Người “hộ giá” tranh Đông Dương

24/01/2023 07:00 GMT+7

Giám tuyển Ace Lê ngắm lại bức ảnh quét bìa tạp chí năm 1950 một lần nữa. Trên đó có một tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ được in choán hết diện tích. “Đây là bằng chứng cứng quý giá, khẳng định tính xác thực cho tác phẩm”, ông Ace Lê nói.

Lần đầu của bộ tứ trời Tây trên đất Việt

Giám tuyển Ace Lê mở thư của cộng tác viên từ Pháp gửi. Tư liệu ông mong chờ cuối cùng đã đến, người bạn đã chụp nó trong hệ thống thư viện Pháp và gửi về. Đó là một bản tạp chí từ năm 1950 với bìa có in bức Lá thư của họa sĩ Lê Phổ.

“Khi nhận được bức tranh sơn dầu giai đoạn Romanet này từ một nhà sưu tập nội địa, tôi ngờ ngợ rằng mình đã nhìn thấy nó ở đâu. Việc tìm lại được cuốn tạp chí cũ là một mắt xích quan trọng cho việc phân tích lai lịch của tác phẩm, một khâu cần thiết khi thẩm định tranh”, ông Ace Lê nhớ lại.

Hồn xưa bến lạ tuân theo những quy chuẩn của triển lãm quốc tế

Việc tìm thấy hình bức tranh của Lê Phổ trên bìa tạp chí cho thấy nó đã được đánh giá cao thế nào vào thời điểm 1950. Bức tranh đã đủ quan trọng để cả họa sĩ, chủ phòng tranh và biên tập viên chọn để đưa nó lên làm bìa tạp chí, có nghĩa là giá trị văn hóa của nó đã có vị trí nhất định ngay từ thời điểm mới được sáng tác và trưng bày.

Ông Ace Lê cho biết, Lá thư là một bức tranh sơn dầu trên lụa khổ lớn, với phong thái nhân vật được vẽ theo lối thơ mộng như các bức bột màu trên lụa trước đó của Lê Phổ. Chi tiết trên tranh cũng được vẽ kỹ càng hơn hẳn các bức sơn dầu trên lụa khác trong cùng giai đoạn Romanet.

“Điều này chứng tỏ đây là một tác phẩm bản lề giữa hai giai đoạn, thể hiện khả năng nghiên cứu, thể nghiệm bậc thầy của họa sĩ. Tất nhiên, những phát hiện mới về lai lịch và giá trị lịch sử mỹ thuật sẽ là những lý do chính đáng để tịnh tiến giá trị tài chính ước đoán mà người ta sẽ gán lên tác phẩm”, ông Ace Lê nói.

Tác phẩm sau đó được trưng bày trong triển lãm Hồn xưa bến lạ (tại TP.HCM từ ngày 11 - 14.7.2022), triển lãm đầu tiên do nhà đấu giá nghệ thuật Sotheby’s tổ chức tại thị trường Việt Nam.

Cũng như nhiều người quan tâm đến mỹ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá Hồn xưa bến lạ là triển lãm có hai yếu tố vô cùng quý giá. Bên cạnh việc là triển lãm đầu tiên do Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam, nó còn là triển lãm quy mô lớn đầu tiên của bộ tứ danh họa ở hải ngoại, nhóm Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, được tổ chức trong nước. Họ tốt nghiệp những khóa đầu rồi trở thành đại diện xuất sắc của Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l’Indochine).

Không gian trưng bày của Hồn xưa bến lạ

“Chưa có triển lãm nào về bộ tứ mỹ thuật này như vậy. Nó giúp hình dung về những giá trị mỹ thuật mà Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại tốt hơn”, ông Lê Thiết Cương cho biết. Ông Cương đánh giá Hồn xưa bến lạ như một đánh giá cao công khai của Sotheby’s đối với thị trường sưu tập cũng như tranh Việt Nam. “Trong số tác phẩm bày tại Hồn xưa bến lạ, quá bán là tranh nhà sưu tập đấu giá thành từ các cuộc đấu giá tại Sotheby’s hoặc các nhà đấu giá khác hoặc Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Singapore. Tâm lý người sưu tầm muốn được khoe tác phẩm trong bộ sưu tập của họ, cũng có người chỉ khoe tranh mà giấu danh tính. Nhưng dù không nêu tên, việc có bảo chứng của Sotheby’s cũng làm tác phẩm đó uy tín thêm nhiều”, ông Cương nói. Uy tín đó, tất nhiên, theo ông Cương, sẽ đẩy giá tác phẩm và quan trọng hơn là tạo hứng khởi cho thị trường.

