Reuters hôm nay 22.3 đưa tin tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ Boeing đã mất 2 đơn đặt hàng vào tay đối thủ Airbus (trụ sở chính ở Pháp). Thương vụ nói trên được ký kết với hãng hàng không Nhật Bản (JAL) và Korean Air, hãng lớn nhất ở Hàn Quốc.
Việc giành được 2 khách hàng chủ chốt của Boeing ở châu Á được cho là chiến thắng lớn của Airbus, giữa lúc đối thủ từ Mỹ vật lộn với các vấn đề về chất lượng sau vụ nổ bảng điều khiển giữa chuyến bay vào đầu năm nay.
Các hợp đồng đặt mua bao gồm 65 máy bay phản lực. Đây là một đòn giáng mạnh vào Boeing, vốn đang trong cuộc khủng hoảng sản xuất, buộc hãng này phải hạn chế sản xuất máy bay phản lực thân hẹp. Điều này càng khiến việc bắt kịp đối thủ trở nên khó khăn hơn đối với Boeing.
JAL sẽ mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 chiếc thân hẹp A321neo từ Airbus. Hợp đồng này đánh dấu lần đầu tiên hãng của châu Âu cung cấp máy bay 1 lối đi nhỏ cho khách hàng lâu năm của Boeing.
Ngoài ra, JAL cũng thông báo sẽ mua thêm 10 máy bay phản lực Boeing 787 Dreamliner.
JAL cho biết việc giao hàng dự kiến diễn ra trong giai đoạn 2025 - 2033, với tổng giá trị danh mục khoảng 12,4 tỉ USD.
Trong khi đó, Korean Air đặt mua 33 chiếc A350 với giá 13,7 tỉ USD từ Airbus. Thương vụ diễn ra trong bối cảnh hãng này chuẩn bị sáp nhập với Asiana Airlines cũng của Hàn Quốc.
Boeing và Airbus không công bố giá niêm yết hiện tại cho các máy bay mà các tập đoàn này sản xuất.
Boeing rơi vào giai đoạn bất ổn
Từ lâu, Airbus đã đạt mức tăng trưởng đều đặn trong thị phần máy bay 1 lối đi với chiếc A321neo, sau nhiều cuộc khủng hoảng liên quan dòng Boeing 737 MAX, bao gồm 2 vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2018 và 2019, theo tờ The New York Times.
Sau vụ nổ bảng điều khiển ngày 5.1 trên chuyến bay của hãng Alaska Airlines (Mỹ), Boeing đang bị kiểm tra nghiêm ngặt để đánh giá các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Do đó, hoạt động sản xuất của hãng đã bị các cơ quan quản lý chặt chẽ hơn.
Theo một nguồn tin của Reuters, việc 2 khách hàng lớn chuyển sang mua máy bay của Airbus không bắt nguồn trực tiếp từ các vấn đề hiện tại của Boeing. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn bỏ qua nguy cơ chậm trễ do những rắc rối đó và JAL muốn đa dạng nguồn cung để tránh bị động.
Theo Boeing, tập đoàn này chiếm 65% thị phần ở Đông Bắc Á, bao gồm các khách hàng ở Hàn Quốc và Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Bình luận (0)