Alexandre Yersin và những đóng góp quan trọng về địa lý, nhân học của xứ Thượng xưa

Tuấn Duy
Tuấn Duy
30/10/2023 10:00 GMT+7

'Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương' là cuốn nhật ký hành trình của Alexandre Yersin về giai đoạn mà ông chu du qua những vùng đất chưa được biết đến.

Những chuyến đi kỳ lạ

Bên cạnh vai trò được biết đến nhiều nhất là một bác sĩ đại tài, Alexandre Yersin cũng đồng thời là một nhà thám hiểm. Vào những năm 1890, ông đã có những chuyến du hành qua các khu vực chưa được khám phá của dãy Trường Sơn, nằm giữa miền Trung và miền Nam, vốn vẫn được coi là không thể tiếp cận đối với người Việt.

Alexandre Yersin và những đóng góp quan trọng về địa lý, nhân học của xứ Thượng xưa  - Ảnh 1.

Yersin lúc 30 tuổi, năm 1893

T.L từ sách

Có thể nói Alexandre Yersin là người không ngại đường xa hiểm trở, ông cũng không ngại tộc người xa lạ mà đã dấn thân vào cuộc hành trình đầy thử thách này. Chính từ chuyến đi nói trên, ông đã khám phá cao nguyên Kon Tum, vùng Đắk Lắk, cũng như cao nguyên Lang Biang nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, nơi vài năm sau thành phố Đà Lạt được dựng nên như ông gợi ý với Toàn quyền Paul Doumer.

Alexandre Yersin đến Đông Dương vào năm 1890, khi Pháp vẫn đang trong quá trình củng cố quyền lực ở vùng đồng bằng và châu thổ có người Việt sinh sống mà chưa quan tâm đến những vùng núi và cư dân nơi đây.

Quyển sách của ông có thể nhìn nhận như cuốn nhật ký về chuyến phiêu lưu, ở đó ông viết về cuộc hành trình, những phát hiện mới, khó khăn cũng như thử thách luôn chờ đợi mình. Nhờ vậy, người đọc biết về ông nhiều hơn, về những khám phá đầy ắp giá trị về những tộc người cổ xưa vẫn chưa hiện lên trên bản đồ nào.

Tác phẩm tương đối mang tính cá nhân, bởi Yersin viết các báo cáo chủ yếu là để gây quỹ cho các chuyến thám hiểm tiếp theo của bản thân mình, chứ chưa quan tâm đến việc xuất bản. Vì vậy trong 4 chuyến du hành qua xứ Thượng, chỉ có duy nhất chuyến đi cuối cùng, tường thuật về vùng đất người Thượng từ Nha Trang đến Đà Nẵng được xuất bản dưới dạng sách năm 1894, với số lượng in vỏn vẹn chỉ… 15 bản.

Tác phẩm ghi chép ‘Một chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương’. Ảnh NXB Trẻ

Tác phẩm ghi chép Một chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương

NXB

Có thể thấy, Alexandre Yersin ghi chép tỉ mỉ với sự quan sát của một người lần đầu đến các vùng đất mới, tiếp xúc những con người mới, và ông luôn tập trung vào cuộc hành trình của mình. Ông không có nhiều những miêu tả về cảm xúc, mà thay vào đó là phong cách viết ngắn gọn, cô đọng. Ông quan sát, ghi chép và không tham gia vào việc của các buôn làng.

Mục tiêu của ông qua tác phẩm này có thể thấy được một cách rõ ràng và cụ thể, đó là tiến về phía trước; từ đó khám phá những bộ tộc mới, những con người mới. Nhưng chính bản thân những câu chuyện đó tự mình tỏa ra cảm xúc mạnh mẽ.

Trong lần xuất hiện mới này, đi kèm việc tổng hợp lại 4 chuyến du hành đã được xuất bản rải rác ở nhiều tờ báo và nhiều tài liệu, Nhà xuất bản Trẻ cũng cung cấp thêm kho hình ảnh giá trị, do chính Yersin thực hiện, vốn dĩ chưa được biết đến một cách rộng rãi.