Hứng khởi đó, với Hồn xưa bến lạ, đầu tiên đến từ sự “vượt khó”. Đó là những cuộc trao đổi, thỏa thuận để triển lãm có thể được tổ chức trong điều kiện quy trình tổ chức triển lãm trong nước chưa có chuẩn nhất định. Xe tải đặc biệt vận chuyển là điều chúng ta chưa cung cấp được. Quá trình bảo quản với chuẩn độ ẩm, nhiệt độ lưu giữ tranh cũng mới manh nha. Khó khăn nhất là việc bảo hiểm tranh vì tranh ảnh tại Việt Nam chưa được công nhận chính thức là một loại tài sản. Sotheby’s và người được chọn làm cầu nối Ace Lê đã phải đi qua rất nhiều cuộc thỏa thuận dân sự như vậy.

Tác phẩm Lá thư của Lê Phổ

Sàng lọc và thẩm định

Sức hút của những bức tranh là điều dẫn Ace Lê đi qua từng ngày, từng ngày chuẩn bị cho trưng bày. Mỗi ngày trôi qua, ông lại được ngắm nhìn kỹ hơn những tác phẩm của bộ tứ Paris (cả 4 danh họa này đều sống một thời gian dài tại Paris, Pháp). Có những tác phẩm, với ông, đã là “có duyên được gặp lại”. Nhiều bức Ace Lê từng gặp tại những phòng tranh Đông Dương ở hải ngoại giờ đã được nhà sưu tập đưa về nước. “Việc tranh Việt hồi hương cũng không nằm ngoài quỹ đạo của các nước đang phát triển khi có nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Chúng ta đã thấy xu hướng này ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á xưa kia là thuộc địa”, ông Ace Lê nói.

Ace Lê cho biết, danh họa Lê Phổ đã sang Pháp và sáng tác tại đây trong thời kỳ 1940 - 1950 dưới phòng tranh Romanet. Tới năm 1960 ông đã có một cuộc gặp mặt với ông chủ phòng tranh Wally Findlay tại Mỹ. Ông bắt đầu vẽ lại sơn dầu trên toan với một bảng màu tươi mới và gửi tranh sang Mỹ bán, bước vào một thời kỳ thành công rực rỡ về mặt thương mại. Sau đó, Lê Phổ rủ thêm Vũ Cao Đàm ký hợp đồng cho phòng tranh này đại diện. Sau này Wally Findlay trở thành một khu vực tập kết tranh Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.

“Năm 2017, tôi sang Mỹ công tác và có đến chi nhánh phòng tranh này tại Miami, Florida. Họ có một số lượng lớn tranh Phổ và Đàm, và chia sẻ với tôi những tài liệu lưu trữ suốt nhiều thập niên về hai họa sĩ này. Đến bây giờ, Học viện Wally Findlay vẫn là một nguồn tham khảo tốt để tôi tra cứu những bức tranh đã được họ đại diện mua bán”, Ace Lê nhớ lại.

Để chọn ra 56 bức tranh tại Hồn xưa bến lạ, Ace Lê đã thẩm định 200 tác phẩm được đề cử. Có hai yếu tố được đưa ra trong suốt quá trình thẩm định: lai lịch của tranh và mức độ quan trọng của tác phẩm trong dòng chảy mỹ thuật.

Giám tuyển Ace Lê của triển lãm đầu tiên do Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam

NHÂN VẬT CUNG CẤP

“Triển lãm này có uy tín và quy mô như triển lãm của một bảo tàng, với ngân sách lớn; các khâu thiết kế, an ninh, bảo hiểm cần đạt chuẩn quốc tế. Các tranh thể hiện đại diện tương đối cho chiều dài sáng tác của 4 nghệ sĩ, đặc trưng cho bút pháp, chất liệu và mốc thời gian sáng tác của họ”, ông Ace Lê nói.

Trong quá trình thẩm định, bên cạnh tác phẩm Lá thư của Lê Phổ, một tác phẩm khác cũng khiến ông Ace Lê vui và tự hào về lai lịch. Đó là tác phẩm Cậu bé câu cá của họa sĩ Mai Trung Thứ. Khi nghiên cứu thêm, ông Ace Lê phát hiện nó đã xuất hiện trên poster một triển lãm của Mai Trung Thứ tại Paris. “Poster được tìm thấy ở website chính thức của Hội đồng Mai Thứ, được thành lập bởi gia đình họa sĩ. Việc tác phẩm xuất hiện trên poster là bằng chứng cứng cho việc xác tín tranh, và về vị trí của nó trong các sáng tác của Mai Thứ”, ông Ace Lê nói.

