|
Sự góp mặt của những diễn viên tên tuổi cũng không thể giúp Gác kiếm, Tía ơi, Hiệp sĩ guốc vông, Sau ánh hào quang, Săn đàn ông tránh được cái mác phim dở. Những tác phẩm (được gọi là) điện ảnh mà chẳng khác gì các màn tấu hài tầm phào, những vở kịch đơn giản, tẻ ngắt, những bộ phim truyền hình khiến người ta phải cười khổ vì những tình tiết phi logic. Còn Những người viết huyền thoại, bộ phim chiến tranh duy nhất và được nhà nước đầu tư, thì lại giẫm chân vào con đường mòn cũ kỹ, đơn điệu của phim chiến tranh Việt Nam bấy lâu nay.
Những tưởng bộ phim đã giành giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam năm ngoái có thể mang đến sắc màu tươi sáng hơn cho Cánh diều, nhưng Và anh sẽ trở lại xem ra rất khó làm được điều này. Vậy nên, những điểm sáng hiếm hoi lại lóe lên từ chính các bộ phim giải trí của các nhà làm phim Việt kiều là Tèo em (Charlie Nguyễn), Cô dâu đại chiến 2 (Victor Vũ), Âm mưu giày gót nhọn (Hàm Trần), Tiền chùa (Thiện Đỗ), cùng hai bộ phim đầu tay của Nguyễn Khắc Huy và nhà sản xuất âm nhạc Quang Huy là Đường đua và Thần tượng.
Thiếu cá tính
Tất nhiên, từng phim vẫn có cái dở để chê nhưng Tèo em và Cô dâu đại chiến là hai bộ phim hài khiến người xem thoải mái và không phải bực mình vì nhai phải những hạt sạn to đùng. Âm mưu giày gót nhọn là một bộ phim hài chỉn chu từ kịch bản cho đến đạo diễn, một cuộc ra mắt ấn tượng của Hàm Trần ở vai trò đạo diễn, cũng như cho thấy khả năng viết kịch bản của Kathy Uyên. Cũng giống như nhiều bộ phim giải trí gắn mác “phim Việt kiều”, Tèo em, Cô dâu đại chiến và Âm mưu giày gót nhọn ghi điểm với phong cách làm phim chuyên nghiệp, đầu tư kỹ lưỡng về kỹ thuật lẫn chất xám, chỉ có điều na ná theo “công thức” phim giải trí Hollywood. Nếu xét về mặt thị trường, điều đó không có gì đáng băn khoăn, nhưng với một giải thưởng của hội nghề nghiệp cần những dấu ấn cá nhân rõ ràng của các nhà làm phim thì e rằng sẽ khó tìm thấy ở Tèo em, Cô dâu đại chiến, hay Âm mưu giày gót nhọn.
Tiền chùa là một món lạ mà đạo diễn Thiện Đỗ mang đến. Một bộ phim hài không thọc lét người xem bằng những lời thoại, tình huống bề nổi như thường thấy mà từ những ngẫm nghĩ, ẩn ý. Thiện Đỗ mang đến những tiếng cười chiêm nghiệm, điều mà các nhà làm phim ở xứ ta còn ít nghĩ tới. Nếu nói về mặt mới lạ với điện ảnh trong nước, thì phim Tiền chùa đã làm được, còn món đó ngon hay dở lại là chuyện khác.
Cùng không thành công ở rạp chiếu nhưng Đường đua và Thần tượng lại có nhiều chuyện cần được nhắc đến. Trong số 13 bộ phim tranh giải, Thần tượng có thể coi là bộ phim hài hòa nhất giữa các yếu tố: kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, hình ảnh, âm thanh. Hơn nữa, Thần tượng còn là bộ phim mang thông điệp rõ ràng, và được chuyển tải một cách mượt mà, mềm mại. Nhưng tiếc là Thần tượng chỉ dừng lại là một phim chỉn chu, nhẹ nhàng dành cho tuổi teen, chứ chưa thể hiện những sáng tạo, dấu ấn nghệ thuật cá nhân của nhà làm phim. Trong khi Đường đua dù là một bộ phim giải trí nhưng cho thấy "chất riêng" của nhà làm phim, một cá tính rõ nét.
