Hồi hương tranh Đông Dương lưu lạc

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
09/08/2023 07:23 GMT+7

Đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993), kho báu di sản của một danh họa xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với các tác phẩm bị lãng quên nhiều thập niên tại Thụy Sĩ đã cập bến VN bằng chuyến trở về ý nghĩa vào tháng 7 vừa qua, tiếp tục mở ra câu chuyện hồi hương cho tranh Việt.

ĐI LÀ ĐỂ TRỞ VỀ

Trước cụ Trần Phúc Duyên, các tác phẩm nổi tiếng của danh họa Lê Thị Lựu, thủ khoa Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 3), cũng từng may mắn có cuộc quay về đình đám theo ý nguyện của bà. Đó là 8 tác phẩm chất liệu lụa, sơn dầu và 2 bản sao chụp tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu do ông Ngô Thế Tân, chồng họa sĩ Lê Thị Lựu, trao cho ông bà Lê Tất Luyện giữ từ ngày 8.5.1994, cùng nhiều tư liệu hình ảnh, bản thảo thơ, bút tích của nữ họa sĩ. Toàn bộ số hiện vật này được ông bà Lê Tất Luyện trao cho lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngay giữa thủ đô Paris (Pháp) rất xúc động. Ngoài ra, có 9 tác phẩm lụa, sơn dầu (8 tác phẩm do họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác và 1 tác phẩm do ông Ngô Thế Tân sáng tác) thuộc sưu tập riêng của ông bà Lê Tất Luyện cũng được ông bà tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tất cả các tác phẩm được bảo quản cẩn thận và đưa về VN bằng đường hàng không để bảo đảm tính an toàn.

Hồi hương tranh Đông Dương lưu lạc - Ảnh 1.

Hồi hương tranh Đông Dương lưu lạc - Ảnh 2.

Hồi hương tranh Đông Dương lưu lạc - Ảnh 3.

Các tác phẩm quý Cho em con mèo, Thương yêu Nhị kiều của họa sĩ Lê Thị Lựu tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mang về từ Paris, Pháp

QUỲNH TRÂN

Một chữ duyên nữa để tranh danh họa Trần Phúc Duyên hồi cố hương, như nhà sưu tập Phạm Lê Collection kể: "Trong thời gian sống ở nước ngoài, chúng tôi luôn nhớ về quê hương và yêu thích nghệ thuật VN, nên bắt đầu sưu tập nghệ thuật VN kể từ những năm 2015 - 2016. Vì không có con, chỉ có hai người cháu đang sống ở Pháp nên khi cụ Duyên mất, các tác phẩm của ông nằm lãng quên trong nhà kho. Người ta phải đem ra triển lãm để bán bởi đây là một phần trách nhiệm của các luật sư tại đây, họ phải tìm ra ai là người thừa kế và tìm cách bán chia tài sản".

Nhà sưu tập Phạm Lê Collection tiết lộ: "Khi gặp họ, chúng tôi đặt vấn đề mua những tác phẩm này vì là đó là tranh quý của VN. Họ trả lời với chúng tôi rằng hầu hết đều đã được bán. Tuy nhiên, ba tuần sau họ gọi lại và nói rằng người mua mang về treo nhưng kích thước quá lớn so với nhà ở Thụy Sĩ, nên họ không mua nữa, trong đó có bức rất đặc biệt của cụ Duyên, đó là bức Hòa ân - thể hiện mong ước hòa bình cho VN, vẽ ba cô gái đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam. Tìm được một di sản đầy đủ như vậy từ thời kỳ đầu và xuyên suốt quá trình sáng tác của một nghệ sĩ trong giai đoạn đầu của mỹ thuật VN là cực kỳ hiếm và vô giá".

Mới đây, cũng nhờ những cách thức, tâm huyết hồi hương tranh Việt lưu lạc mà nhiều bức tranh quý của danh họa Lê Thị Lựu, cùng những tác phẩm "triệu đô" của "tứ kiệt Đông Dương": Lê Thị Lựu - Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Vũ Cao Đàm đã có cuộc hội ngộ tại triển lãm Hồn xưa bến lạ ở TP.HCM.

Hồi hương tranh Đông Dương lưu lạc - Ảnh 4.

Mùa gặt và...

TÍN HIỆU VUI

Nhà sưu tập Phạm Lê Collection cho biết thêm: "Vừa mua ba bức tranh đầu của cụ Duyên, họ bật mí còn hơn 100 bức sơn mài khác với đủ giấy tờ, sổ sách. Chúng tôi thực sự xúc động vì cơ hội tiếp cận mỹ thuật Đông Dương là rất khó, do đa phần tranh của các họa sĩ này đều đắt đỏ (như bộ tứ Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm), hoặc do chiến tranh loạn lạc khiến tranh ảnh, giấy tờ của họ thất tán. Chúng tôi quyết định xin phép sang gặp gia đình trực tiếp để mua ngay, vì nhận ra khi quyết định bán, họ không hiểu nên chia hai bức tranh sơn mài trong 1 tác phẩm. Một bức đã đem đi đấu giá, một bức thì còn ở lại. Đau lắm. Phải làm sao giữ lại đưa về nước cho thế hệ mai sau".

Nhà sưu tầm Lý Đợi cho rằng: "Việc hồi hương tác phẩm hội họa, nghệ thuật không phải là chuyện chỉ có ở VN mà từng đến với hầu khắp các quốc gia, rộng hơn là các nền văn minh xưa như Maya, Lưỡng Hà - Ai Cập, Angkor Wat, các bộ lạc ở châu Phi, châu Úc…, chứng tỏ đã đến thời điểm bản địa đủ tiềm lực và quan tâm. Việc hồi hương hội họa cũng cho thấy một phần của ưu tiên trong lúc này. Mấy năm qua và khoảng 10 năm tới, sự hồi hương này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa và thực sự là tín hiệu đáng mừng".

Hồi hương tranh Đông Dương lưu lạc - Ảnh 5.

... Trìu mến, hai trong số nhiều bức tranh của cố danh họa Trần Phúc Duyên hồi cố hương

Sưu tập Phạm Lê

Từ những cuộc hồi hương này cho thấy các bảo tàng công lập cũng cần nâng cấp, thêm kinh phí và cơ chế cho điều này. Trước đây Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từng làm cuộc trở về với tác phẩm của danh họa Lê Thị Lựu, nghĩa là có thể làm, nếu đủ quyết tâm và tầm nhìn.

Vì vậy, để không còn là chuyện của những cá nhân đơn lẻ tự đi mua rồi mang về VN, chuyện hồi hương những di sản văn hóa rất cần các cơ quan quản lý cùng quan tâm. Việc ông Nguyễn Thế Hồng, một nhà sưu tập tư nhân ở Bắc Ninh, quyết định chi 6,1 triệu euro (hơn 153 tỉ đồng) mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng từ nhà đấu giá Pháp cũng là một "cú hích" để các cơ quan quản lý di sản văn hóa nghĩ đến hình thức xã hội hóa giúp di sản Việt không bị "chảy máu" nơi xứ người.

"Gần đây nhà nước đã cho tư nhân đăng ký bảo vật quốc gia. Nên chăng những cuộc hồi hương tranh Việt cũng cần có thêm chủ trương, cơ chế và kinh phí từ nhà nước, để hiệu quả hơn, thiết thực hơn với đời sống. Biết đâu trong hành trình ấy, sẽ có thêm nhiều bảo vật cho đất nước, khi đa số tranh đẹp đang ở nước ngoài được trở về sau thời gian dài chu du", ông Lý Đợi nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.