Ám ảnh di chuyển hàng chục cây số đi làm trong trời nắng gắt

Phúc Kha
Phúc Kha
15/03/2024 15:05 GMT+7

Nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều người làm việc ngoài trời, có nhà ở cách xa nơi làm việc, học tập đi lại rất vất vả.

Mỗi ngày, Nguyễn Thành Tín, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phải chạy xe từ nhà ở Q.6 đến cơ sở của trường tại làng đại học Thủ Đức với quãng đường dài 30 km. Sau giờ học ở trường, Tín tiếp tục đến Q.3 để làm thêm.

“Do vừa đi học, vừa đi làm, mình lựa chọn xe máy để thuận tiện di chuyển hơn là xe buýt. Nhưng chạy xe vào các giờ cao điểm, thường xuyên gặp tình trạng tắc đường cộng thêm thời tiết nắng nóng khiến bản thân đuối sức, có hôm đến trường mình xây xẩm, chóng mặt vì đi lâu ngoài đường”, Tín chia sẻ.

Ám ảnh di chuyển hàng chục cây số đi làm trong trời nắng gắt- Ảnh 1.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều người mệt mỏi mỗi khi đi ra đường

PHÚC KHA

Nhiều người trẻ vì muốn tiết kiệm chi phí nên thuê trọ ở xa nơi làm việc, vì thế mỗi ngày họ phải di chuyển quãng đường khá xa để đi làm. Tuy nhiên, những ngày thời tiết ở TP.HCM trở nên oi bức thì quãng đường đi làm của họ gặp không ít vất vả…

Trương Ngọc Hân (24 tuổi), đang làm việc trên đường Phan Đình Giót, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM, nói: “Tuần trước, mình lựa chọn đi xe buýt để tránh nóng. Tuy nhiên, công ty liên tục tăng ca làm việc đến 21 giờ khiến mình lỡ mất chuyến xe buýt cuối cùng. Mình phải ngậm ngùi bắt xe ôm công nghệ từ cơ quan về trọ ở đường Võ Văn Ngân, TP.Thủ Đức. Bắt đầu từ tuần này, mình quay lại đi xe gắn máy”.

Với tính chất công việc thường xuyên di chuyển ngoài đường, Phạm Văn Linh (23 tuổi), trọ tại đường số 2, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết thời tiết tại TP.HCM những ngày qua quá nóng, oi bức, khó chịu. Dù bản thân đã chủ động mang theo một bình nước lớn khi đi làm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho cơ thể.

“Trời nắng quá, mình đối phó bằng cách đeo thêm khẩu trang, đội nón và mặc thêm 2, 3 lớp áo nữa. Đi nhiều ngoài đường, nhiều khi mình thấy hoa mắt, chóng mặt luôn. Người bức bối, mồ hôi đổ ra ướt hết cả áo. Những lúc lái xe, không kịp dừng lại uống nước thì cổ họng rát khan”, Linh kể.

Ám ảnh di chuyển hàng chục cây số đi làm trong trời nắng gắt- Ảnh 2.

Chuyên gia khuyên người trẻ ngoài sử dụng quần áo, khẩu trang, váy chống nắng, có thể dùng viên uống, kem chống nắng khi di chuyển quãng đường xa dưới tiết trời nắng gắt

PHÚC KHA

Thạc sĩ, bác sĩ da liễu Phạm Cẩm Thúy, chủ phòng khám thẩm mỹ da Em Mây, Q.5 (TP.HCM), cho biết ngoài sử dụng quần áo, khẩu trang, váy chống nắng, bạn trẻ có thể dùng viên uống, kem chống nắng khi di chuyển quãng đường xa dưới tiết trời nắng gắt. Việc kết hợp nhiều phương pháp như vậy sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ làn da, hạn chế ảnh hưởng của tia cực tím hơn.

“Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 - 60 và có kết cấu phù hợp với làn da để tránh tình trạng nhạy cảm, kích ứng và nổi mụn. Nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút và thoa lại sau 2 - 3 giờ để sản phẩm thẩm thấu tốt và giữ được hiệu quả chống nắng lâu dài. Viên uống chống nắng giúp làm giảm tác hại của gốc tự do gây ra bởi các tia UVB, UVA1, UVA2, HEV và IR, đồng thời giúp kháng viêm, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu viêm do tia cực tím gây ra”, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Thúy chia sẻ.

Ám ảnh di chuyển hàng chục cây số đi làm trong trời nắng gắt- Ảnh 3.

Bổ sung những loại nước uống có vitamin C cho cơ thể trong những ngày nắng nóng

PHÚC KHA

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng cơ sở TP.HCM, cho biết di chuyển ngoài đường và sinh hoạt dưới tiết trời nắng nóng oi bức có thể gây mất nước, mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe khác. Để bảo vệ sức khỏe, điều quan trọng là người trẻ phải duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, đủ nước, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế sử dụng thức uống có cồn...

“Nước là chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong thời tiết nắng nóng. Uống nhiều nước trong ngày, ngay cả khi không khát. Mang theo nước bên mình, có thể dùng nước dừa nếu mất nhiều mồ hôi. Ngoài ra, ăn nhiều trái cây, rau củ giúp bạn giữ nước và cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu…”, thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.