Hành vi của Quầy sẽ phải đối mặt với bản án nào, thì đã rõ, nhưng với hàng trăm người chỉ đứng nhìn, bàn tán, quay clip, vô cảm trước lời kêu cứu của chị Ánh thì 'bản án' nào dành cho họ?
Hiện chị Ánh đang phải nằm viện theo dõi vì bị rạn sọ - Ảnh: Lê Lâm |
Khi clip quay lại cảnh tượng Huỳnh Văn Quầy (27 tuổi, ngụ Đồng Tháp) dùng dao chém nhiều nhát vào người một nữ công nhân khi người này vừa tan ca, được tung lên mạng, nhiều người đã bức xúc trước hành động dã man này.
Trong clip, có hàng trăm người có mặt tại hiện trường, nhưng không ai can ngăn.
Trước đó, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt giữ Quầy để điều tra, làm rõ hành vi trên. Quầy khai, vào khoảng 14 giờ ngày 28.3 nhận điện thoại của người yêu là Phạm Thị Muội (22 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) nói xảy ra mâu thuẫn với chị Trần Thị Ngọc Ánh (24 tuổi, ngụ Quảng Bình, cùng là công nhân công ty Tae Kwang Vina, đóng tại KCN Biên Hòa 2), Quầy liền xin nghỉ làm về phòng trọ (tại TP.Biên Hòa) lấy một con dao dài 38 cm giấu vào cốp xe đến công ty Tea Kwang chờ sẵn.
Đến chiều khi tan ca giữa Ánh và Muội xảy xô xát, Quầy liền cầm dao xông đến chém nhiều nhát vào người chị Ánh khiến nạn nhân phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Hiện chị Ánh đang phải nằm viện theo dõi vì bị rạn sọ.
Chém vào đầu là tội "giết người"
Trao đổi với Thanh Niên về hành vi dã man của Quầy, Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty TNHH Luật Đức Chánh) nêu ý kiến: Huỳnh Văn Quầy dùng dao chém nhiều nhát vào người nữ công nhân Trần Thị Ngọc Ánh khiến chị phải nhập viện cấp cứu. Hành vi này tùy vào mức độ, ý thức thực hiện hành vi phạm tội mà có thể bị xem xét về tội danh “giết người” theo Điều 93 BLHS hoặc “cố ý gây thương tích” theo Điều 104 BLHS hiện hành.
|
Hành vi chém vào đầu, là vùng trọng yếu trên cơ thể người, có thể bị xem xét về tội "giết người", bất kể nạn nhân có tử vong hay không. Còn nếu chém vào vùng không phải là trọng yếu trên cơ thể người thì hành vi này bị khép vào tội danh “cố ý gây thương tích”, theo Điều 104 BLHS hiện hành.
LS Chánh phân tích, trong trường hợp của Huỳnh Văn Quầy, việc dùng dao chém người khác là thuộc trường hợp "dùng hung khí nguy hiểm". Nếu Quầy bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cố ý gây thương tích" thì khung hình phạt mà Quầy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ thương tật của nạn nhân theo kết luận giám định pháp y.
LS Phạm Văn Thạnh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng phân tích, do chưa biết chính xác thương tích trên người của chị Ánh ở vị trí nào, nên hành vi của Quầy được xác định là "giết người" hay "cố ý gây thương tích" phải căn cứ vào các yếu tố: vũ khí tấn công, phương cách tấn công và vị trí tấn công. Nếu Quầy dùng dao chém nhiều nhát vào tay, chân của nạn nhân, thì xác định đây là hành vi “cố ý gây thương tích”, nếu Quầy dùng dao chém nhiều nhát vào đầu, ngực, vùng trọng yếu nguy hiểm đến tính mạng thì xác định đây hành vi “giết người”.
Quầy (bên trái) và nạn nhân - Ảnh cẳt từ video
|
Nhắm mắt làm ngơ vì sợ liên lụy
Hành vi của Quầy sẽ phải đối mặt với bản án nào, thì đã rõ, nhưng với hàng trăm người chỉ đứng nhìn, bàn tán, quay clip, vô cảm trước lời kêu cứu của chị Ánh thì "bản án" nào dành cho họ?
|
LS Thạnh cho rằng pháp luật hình sự cũng đã có quy định rất rõ ràng về điều này: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại điều 102 BLHS. Tội này có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nhưng cũng theo LS Thạnh, tội danh này trên thực tế rất ít xảy ra và rất khó áp dụng, vì nhiều người khi đứng xem xong, quay phim quay clip xong... rồi sẽ bỏ đi.
“Không cứu giúp người bị nạn rõ ràng là hành vi cần phải lên án. Để chấn chỉnh vấn đề này, theo tôi cần tuyên truyền mọi người ý thức”, LS Thạnh nhấn mạnh.
LS Chánh phân tích, đối với việc những người xung quanh chỉ đứng nhìn khi sự việc xảy ra mà không có hành vi ngăn cản thì ở đây có thể là sự vô cảm, sợ liên lụy, ảnh hưởng đến mình, cũng có thể họ thấy Quầy đang cầm hung khí trên tay và manh động nên không dám chống trả…
Về mặt pháp lý thì hành vi này không cấu thành tội "không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 102 BLHS. Nhưng về mặt đạo lý thì rõ ràng xã hội của chúng ta đang bị tổn thương tinh thần “tương thân, tương ái”.
LS Chánh nói thêm, xã hội hiện nay xuất hiện nhiều hơn những người có lối sống thờ ơ, vô cảm. Khi gặp người bị nạn, họ sợ phiền phức, liên lụy đến bản thân nên chỉ đứng nhìn hoặc chụp ảnh, quay phim, rồi tung clip lên mạng thay vì có hành động giúp đỡ nạn nhân.
Có thể nói hình ảnh và tinh thần hiệp nghĩa “Lục Vân Tiên” giờ đây đã mai một, thay vào đó là các khái niệm “câu like”, “câu view” của một số người - điều đáng bị lên án trong xã hội chúng ta, LS Chánh nhận định
Nếu bị khép vào tội danh "cố ý gây thương tích", theo các luật sư, do Huỳnh Văn Quầy có hành vi dùng hung khí nguy hiểm, theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS, tỉ lệ thương tật đối với chị Ánh dưới 11% thì Quầy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi chị Ánh có đơn yêu cầu (theo khoản 1 Điều 105 BLTTHS 2003).
Khung hình phạt theo Khoản 1 Điều 104 BLHS là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Còn nếu tỉ lệ thương tật của chị Ánh là từ 11% đến 30% thì khung hình phạt theo khoản 2 Điều 104 BLHS là bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì khung hình phạt theo khoản 3 Điều 104 BLHS là phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
|
Bình luận (0)