Ám ảnh những 'nút thắt cổ chai' trên QL1: Chờ cao tốc giảm tải cho quốc lộ

Mai Hà
Mai Hà
24/02/2022 05:48 GMT+7

Tốc độ tăng trưởng vận tải cho hành lang Bắc - Nam được tính toán trung bình khoảng 15%/năm.

Trong khi theo thiết kế, ngay cả với các đoạn đã được mở rộng lên 4 làn xe, QL1 cũng chỉ đáp ứng được lưu lượng vận tải tối đa 26.000 - 30.000 CPU (xe con quy đổi)/ngày đêm. Thực tế nhiều đoạn trên QL1, lưu lượng đã vượt quá con số thiết kế này.

Dù “QL chờ cao tốc”, song số lượng các cao tốc đã hoàn thành tới nay vẫn quá thấp so với nhu cầu. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến có tổng chiều dài 9.014 km. Nhưng tính tới cuối 2021, mới chỉ 1.163 km được đưa vào khai thác, nếu tính cả 15 km đoạn tuyến đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (qua tỉnh Ninh Bình) thông xe đầu tháng 2.2022, thì số km cao tốc thực tế mới đạt gần 1.180 km.

Liên quan tiến độ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (dài 653 km), báo cáo của Bộ GTVT cho biết, hiện vẫn đang thiếu hụt khoảng 12,59 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần. Về tiến độ tổng thể, trong tổng số 11 dự án, hiện mới có 7 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ (1 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn đã thông xe), còn lại 4 dự án tiến độ chậm so với kế hoạch ban đầu (Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây). Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT cam kết dự án triển khai nhanh thì giải ngân nhanh, các ban quản lý dự án đều đã phải ký cam kết tiến độ với Bộ, nếu không đảm bảo sẽ điều chuyển công tác.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng GTVT cũng vừa có công văn gửi Giám đốc các ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công yêu cầu rà soát, xây dựng giải pháp rút ngắn tiến độ các dự án khoảng 3 tháng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022 phải hoàn thành 361 km đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng, gồm các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) dài 63 km, đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) dài 98,3 km, đoạn Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 199,8 km. Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 149 km còn lại trong năm 2023.

Bên cạnh đó, dù là vùng kinh tế trọng điểm, song thực tế tỷ lệ các tuyến cao tốc tại khu vực phía Nam gồm Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long xếp cuối cả nước. Nếu đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ cao tốc là 21 km/1 triệu dân thì vùng Đông Nam bộ mới chỉ đạt 2,81 km/1 triệu dân, vùng đồng bằng sông Cửu Long mới đạt 2,29 km/1 triệu dân.

Bên cạnh các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam sẽ được triển khai, nhiều đại dự án cao tốc khác cũng đang được đẩy nhanh tốc độ như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề. Theo Bộ GTVT, 3 tuyến cao tốc này sẽ tạo động lực phát triển trong ít nhất 5 - 10 năm tới tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, mục tiêu có thêm gần 4.000 km cao tốc tới năm 2030 là áp lực rất lớn nếu không có các cơ chế đặc thù. Đồng tình với việc sử dụng vốn đầu tư công để giải quyết “điểm nghẽn” khó khăn về vốn trong việc tăng tốc hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc - Nam, song theo chuyên gia này, về lâu dài phải có các cơ chế để thu hút trở lại nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hệ thống cao tốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.