Ám ảnh mang tên 'họp phụ huynh'

Bích Thanh
Bích Thanh
16/01/2019 08:05 GMT+7

Những ngày này, nhiều học trò gây sốt khi chia sẻ trên mạng xã hội khá nhiều hình ảnh mang tính 'tâm thư', gửi gắm nỗi lòng đến giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ sau các buổi họp phụ huynh thông báo kết quả học tập học kỳ 1.

 

“Có bị ba mẹ nói gì không ?”

Trên mạng xã hội mấy ngày này xuất hiện những bức ảnh với những lời nhắn được dán trên bảng thông báo hay cửa sổ phòng học, như: “Đừng để buổi họp phụ huynh làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vài ba con số hay dăm ba cái danh hiệu không thể quan trọng bằng một cái tết sum vầy và đầm ấm được!!!”, “Nhắn nhủ phụ huynh: Dù có chuyện gì đi nữa con vẫn là con của ba mẹ. Yêu ba mẹ. Mong ba mẹ cũng yêu con”…
Cho dù những bức ảnh này có thật hay không nhưng trao đổi với phóng viên Thanh Niên, nhiều học sinh (HS) cho biết điều này đã phản ánh đúng tâm tư của học trò trước và sau những buổi họp phụ huynh. Chia sẻ về điều này, N.N.H.N, lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) nói: “Buổi họp phụ huynh là sự thấp thỏm lo âu không chỉ của những bạn HS khá giỏi mà thật sự là nỗi ám ảnh của những bạn đạt kết quả không tốt nếu không nhận được sự đồng cảm của người thân. Bạn bè em đã từng bị ba mẹ tịch thu điện thoại, máy tính bảng, cấm lên mạng ngay khi vừa họp phụ huynh chỉ vì kết quả học tập kém hơn năm trước”.
Còn Trần Khánh Ngọc, HS lớp 12 tại một trường THPT tại Q.1, kể: “Câu hỏi “cửa miệng” của nhóm chúng em sau mỗi đợt công bố điểm kiểm tra hoặc kỳ họp phụ huynh là “có bị ba mẹ nói gì không?”. Điều này lý giải rằng chúng em gặp phải những áp lực rất lớn về kết quả học tập. Bạn nào học kém bị la mắng là chuyện bình thường nhưng ngay với những bạn học giỏi, chẳng may kết quả không tốt, không đủ điều kiện để xét tuyển vào những trường ba mẹ hy vọng cũng gặp không ít mệt mỏi”. Vì vậy, Khánh Ngọc mong mỏi: “Chỉ mong ba mẹ hiểu rằng, khi bị điểm thấp, chúng em cũng đã rất buồn rồi, hãy cho chúng em một điểm tựa, một chiếc phao ấm áp”.
Còn giáo viên tâm lý Trường THPT Marie Curie (Q.3) Bùi Thị Kiều cho hay, thời điểm này khá nhiều học trò đến phòng tâm lý chia sẻ, tham vấn ý kiến của giáo viên rằng phải nói chuyện với ba mẹ thế nào về kết quả học tập thấp, không được như mong muốn của ba mẹ. Giáo viên này còn tiết lộ: “Có nhiều gia đình, sau khi nhận thông báo kết quả của con liền lắp camera giám sát trong phòng thậm chí có ba mẹ đánh đập con em, khiến các bé quá sợ hãi. Tôi phải tìm cách trao đổi với gia đình và thẳng thắn nói rằng, nếu cứ gây áp lực kiểu này, không cho trẻ một lối thoát, các con sẽ làm chuyện dại dột và anh chị sẽ mất con. Tôi thật sự rất lo lắng cho những đứa trẻ đó”.

