(TNTS) Buổi sáng nào nhà anh Khang cũng ồn ào phức tạp. Mà có gì cho đáng đâu, vẫn là những sinh hoạt thường nhật như bao gia đình khác. Bé Mi, con gái lớn của vợ chồng anh thi thoảng vẫn còn tè dầm ban đêm. Và nếu ngày nào thức dậy, phát hiện ra "sự việc”, là ngay lập tức vợ anh la con ầm ĩ. Những ngôn từ ngày càng tăng “đô” đến khó nghe, tới mức đôi khi anh phải nổi nóng quát vợ: “Thôi bớt bớt cái miệng đi, đừng ăn nói với con như vậy”. Nhưng vợ anh thì vẫn chứng nào tật nấy, vừa mở mắt là cũng phải... mở đài phát thanh luôn.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Rồi cái đoạn dỗ thằng cu con uống sữa, thay quần áo cho kịp tới lớp học mầm non cũng lắm nhiêu khê. Hôm thì nó vừa uống xong là ho hoặc khóc, ói ra nhà, vợ vừa dọn vừa than thân trách phận, oán chồng oán con “báo đời”. Lúc thì nó mè nheo đòi đi với mẹ mới chịu. Vợ nổi nóng gào lên, làm ơn để cho tôi sống với, tôi đâu phải ba đầu sáu tay mà cái gì cũng mẹ, mẹ... Tiếp theo là công đoạn phụ đứa lớn chải tóc thay đồng phục. Vợ anh nhắc nhở nó bằng câu “làm ơn làm phước” ăn cho nhanh giùm, đừng có ngồi ỏng eo lựa tới lựa lui từng cọng rau miếng hành lá nữa. Sao mà tôi mắc mệt với cha con các người thế không biết!
Hôm nào chị phải thu xếp tới cơ quan sớm, hoặc lo lắng chi đó bên ngoài là cha con anh Khang càng lãnh đủ. Chị đá thúng đụng nia, cáu bẳn đến phát sợ. Những lúc đó, nếu mấy cha con “biết khôn” nín nhịn, hợp tác tốt, thì còn may. Gặp lúc anh cũng mệt mỏi áp lực, không kiềm chế nổi, là chiến tranh nổ ra. Bài trường ca “số tôi mắc nợ cha con anh, chồng con người ta nhanh nhẹn tự biết lo cho bản thân, còn ai ở cái nhà này cũng chậm chạp bê bối, cái gì cũng đợi nhắc mà còn chẳng nên thân...” chính là tinh thần chủ đạo ưa thích của chị.
Đừng tưởng cha con anh cuối tuần là thoát nạn. Vợ dậy sớm thì chê bai chồng con chẳng có giờ giấc, không tự giác gì cả. Vợ “buông thả bản thân”, từ mà chị hay dùng, ngủ quên một chút là hết cả buổi sáng chẳng làm được việc gì cho đáng, cũng vì mấy cha con xàng xê lề mề. Nói chung là đường nào anh cũng tới đoạn biết thân biết phận, vừa dọn dẹp phòng ngủ vừa nghe tiếng vợ càm ràm vọng từ dưới bếp lên.
Nói nào ngay, cũng do anh ít biết thu vén, vụng về chuyện nhà, hai đứa trẻ còn ỷ lại. Nhưng anh tự xét mình cũng đã rất có lòng phụ vợ chăm con, nhận lãnh phần đưa con đi học mỗi sáng rồi. Cũng do vợ anh quá cầu toàn, hay thích trách móc thì phải. Vợ anh, sau khi “tống khứ hai cục nợ” ra cửa là có thể yên tâm tắm rửa chuẩn bị đi làm. Nhưng nỗi ấm ức hậm hực thì không cách nào thay đổi được, nên hiếm khi anh thấy vợ âu yếm hay dịu dàng chia tay con ở cửa. Toàn là quát đứa lớn “tại sao lại quên mang nón”, hoặc la đứa nhỏ, đại loại “có cái cặp của mình mà cũng quên trước quên sau là sao”. Nhiều lúc anh cũng chạnh lòng, thương hai đứa con mình luôn phải đón chào ngày mới bằng thái độ khó chịu của mẹ...
Họa hoằn lắm mới có được hôm vợ nhẹ nhàng. Đó thường là sau ngày anh lãnh lương, hoặc gia đình có sự việc vui vẻ nào đấy. Anh chưa kịp mừng, thì đã thấy vợ thủng thẳng lên lớp “nhà người ta luôn im ắng phát ham, sao chồng con mình cứ muốn cửa nhà um sùm lên thì mới hài lòng vậy không biết”. Anh nghe mà thật chẳng biết nói sao! Chẳng lẽ lại hơn thua với vợ rằng, chẳng phải trăm sự ấm êm hay tanh bành đều đang cậy nhờ ở em hết đó sao, vợ ơi!
Bình luận (0)