Có thể cho rằng con số 56 tác phẩm cho thấy giám tuyển muốn có một triển lãm với giá trị chắc chắn. Điều này cùng lúc vừa tạo dựng uy tín cho tranh Đông Dương, vừa cho Sotheby’s, vừa cho chính giám tuyển. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi đã có những nghi vấn về tranh Đông Dương giả xuất hiện trong các cuộc đấu giá chuyên nghiệp của những nhà đấu lớn.

Tiền cho giám tuyển, tranh cho công chúng, tương lai cho thị trường

Sotheby’s hẳn đã có nhiều lý do để chọn Ace Lê làm giám tuyển cho cuộc triển lãm này. Ông là người được đào tạo giám tuyển bài bản ở trường Đại học tổng hợp Singapore. Ace Lê cũng là người có mạng lưới thông tin tác phẩm Việt Nam dày dặn, cả ở trong nước và nước ngoài. Những lần ông lên tiếng về việc giả mạo tác phẩm cũng khiến uy tín của nhà giám tuyển này trở nên đáng kể.

Không tiết lộ con số cụ thể, song Hồn xưa bến lạ có phần chi trả cho giám tuyển tương đương với một triển lãm ở nước ngoài. Đa số triển lãm trong nước vẫn chi trả cho giám tuyển ở mức 0 đồng, hoặc nhiều cũng chỉ vài ngàn USD. Điều đó chứng tỏ thị trường mỹ thuật Việt Nam vẫn ở mức sơ khởi. Trong khi đó, điều Ace Lê muốn là những giám tuyển trẻ phải thấy cơ hội và có khả năng sống được bằng nghề.

Ace Lê cũng đàm phán rõ ràng một điều kiện khác với Sotheby’s - Hồn xưa bến lạ phải là một triển lãm phi thương mại. Triển lãm sẽ mở cửa miễn phí cho công chúng, và sẽ không có giao dịch mua bán nào diễn ra. Đây cũng là cách để Sotheby’s thể hiện sự tôn trọng với thị trường, nghĩ đến cộng đồng, nghĩ cho nền văn hóa. “Việc mở đăng ký vé diễn ra rất nhanh, hết vé nhanh. Tôi may mắn được lời mời đi cùng của hoa hậu Ngọc Hân và những người bạn của cô”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ. Chỉ trong vòng 3 ngày mở cửa, triển lãm đã đón nhận 5.500 lượt khách, với lượng khách luôn ở mức tối đa.

Park Hyatt là khách sạn 5 sao với những quy định nghiêm ngặt về số lượng người ra vào. Những ngày Hồn xưa bến lạ diễn ra tại đây, những người quản lý gần như lần đầu chứng kiến những dòng người xếp hàng dài để vào xem tác phẩm. Ban tổ chức sau đó cho phép số lượng người vào phòng tranh tăng lên. Tuy nhiên, hàng người vẫn đặc biệt dài hơn trong những ngày cuối cùng. “Tôi gặp một nữ giảng viên mỹ thuật đã đi từ Đồng Nai tới. Cô ấy nói đọc thông tin trên báo mà không đăng ký kịp nên quyết định cứ đến rồi xin vào xem”, Ace Lê chia sẻ.

Nữ giảng viên này sau đó trở thành một trong những công chúng cuối vào xem triển lãm. Đối với Ace Lê, đó là một món quà. “Khi học ở Singapore gần 20 năm trước, tôi thấy mình trước đó như chẳng được xem, được đọc gì nhiều. Trẻ em Việt lớn lên không được học về lịch sử mỹ thuật trong trường, còn hệ thống bảo tàng công thì vẫn chưa có ngân sách để mua, bảo quản và trưng bày các tác phẩm tốt. Công chúng Việt Nam thật thiệt thòi nếu không được tiếp xúc với những tác phẩm đại diện cho dòng chảy mỹ thuật Việt, nên tôi hy vọng triển lãm này góp một phần nhỏ bé để cải tạo thực tế đó”, ông nói.

Với Hồn xưa bến lạ, có thể thấy thị trường mỹ thuật tiến thêm một bước, trong đó Ace Lê là nhân tố thúc đẩy. Và ông làm được điều đó, đầu tiên, bằng việc nghĩ cho công chúng và nghệ thuật. Trong số nhiều việc ông muốn làm, có việc “hộ giá” tranh Đông Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.