻ loi".
Một PH khác ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) cung cấp một TKB có đến 4 tiết tiếng Anh đều là tiết học liên kết gồm 2 tiết tiếng Anh Ismart, 1 tiết tiếng Anh tăng cường và 1 tiết tiếng Anh với giáo viên (GV) nước ngoài. Các PH đều có chung bức xúc về vấn đề giờ học tăng cường lại xen kẽ vào giờ học chính khóa, đẩy các em HS vào tình huống không thể đi về vì còn chờ đến giờ học bắt buộc tiếp theo.
PH Trường tiểu học Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) phản ánh ngày 15.9 nhận được đơn đăng ký học tiếng Anh GV nước ngoài và tham gia CLB giáo dục KNS. Trong đó có nội dung: "Tôi tự nguyện đăng ký và nhất trí với thông báo của Trung tâm ngoại ngữ H.H". Đăng ký cho con tham gia, PH phải đóng 150.000/tháng/HS để học tiếng Anh với GV nước ngoài và 48.000 đồng/tháng/HS cho môn KNS. Tương tự, PH ở một số trường tiểu học ở H.Hưng Hà (Thái Bình) phản ánh nhận được phiếu đăng ký tham gia lớp tiếng Anh tăng cường với GV người nước ngoài do nhà trường liên kết với một công ty bên ngoài để triển khai. Địa điểm học tại phòng học của nhà trường với thời lượng 1 tiết/tuần và học phí là 130.000 đồng/HS/tháng. Sau thắc mắc thỏa đáng của PH và nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận khi vấn đề này được đưa lên mạng xã hội, ngày 15.9, UBND H.Hưng Hà ra văn bản "yêu cầu dừng ngay việc liên kết với công ty, trung tâm ngoại ngữ triển khai mở lớp tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài cho HS".
Chị Xuyến, chị của một HS lớp 6 tại Q.Bình Tân (TP.HCM), cũng băn khoăn: "Xếp lớp xong, em gái mình phải học môn tiếng Anh bản ngữ 230.000 đồng/tháng và môn tin học quốc tế 180.000/tháng. Mình đang tự hỏi đến các thì (thì trong ngữ pháp tiếng Anh - PV) cơ bản bé còn chưa kịp nắm thì học tiếng Anh bản ngữ làm gì và tin học quốc tế để làm gì với một đứa trẻ lớp 6? Khi mình đề cập thì nhận được câu trả lời từ GV chủ nhiệm đây là môn học bắt buộc".
CẦN TÁCH BẠCH NGOẠI KHÓA, CHÍNH KHÓA
Anh N.V.Đ nói mình không phản đối việc nhà trường có chương trình, CLB ngoại khóa sau giờ học nhưng việc đó cần tách bạch, không nằm trong thời gian học chính khóa. Khi đó, PH, HS nếu có nhu cầu, có đủ điều kiện tài chính thì đăng ký cho con học, còn không sẽ đón con về. Bởi như anh chia sẻ, thử hình dung trong giờ hành chính buổi sáng, một lớp có 40 em, 39 em đăng ký môn tự nguyện thì xuống phòng học, còn một em vì gia đình không có điều kiện, không thể đăng ký cho em học, thì em lủi thủi một mình thế nào? Các em chưa đủ lớn để hiểu đây là môn tự nguyện ai có tiền thì học, mà các em sẽ nghĩ mình bị cô lập, tách ra khỏi tập thể.
Theo anh Đ., với HS tiểu học thì các môn KNS và STEM có thể lồng ghép trong rất nhiều môn học, từ đạo đức, tự nhiên và xã hội, hoạt động trải nghiệm... Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các bé cũng có môn hoạt động trải nghiệm rồi sao lại có thêm một môn tên KNS, phải đóng thêm tiền mới được học nữa? "Hãy trả các môn ngoại khóa đúng về vị trí của nó, là học sau khi HS đã kết thúc giờ học chính khóa, ai thích gì thì đăng ký học, và công khai chương trình, chứ không thể "xen kẽ" vào thời gian chính khóa của các bé và thu tiền "tự nguyện" được", PH này nhấn mạnh.
ĐƯA VÀO CHÍNH KHÓA ĐỂ "HOÀN THÀNH ĐỀ ÁN"
Lãnh đạo phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM cho biết tin học quốc tế, tiếng Anh với người bản ngữ là các môn tự nguyện, được quy định mức thu trong Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP.HCM. Ví dụ như môn tin học quốc tế được tổ chức theo đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho HS phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 - 2030", tại Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 8.3.2021 của UBND TP. Nghị quyết 04/2023 cũng quy định khoản thu "tiền tổ chức chương trình học ngoại ngữ thông qua môn toán và khoa học", "tiền tổ chức học ngoại ngữ với người nước ngoài"…
Người này cho biết đề án có những mục tiêu, nhiệm vụ cần đạt. Như với đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho HS phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 - 2030" thì nhiệm vụ giai đoạn từ năm 2023 - 2025, đối với các trường tiên tiến - hội nhập cần 100% HS được học và 50% đạt chứng chỉ tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, cần đáp ứng 50% nhu cầu HS và 30% HS đạt chứng chỉ tin học quốc tế. "Nên để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, thật sự rất mong có sự đồng thuận của PH", người này nói thêm.
Vậy tại sao phải "đan xen" các môn "tự nguyện" vào với các môn chính khóa trong TKB, mà không xếp ở sau giờ chính khóa? Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, một cán bộ quản lý chia sẻ thật lòng "vì nếu để các môn tự nguyện sau 15 giờ mới học thì lấy đâu ra đủ GV chỉ dạy mỗi KNS, hay mỗi tiếng Anh cho cả trường... Nên các trường chọn phương án sắp xếp xen kẽ, để HS được học, hoàn thành các đề án".
Các địa phương cấp tốc rà soát, chấn chỉnh
Ngày 20.9, Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, KNS, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Theo đó, hiện có nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện hoạt động liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, KNS nên để Sở GD-ĐT có thông tin quyết định trong việc chỉ đạo liên kết dạy học trong các trường học, Sở đề nghị trường THPT, các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của đơn vị mình, báo cáo về Sở trước ngày 30.9.
Sở GD-ĐT Nam Định cũng có văn bản gửi các trường THPT, phòng GD-ĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 - 2024. Theo đó, Sở yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với HS tiểu học.
Sở GD-ĐT Nghệ An chỉ đạo các phòng GD-ĐT và nhà trường trên địa bàn tạm dừng việc liên kết với trung tâm dạy KNS; đồng thời rà soát về con người, cơ sở vật chất, thẩm định chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường.
Sở GD-ĐT An Giang cũng sớm có văn bản gửi các cơ sở giáo dục, chỉ đạo không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi, giữ và chăm sóc HS. Nhà trường và GV tuyệt đối không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để gợi ý hay ép buộc HS tham gia.
Bình luận (0)