“Đòi hỏi có tuyệt phẩm thì không có!”
Trong suốt 4 ngày làm việc, không ít lần ban giám khảo cảm thấy ức chế vì phải xem nhiều phim quá... dở, có những tiếng thở dài thườn thượt, những tiếng chép miệng, cả những tiếng cười buồn. Một vị giám khảo không kiềm chế được đã thốt lên: “Sao phim gì mà điên thế!”. Có vị chua chát đùa: “Chắc phải đề nghị xét thêm giải Mâm xôi vàng”. Chất lượng các bộ phim có sự chênh lệch quá lớn. “Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Số phim hằng năm có bao nhiêu đó, thượng vàng hạ cám thì cũng đều tập trung lại. Trong điều kiện sản xuất của mình, khán giả nhỏ, kinh phí nhỏ, trình độ của mình cũng “căn ke” một chút. Nhưng không phải phim nào trình độ cũng thấp, có những phim xem được. Ban giám khảo cũng chỉ mong có phim hay để thích thú khi được xem với tư cách khán giả, còn khi phân tích về mặt nghề nghiệp thì thấy sướng. Nhưng với một nền điện ảnh tạm gọi là mới phát triển, cứ đòi hỏi có tuyệt phẩm thì không có, chỉ có thể tìm ra phim nào nổi trội về tay nghề, sáng tạo trong nghề là đủ. Kỳ này ban giám khảo thống nhất quan điểm, cứ có tay nghề là chấm, chứ không phải phim giải trí mà coi thường, phim chính thống thì ưu ái”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (Chủ tịch Hội đồng giám khảo phim điện ảnh) nói.
Bởi, nếu những cánh diều chỉ theo kiểu na ná, hay chọn giải pháp chỉn chu, nhẹ nhàng, mà thiếu đi góc cạnh, cá tính thì cũng chỉ là những cánh diều ẻo lả. Nhưng thực ra, người ta luôn đỏ mắt tìm kiếm những cá tính điện ảnh không chỉ trong một mùa giải Cánh diều mà giữa bối cảnh điện ảnh Việt mờ nhạt lâu nay.
Không truyền hình trực tiếp Lễ trao giải diễn ra vào tối nay (15.3) tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) và không được truyền hình trực tiếp mà chỉ phát sóng lại trên VTV vào ngày hôm sau (16.3). Đại diện ban tổ chức giải thích do kinh phí eo hẹp, phần nữa là để tránh những sự cố, những hình ảnh chưa đẹp khi lên hình. 13 phim điện ảnh tham gia tranh giải: Săn đàn ông (đạo diễn Võ Quốc Thành, Khánh Ly), Gác kiếm (Tạ Huy Cường), Tía ơi (Xuân Phước), Hiệp sĩ guốc vông (Nguyễn Chánh Tín), Sau ánh hào quang (Lê Hữu Lương), Và anh sẽ trở lại (Đinh Tuấn Vũ), Tiền chùa (Thiện Đỗ), Thần tượng (Quang Huy), Âm mưu giày gót nhọn (Hàm Trần), Đường đua (Nguyễn Khắc Huy), Cô dâu đại chiến 2 (Victor Vũ), Những người viết huyền thoại (Bùi Tuấn Dũng), Tèo em (Charlie Nguyễn). |
Ngọc An
>> Cánh diều vàng 2014 sẽ bớt nhàm chán?
>> “Cưỡi gió” cùng những cánh diều
>> Rừng" sao trên thảm đỏ "Cánh diều 2012
>> Thiên mệnh anh hùng" thắng lớn tại "Cánh diều 2012
>> Nghe Thái Hòa kể chuyện bị ‘hành xác’ khi đóng phim ‘Tèo Em’
>> ‘Tèo em’ Thái Hòa: Các cô gái nghĩ tôi là gay, càng khoái
Bình luận (0)