Ai tiếp tay thâu tóm Sadeco gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng ?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
19/06/2020 06:30 GMT+7

Theo cơ quan điều tra, Sadeco từng là doanh nghiệp sinh lợi lớn nhất cho IPC, nhưng Tề Trí Dũng cùng nhiều lãnh đạo khác của Sadeco, IPC đã lũng đoạn, tiếp tay cho tư nhân thâu tóm tài sản nhà nước tại doanh nghiệp này.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 17.6, trong quá trình điều tra vụ án “Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Cơ quan CSĐT (PC03) Công an TP.HCM đã khởi tố thêm 3 cán bộ sai phạm.
Cụ thể, PC03 đã khởi tố các bị can: Huỳnh Phước Long (53 tuổi, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên HĐQT Sadeco), Đỗ Công Hiệp (47 tuổi, kế toán trưởng Sadeco) và Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận, cùng về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Khởi tố cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng do 'bán rẻ' đất vàng Sabeco

“Bán đứt” quyền biểu quyết của Sadeco cho Nguyễn Kim

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra (CQĐT), từ tháng 3.2015, Sadeco là công ty con của IPC, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với vốn điều lệ khoảng 2.900 tỉ đồng, tỷ lệ vốn góp của IPC là 74,8%). Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm này là 170 tỉ đồng (tương ứng 17 triệu cổ phiếu); vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ 62,8%, trong đó: IPC chiếm tỷ lệ 44%, Đảng bộ TP 16,7% (Văn phòng Thành ủy 2,6% và Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận 14,1%)...
Đối với việc phát hành 9 triệu cổ phần nói trên, theo CQĐT, thời điểm đang bị thanh tra, ngày 14.8.2018, Sadeco họp đại hội cổ đông thống nhất chủ trương giao HĐQT tiến hành đàm phán với Công ty Nguyễn Kim để hủy hợp đồng hợp tác đầu tư chiến lược, Sadeco sẽ thu hồi tất cả 9 triệu cổ phần đã phát hành cho Công ty Nguyễn Kim, còn Sadeco hoàn lại toàn bộ giá trị cổ phần cộng với lãi và được Công ty Nguyễn Kim đồng ý. UBND TP cũng chấp thuận chủ trương này. Tuy nhiên, theo CQĐT đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ do đã khắc phục thiệt hại cho Sadeco và nhà nước; không loại trừ trách nhiệm hình sự các bị can vì hành vi phạm tội đã hoàn thành. Hiện PC03 đang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án.
Đáng chú ý, thời điểm này Sadeco nắm trong tay quỹ đất dự án hàng trăm héc ta tại nhiều vị trí đắc địa ở TP.HCM, được xem là doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” cho IPC. Tuy nhiên, tài sản nhà nước ở Sadeco bị tư nhân “thâu tóm” với sự điều hành trực tiếp của Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Sadeco và Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng giám đốc Sadeco (2 bị can này đã bị bắt giữ về cùng hành vi nêu trên vào tháng 5.2019) và được nhiều lãnh đạo chủ chốt IPC, Sadeco tiếp tay.

Truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa

CQĐT xác định, các bị can nêu trên có sai phạm vì liên quan đến việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Cụ thể, năm 2015, khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP.HCM yêu cầu IPC không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Nhưng IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này và phi vụ “bán đứt” quyền biểu quyết tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim vẫn được diễn ra.
Cụ thể, ngày 10.11.2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Ngày 5.4.2017, Tề Trí Dũng ký Văn bản số 471/IPC.17 trình UBND TP thông qua phương án phát hành 9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim; giá phát hành dự kiến là 40.000 đồng/cổ phần. Đáng chú ý, căn cứ xác định giá theo báo cáo định giá của Công ty HSC.
Ngày 18.5.2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Ngày 10.8.2017, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc ký biên bản làm việc với Công ty Nguyễn Kim, chủ động đưa ra số lượng cổ phần phát hành là 9 triệu cổ phần, với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không có sự thương thảo nào khác. Ngày 19.10.2017, Công ty Nguyễn Kim thanh toán 360 tỉ đồng cho Sadeco để mua 9 triệu cổ phần nêu trên.
Sau phi vụ này, tỷ lệ sở hữu vốn của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống còn 41%; trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm còn 28,8%. Ngược lại, Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco với hơn 54% vốn điều lệ.

HSC không có chức năng thẩm định giá

CQĐT xác định, quá trình biểu quyết thông qua chủ trương phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ cho Công ty Nguyễn Kim của HĐQT IPC và các báo cáo của IPC gửi UBND TP, Văn phòng Thành ủy đều căn cứ báo cáo định giá của Công ty HSC để xác định giá phát hành 9 triệu cổ phần (40.000 đồng/cổ phần) cho Công ty Nguyễn Kim. Thế nhưng, Công ty HSC chỉ có chức năng tư vấn đầu tư chứng khoán; không có chức năng thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính; chuyên viên được giao nhiệm vụ thực hiện không được cấp thẻ thẩm định viên về giá.
Cũng theo CQĐT, với giá rất thấp 40.000 đồng/cổ phần là chưa phản ánh đầy đủ trị giá thị trường của Sadeco tại thời điểm định giá. Các cá nhân là thành viên HĐQT Sadeco đại diện vốn nhà nước chỉ căn cứ báo cáo định giá của Công ty HSC để xác định giá phát hành cổ phần mà không kiểm tra giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần của chính Công ty Nguyễn Kim trước đó là 57.000 đồng/cổ phần. Điều này đã gây thiệt hại cho Sadeco 153 tỉ đồng.
Ngoài ra, kết quả điều tra ban đầu cũng xác định, do báo cáo định giá của Công ty HSC chỉ xác định giá trị sổ sách đối với diện tích đất nông nghiệp do công ty nhận chuyển nhượng của dân (561.013 m2) và hợp tác nhận chuyển nhượng (41.130,3 m2), theo thực tế chi phí phát sinh khi nhận chuyển nhượng từ năm 2000 - 2016, với giá rất thấp mà không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất, nhưng vẫn được HĐQT Sadeco chấp thuận sử dụng để phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là vi phạm pháp luật. CQĐT ước tính, hành vi này gây thiệt hại đối với 62,8% cổ phần nhà nước, là 535 tỉ đồng do chênh lệch giá đất và lợi thế kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.