Giám tuyển phim, anh ở đâu?

Ngọc An
Ngọc An
01/07/2019 07:53 GMT+7

Còn quá ít các nhà giám tuyển phim đúng nghĩa tại VN, trong khi họ đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu những gương mặt điện ảnh trong nước đến với thế giới .

Buổi trò chuyện có chủ đề “Giám tuyển phim” đã diễn ra ngày 30.6 vừa qua tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh VN (Hà Nội).

Giám tuyển phim không chỉ... tuyển phim

Nhà giám tuyển phim có thể hiểu theo cách đơn giản là những người tham gia tuyển chọn phim trình chiếu, dự thi, giới thiệu tại các liên hoan phim (LHP) trong nước, khu vực cho đến quốc tế, những không gian điện ảnh độc lập, trung tâm văn hóa... Tuy nhiên trên thực tế, công việc của những giám tuyển phim không chỉ có... tuyển phim.
Trần Duy Hưng, người tham gia đồng giám tuyển và tổ chức Liên hoan Hình ảnh động Đông Nam Á - Out of frame 2016, cho hay với công việc giám tuyển, anh quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối, tương tác, nhằm tạo ra trải nghiệm cho khán giả. Trong khi đó, Vũ Mạnh Cường, giám tuyển chùm phim VN tại chương trình phim ngắn Đông Nam Á S-Express, chương trình Asian Film Focus 2015 của Objectifs (Singapore), LHP Seashorts film festival, nói rằng với anh, vai trò của người giám tuyển không chỉ đơn thuần là giới thiệu phim cho khán giả, mà còn đồng hành với nhà làm phim. “Công việc của tôi gắn liền với cộng đồng nhà làm phim. Tôi luôn muốn tìm kiếm, giới thiệu những gương mặt mới, nhà làm phim có tiếng nói riêng biệt, đặc sắc, mang hơi thở thời đại, hay đại diện cho những nhóm làm phim khác nhau”, Vũ Mạnh Cường nói. Thậm chí, anh nhìn nhận vai trò nhà giám tuyển của mình không chỉ ở lúc bộ phim đã được hoàn thành, mà cả từ khi nhà làm phim mới nhen nhóm ý tưởng.
Theo chị Trương Quế Chi, giám tuyển chùm phim VN chương trình Asian Film Focus 2017 của Objectifs (Singapore), nhà giám tuyển phim còn đóng vai trò “phiên dịch”. “Ngay việc lựa chọn phim của nhà giám tuyển sẽ cho thấy khuôn mặt điện ảnh VN ra bên ngoài thế nào”, chị Chi nói và cho rằng giám tuyển phim có thể “ráp” ở khâu phát hành, cả trong việc chọn các bộ phim xuất hiện ở các LHP. Khác với phim thương mại có hệ thống phát hành riêng, những phim thuộc dòng phim tác giả luôn chật vật ở khâu phát hành trong nước. Qua các LHP quốc tế, nhà làm phim có thể kết nối với mạng lưới các giám tuyển, phát hành phim thế giới.

Khó làm ra tiền

LHP ngắn trực tuyến Yxineff được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 với những nhà giám tuyển đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Giám tuyển phim Trương Quế Chi đánh giá, năm 2010, sau những ghi nhận của nhiều LHP lớn trên thế giới với bộ phim Bi, đừng sợ! (đạo diễn Phan Đăng Di), người ta tự hỏi sẽ có những gương mặt nhà làm phim nào tiếp nối? Vào thời điểm trước đó, hầu hết các nhà làm phim trẻ gặp phải vấn đề làm phim xong chẳng biết chiếu chỗ nào, ngậm ngùi cất trong ổ cứng. “Không thể nói đến tương lai nếu không có sự hỗ trợ nào cho những nhà làm phim trẻ, mà điểm bắt đầu của họ là phim ngắn”, chị nói. Vào thời điểm đó, sự xuất hiện của Yxineff khiến các nhà làm phim trẻ như “nắng hạn gặp mưa rào”. Nhưng ít ai biết anh Vũ Mạnh Cường, người đồng sáng lập và điều hành LHP Yxineff, cùng với khoản hỗ trợ “động viên” từ nhà tài trợ đã phải bỏ tiền túi 100 triệu đồng trong năm đầu tiên của liên hoan. Anh cho hay, hầu hết người làm giám tuyển phim ở VN chỉ làm bằng đam mê, vì đây không phải công việc “làm ra tiền” như những nhà giám tuyển ở các LHP lớn trên thế giới.
Hiện, tại VN đã có những người làm công việc giám tuyển phim ở các LHP, sự kiện văn hóa, không gian điện ảnh... “Nhưng hầu hết đều chỉ làm một cách bộc phát, không theo những quy chuẩn cần có”, anh Vũ Mạnh Cường nhìn nhận, đồng thời lý giải việc thực hành nghề giám tuyển phim cần quá trình, chứ không thể ngày một, ngày hai. Muốn làm tốt công việc này, cần có mạng lưới kết nối với các nhà làm phim, giám tuyển phim... trong khu vực và quốc tế. “Để làm được như thế, cần phải có những quy chuẩn nhất định và cần có thời gian”, anh Cường bày tỏ. Tuy nhiên, theo nhà giám tuyển này, cũng cần nhìn nhận ở yếu tố điện ảnh VN chưa có nhiều tác phẩm mỗi năm. Số lượng phim truyện dài trung bình chưa vượt quá 50 phim. Số lượng phim ngắn nhiều hơn nhưng rất ít phim đạt chuẩn.
“Điện ảnh Việt còn thiếu, còn yếu nhiều mặt, trong đó có mặt giám tuyển phim là bởi thế”, anh Cường chia sẻ và cho rằng việc thiếu hụt nhà giám tuyển phim chuyên nghiệp có những ảnh hưởng nhất định tới việc đưa điện ảnh Việt đến với thế giới. “Khi có nhiều người làm giám tuyển phim, mạng lưới giám tuyển phim trong nước sẽ mở rộng, có sự chia sẻ với nhau, từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà làm phim”, anh Cường bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.