Ai về Nghị Đức mà coi…

Quốc Việt
Bà Rịa-Vũng Tàu
17/08/2023 15:00 GMT+7

Bạn gởi cho tôi tấm ảnh kèm theo câu hỏi: Việt nhớ chỗ này không? Nhớ! Chợ chiều Nghị Đức chứ đâu.

Chợ chiều Nghị Đức không có tên chính thức. Nó là một ngôi chợ tạm, bán vào buổi chiều, nằm cạnh một cây cầu và cách đó không xa là một ngôi chùa nên người ta cứ gọi "chợ chiều", "chợ cầu" hay "chợ chùa" tùy ý. Nhưng dù gọi bằng cái tên nào đi nữa thì hình dáng ngôi chợ vẫn không hề thay đổi với vài ki-ốt tạm bợ bày bán ít thịt cá, mớ rau. Đầu chợ có một xe nước mía. Nhớ hồi đó, bạn và tôi hay đi học về ngang chợ chiều và lâu lâu lại ghé vào mua nước mía. Một ly nước mía với giá chỉ một ngàn đồng, hai đứa chia đôi. Đến bây giờ xe nước mía vẫn nằm ngay vị trí cũ, chỉ khác đi là ép mía bằng điện chứ không còn dùng tay như trước.

Ai về Nghị Đức mà coi… - Ảnh 2.

Đường trong xóm nay đã được bê tông

Q.V

Bạn thở dài nói cái xứ gì mà kỳ lạ, mấy chục năm rồi chả thấy có đổi thay. Tôi cười, chứ Nghị Đức thay đổi nhiều rồi hai đứa có tìm được đường để về quê.

Mà kỳ thực Nghị Đức cũng đổi thay, chỉ là con người ta hay so sánh với những vùng đất khác thành thử không hài lòng. Như con đường chạy ngang chợ chiều hay những con đường nằm bên trong xóm, xưa đá lổm nhổm thì nay đã thảm nhựa hoặc bê tông. Đèn đường đi vào bên trong xóm. Mấy căn nhà ngói còn sót lại giờ lọt thỏm trong mớ nhà xây mới.

Hồi còn ở Sài Gòn, bạn bè hay hỏi tôi quê ở đâu. Nếu trả lời "Nghị Đức", bạn phải mất vài giây để lục trong trí nhớ có nơi nào mang tên đó, xong rồi lắc đầu nguầy nguậy: "khiết bông". Vậy là thêm một lần giải thích: "Nghị Đức là xã miền núi thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Từ căn cứ sáu đi vào khoảng 60 cây số hay từ ngã ba Ông Đồn đi ngược lên cũng chừng đó quãng đường…". Bạn ngờ ngợ, gần "biển Lạc" đúng không? Ừ, cũng… gần gần. Cái "gần gần" đó là hơn 20 cây số, bằng thời gian đạp xe mấy tiếng đồng hồ nhưng cũng đành chấp nhận để bạn hình dung về quê quán của mình. Bây giờ chỉ cần lên Google gõ đã biết rõ Nghị Đức nằm ở đâu. Không thay đổi thì gì?

Bạn bảo, nói như ông thì khác gì so thời ăn khoai độn với lúc cơm trắng gạo trong, chỉ cần no cái bụng. Cũng chỉ biết "ậm ừ" cho qua chuyện chứ không thể nào giải thích cho bạn hiểu rằng, đôi khi những điều xưa cũ và sự ít đổi thay đó lại làm vương vấn bước chân. Về cánh đồng làng thấy lúa trổ đòng nhè nhẹ phả hương nhớ lúc lội mương bắt cua mò ốc. Đi trên mấy con đường xẻ dọc bàn cờ, bước lên cây cầu sắt bắc ngang suối, qua chợ chiều, vườn chuối... như vẫn còn in dấu bàn chân. Rồi tới đầu xóm thôi đã thấy cô ba, chú bảy tíu tít hỏi thăm: "Mới về hả bây?", "Làm ăn sao rồi?", "Vợ con khỏe hết chớ?"... Những điều mà có nằm mơ hai đứa cũng không bao giờ thấy nơi thị thành đông đúc. Như bạn, nếu không nhìn thấy cảnh "chợ chiều" gần giống 20 năm về trước liệu có hồ hởi để khoe?

Ai về Nghị Đức mà coi… - Ảnh 3.

Lúa trổ đòng trên cánh đồng Nghị Đức

Q.V

Cả bạn và tôi đều đi qua nhiều vùng đất, lắm lúc ở nơi này, đi vài tháng quay lại đã thấy khác. Vậy nên từ trong tâm tưởng luôn mong Nghị Đức mình đổi thay nhiều hơn nữa, đời sống bà con khá lên, không còn cảnh "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Nhưng mỗi vùng đất đều mang trong mình sứ mệnh. Nếu như Bình Thạnh nơi bạn ồn ào, náo nhiệt, nhiều thứ tiện nghi; Phú Mỹ chỗ tôi tiếng còi tàu vang vọng, những khu công nghiệp tạo cơn sóng người giữa lúc tan ca thì Nghị Đức lại hiền hòa, yên ả, con người chất phác thật thà như củ sắn củ khoai.

Nghị Đức, vùng đất nằm ở phía tây của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh mà đến bây giờ nhiều người vẫn không biết thuộc về miền Trung hay Đông Nam bộ. Nhưng cũng chính nhờ cái vị trí đặc biệt của mình mà người Bình Thuận nói chung và Nghị Đức nói riêng được thừa hưởng sự cần cù, chịu thương chịu khó của người miền Trung cũng như tính trượng nghĩa của con người miền Đông "gian lao mà anh dũng". Điều đó đã thể hiện rõ qua công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" được Đảng và Nhà nước trao tặng Nghị Đức năm 1999 chính là sự ghi nhận. Nghị Đức không có gì hết trơn khi đặt trên bản đồ kinh tế, không là địa điểm du lịch nổi tiếng khiến lòng du khách phải đắm say. Nơi muối mặn gừng cay này chỉ có tình nghĩa là ăm ắp để những đứa con đã rời đi xa như tôi hay bạn, mỗi dịp lễ tết lại muốn về chơi ít bữa.

Hay như ngoại tôi, 85 tuổi rồi, không thể ở một mình nơi Nghị Đức, đành phải rời đi để sống cùng con cháu. Nhưng mỗi buổi chiều về lại nhìn ra ngoài ngõ, nhắc lại những chuyện về đất, về người nơi vùng đất mình từng gắn bó gần như cả cuộc đời. Rồi ngoại lại ngân nga:

Ai về Nghị Đức mà coi

Tình làng nghĩa xóm đủ soi sáng lòng…

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Ai về Nghị Đức mà coi… - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.