Xứ Thượng xa xưa

Được viết bằng văn phong ngắn gọn, đơn giản, nhưng chính sự đơn giản đó mang lại ấn tượng tương đối đậm nét. Trong những trang viết gần gũi, Yersin đã đi bộ, cưỡi ngựa hoặc voi, du hành qua các vùng đất nguy hiểm, gặp phải cướp bóc cũng như các loài động vật nguy hiểm như hổ, rắn... từ những khu rừng rậm, dưới cơn mưa dầm hay là đỉa, vắt…

Một ngôi làng Thượng. Ảnh Trích từ sách

Một ngôi làng Thượng

T.L từ sách

Ông cũng phát hiện ra những địa điểm mà người châu Âu chưa bao giờ thấy. Trên hành trình ấy, ông tiêm vắc xin ngừa bệnh đậu mùa cho người dân và cố gắng hòa giải xích mích giữa các buôn làng mình đã đi qua. Ông có cách đối xử thân tình với các sắc tộc bản địa, không đồng ý đứng riêng về phe người nào.

Qua các ghi chép của mình, độc giả sẽ theo chân ông để thưởng ngoạn thiên nhiên tráng lệ, lúc đó dường như vẫn còn là một kho báu vô tận. Đó chính là nơi người ta săn bắt rất nhiều mà không cần băn khoăn gì. Chúng ta như được chứng kiến những tộc người Thượng, những buôn làng, những nghi lễ uống rượu cần đặc biệt…

Độc giả cũng cùng ông men theo những con suối, đi vào những đầm lầy cùng voi chở đồ, những người tùy tùng cũng như phiên dịch. Chúng ta cũng thấy được những cuộc chiến giữa các bộ tộc, những tù binh chiến tranh, những đòi hỏi khắt khe của trưởng làng về lễ vật cống nạp mới được cho thuê voi hay là đi tiếp…

Không chỉ chứa những ghi chép thường ngày đầy ắp thông tin về địa lý, nhân chủng học, ngôn ngữ học…, Yersin còn khẳng định thêm tiềm năng kinh tế của từng khu vực, đặt trong giả thuyết nếu nó được liên kết với mạng lưới đường bộ và đường sắt. Ông cũng đề cập đến việc đất đai thích hợp cho trồng trọt (ở phía Nam) hoặc chăn nuôi (ở phía Bắc) cũng như hiện trạng giàu có về mặt khoáng sản (đặc biệt là vàng) ở khu vực này.

Thác Liên Khương. Yersin từng viết Phong cảnh đẹp khơi dậy lòng can đảm của chúng tôi. Ảnh Trích từ sách (1)

Thác Liên Khương. Yersin từng viết "phong cảnh đẹp khơi dậy lòng can đảm của chúng tôi"

T.L từ sách

Trong chuyến đi Vân Nam (một tỉnh Trung Quốc giáp với Đông Dương) cũng thuộc chuỗi hành trình này, ông đã nghiên cứu về một dịch bệnh đang đe dọa trực tiếp đến miền Bắc. Và cũng bởi thế, sau chuyến đi Hồng Kông, vào tháng 6.1894, ông đã chính thức xác định trực khuẩn dịch hạch.

Khám phá này làm thay đổi cuộc đời của Yersin, mang lại cho ông danh tiếng và sự công nhận trên toàn thế giới, nhưng cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc đời phiêu lưu của mình. Đáng tiếc sau đó ông không còn thực hiện bất kỳ chuyến đi lớn nào đến các khu rừng ở Đông Dương nữa.

Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương (dịch giả: Cao Hoàng Đoan Thục, hiện là chuyên viên Bảo tàng Yersin thuộc Viện Pasteur Nha Trang) có thể nói là một cuốn sách để hiểu thêm về Yersin, và quan trọng hơn, để biết thêm về hoàn cảnh và các dân tộc tại vùng núi, cao nguyên Việt Nam vào một thời điểm vẫn còn hoang sơ, vốn luôn là mảng “sương mờ” trong lịch sử Việt.

Alexandre Yersin (1863 - 1943) là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông chính là người đã phát hiện ra trực khuẩn bệnh dịch hạch vào cuối thế kỷ 19. Ngày nay trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang có một bảo tàng mang tên Yersin. Tên của ông cũng được dùng đặt cho nhiều con đường tại các thành phố của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.