Câu hỏi không khó trả lời, vì để bù đắp khoản hụt thu này, chính sách thuế thường sẽ phải tìm nguồn bù đắp như tăng thuế, phí đánh lên doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân.
Thực tế tại VN tình trạng trốn thuế, né thuế của các "đại gia" nước ngoài ngày càng nhiều. Đó là các nghi án chuyển giá của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khui ra cách đây vài năm. Cũng chỉ khi đó, những người hằng ngày uống Coca, Pepsi... mới biết, sau hàng thập niên có mặt tại VN, sau khi đè bẹp các hãng giải khát trong nước để chiếm lĩnh thị trường nội địa,
2 "ông lớn" này chưa hề đóng cho ngân sách một đồng thuế nào. Cũng hàng thập niên sau, người tiêu dùng trong nước mới ngã ngửa bởi VN dù được coi là "công xưởng" sản xuất của Adidas, Nike rồi xuất đi toàn cầu nhưng chúng ta hầu như không thu được đồng thuế nào từ các thương hiệu giày nổi tiếng thế giới này. Theo thống kê, tới nay có hơn 30 triệu người VN sử dụng mạng xã hội Facebook, gần một nửa dân số của chúng ta sử dụng internet, VN cũng lọt vào top những quốc gia có người sử dụng internet nhiều nhất thế giới... Con số đó mang lại cho các "ông lớn" công nghệ khoản doanh thu khổng lồ với mức tăng trưởng như vũ bão. Thế nhưng có mấy ai trong số những người hằng ngày đang sử dụng dịch vụ của các "ông lớn" này biết rằng, toàn bộ số tiền thu được từ VN đều được họ chuyển về nước, chúng ta không được hưởng đồng nào. Thậm chí ngay cả khi biết được chính xác Uber vẫn hằng ngày chuyển 1 tỉ đồng lợi nhuận về Hà Lan, ngành thuế vẫn bó tay.
Nói thế để thấy, thất thu thuế từ các DN ngoại ngày càng lớn. Không chỉ thất thu, việc trốn thuế, né thuế này tạo nên sự mất công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ quả xã hội khác. Đặc biệt như nói trên, khi thất thu từ các "đại gia" và trong bối cảnh ngân sách luôn căng thẳng thì DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ và người dân là đối tượng bị truy siết gắt gao. Dư luận đã từng bức xúc trước quy định các hộ kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Bởi tính theo mức này, hầu hết các hàng quán vỉa hè tại TP.HCM, Hà Nội cũng phải nộp thuế. Mới đây, một loạt DN tại TP.HCM bỗng dưng bị cơ quan thuế đòi nợ trong đó không ít trường hợp nợ chỉ vài chục ngàn đồng, thậm chí vài ngàn. Lý do là cơ quan thuế đòi thu thêm tiền phạt chậm nộp cho những khoảng trống giữa ngày lập biên bản với ngày ra quyết định thi hành.
Cụ thể, sau khi lập biên bản và đề xuất xử lý chậm nộp, cán bộ thuế phải trình tờ trình cho lãnh đạo ký duyệt trong vòng 5 - 10 ngày. Lãnh đạo có thể ký duyệt bất kỳ khi nào trong thời gian này. Do vậy cơ quan thuế thường chốt đến ngày lập biên bản. Còn thời gian từ khi lập biên bản đến khi cơ quan thuế ra quyết định và DN nộp tiền vào ngân sách thì chưa tính được. Do đó vừa qua Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu cơ quan thuế phải thu bổ sung. Bỏ qua chuyện đúng sai thì việc này cho thấy, các DN nội đang bị siết rất chặt. Hiện nay định kỳ, các cơ quan thuế lại "bêu" tên DN nợ thuế, chây ì thuế...
Vốn FDI vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi đất nước. Chúng ta cũng luôn tự hào về thành tích thu hút FDI nhưng nếu không quản lý chặt, không thu được thuế trong khi vẫn cho đi rất nhiều ưu đãi thì những hệ lụy cho nền kinh tế là không thể đong đếm.
Bình luận (0)