97,37% học sinh THPT đang chịu áp lực

Chỉ mong ba mẹ hiểu rằng, khi bị điểm thấp, chúng em cũng đã rất buồn rồi, hãy cho chúng em một điểm tựa, một chiếc phao ấm áp
Trần Khánh Ngọc HS lớp 12 tại TP.HCM
Có lẽ hiểu được tâm trạng mà mình cùng bạn bè đang phải đối diện với những áp lực đến từ gia đình, thầy cô, bạn bè, chương trình học, nên mới đây 2 HS Trường THPT Trưng Vương (Q.1) là Trần Thị Khánh Linh và Trần Nhật Linh, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Trần Thị Quỳnh Anh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Khi áp lực trở thành bạo lực tinh thần”.
Với đề tài này, nhóm nghiên cứu đã khảo sát ở 1.862 HS THPT, kết quả có đến 1.813 HS (97,37%) đang chịu đựng áp lực. Trong đó cao nhất là khối 12 với 551 HS (87,74%), thấp nhất là khối 11 với 396 HS (64,91%). Điều này có thể cho thấy được HS khối 12 phải chịu rất nhiều áp lực về thi cử, học tập cũng như đây là độ tuổi nhạy cảm nhất nhưng các bạn vẫn chưa đủ kiến thức, hiểu biết để có thể kiểm soát được áp lực, hành vi của mình.
Nhóm nghiên cứu còn đưa ra thông tin theo thống kê từ phiếu khảo sát, số lượng HS chịu chia sẻ những áp lực của mình với người khác là rất thấp, chỉ có 26,96%. Vì vậy, đề tài nghiên cứu cảnh báo, điều này sẽ dẫn đến việc HS sẽ có xu hướng chịu đựng những áp lực và đến một lúc nào đó sẽ “bùng nổ” gây ra những hành động, suy nghĩ không thể kiểm soát.

Học sinh cần định hướng, cha mẹ cần bình tĩnh

Tâm lý của ba mẹ đều hy vọng con mình có một tương lai hạnh phúc và thành đạt nhưng hãy cho trẻ được biết đến hạnh phúc với cuộc đời ngay từ lúc này

Giáo viên Bùi Thị Kiều Trường THPT Marie Curie Q.3, TP.HCM

Phụ huynh Nguyễn Tố Trinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết: “Ở thời điểm này, các con vẫn cứ cố chấp với suy nghĩ rằng ba mẹ đừng áp đặt mong muốn của ba mẹ lên con nhưng bản thân các con chưa va chạm với cuộc đời, vẫn cần những lời khuyên, định hướng”.
Tuy nhiên, vị phụ huynh này nói thêm, cha mẹ cần giữ cho mình một tâm lý bình tĩnh, đừng để xảy ra tình huống xấu, đừng đẩy con xa mình vì ngoài việc học, con còn có nhiều tâm tư, tình cảm cần chia sẻ. “Đừng vì mong muốn con mình giống như người A, người B mà tạo áp lực với con. Mỗi đứa trẻ có một thế mạnh thành ra con có thể không mạnh hết tất cả, giỏi hết các môn để có điểm cao. Vì vậy cần nhìn nhận con mình mạnh ở điểm nào và tìm cách khai thác”, phụ huynh này tâm sự, và cho rằng HS nào cũng muốn điểm cao, được khen thưởng... Trừ một số rất ít những trường hợp cực kỳ cá biệt. Đi học mà được điểm cao thì lại càng có động lực đi học hơn. Thế nên khi bị điểm kém, hoặc điểm không được như ý, HS cũng đã rất đau buồn rồi.
“Phụ huynh cần giúp con tháo gỡ, giải quyết vấn đề này thay vì khiến các con cảm thấy mệt mỏi hơn. Bài toán học tốt mà vẫn có một tuổi thơ đúng nghĩa là một bài toán khó mà phụ huynh cần cùng con tìm lời giải, thay vì đẩy hết cho con tự xoay xở...”, chị Tố Trinh nhắn nhủ.
Còn giáo viên tâm lý Bùi Thị Kiều đề nghị phụ huynh đừng để vì ước mong thái quá của mình mà tước đoạt quyền vui chơi, giải trí, quyền sống của trẻ. “Thật ra, tâm lý của ba mẹ đều hy vọng con mình có một tương lai hạnh phúc và thành đạt nhưng hãy cho trẻ được biết đến hạnh phúc với cuộc đời ngay từ lúc này”, cô Kiều nhắn gửi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.