Ám ảnh voi rừng về làng

24/10/2014 10:31 GMT+7

Những ngày qua, cuộc sống người dân thôn 5 (xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) bị đảo lộn do sự xuất hiện của đàn voi dữ .

 

Nương rẫy đồng bào Ca Dong bị voi rừng về tàn phá - Ảnh: Hoàng Sơn

Nỗi sợ trong đêm

 

Tại Quảng Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tại rừng giáp ranh của địa bàn các huyện: Tiên Phước, Bắc Trà My, Nông Sơn... có nhiều voi tự nhiên được phát hiện đã chết do bị sát hại, dính bẫy của người dân hoặc do lạc đàn... Tại vùng giáp ranh Tiên Phước và Bắc Trà My, theo nhiều người dân đã có 5 con voi bị sát hại hoặc chết vì dính bẫy.

Tổ 4, thôn 5 là nơi đàn voi tung hoành dữ dội mấy ngày qua. Nhiều diện tích lúa rẫy và các loại cây trồng khác của đồng bào dân tộc Ca Dong tại khu vực suối Khe Dưng đã bị voi dẫm nát. Cứ đến chập choạng tối mỗi ngày, đàn voi 3 con lại từ rừng tiến về rẫy lúa, thậm chí chúng còn về gần khu vực có nhà dân sinh sống khiến nhiều người không khỏi khiếp sợ. Anh Hồ Văn Dũng (30 tuổi) đã nhiều lần tận mắt chứng kiến đàn voi lù lù tiến về rẫy lúa của mình. Cứ mỗi lần như thế, anh Dũng lại hoảng loạn, chạy thẳng một mạch về nhà. “Trong năm, đàn voi về làng 4 lần. Lần nào cũng phá hoại nương rẫy, nhưng lần này thì chúng ở lại lâu nhất và phá nhiều lúa đang chuẩn bị thu hoạch, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ dân”, anh Dũng cho biết. Đêm 16.10, đàn voi di chuyển từ rẫy lúa của anh Dũng sang rẫy của ông Hồ Văn Mười. “Có khi chúng tiến rất sát nhà khiến dân làng thót tim. Còn chuyện voi gầm rú, đêm nào tôi cũng nghe. Nên cứ hễ nghe tiếng động là người làng tôi lại nghi ngại voi đang về, sợ lắm…”, già Mười tiếp lời.

Không chỉ dẫm nát và ăn nhiều loại cây trồng, đàn voi rừng còn rất hung hãn khi thấy bóng người. Cách đây khoảng 20 ngày, nhiều phụ nữ đi rẫy đã “chạm trán” với đàn voi. Ông Hồ Văn Sơn (42 tuổi) cho biết thêm, đàn voi rừng có biểu hiện hung dữ hơn nhiều so với trước đây. Những lần trước, nếu người dân dùng chiêng, trống đánh để xua đuổi, đàn voi có phần sợ sệt rồi tháo chạy vào rừng, thì nay cách xua đuổi như thế không còn tác dụng. Ngược lại, đàn voi càng trở nên nguy hiểm hơn khi tiến thẳng về phía những người đánh chiêng, trống để rượt đuổi. Nhiều người dân tại đây cho biết đàn voi đặc biệt “ghét” ánh đèn pin. Trong đêm, nếu người nào ra ngoài mà dùng đèn pin thì cực kỳ nguy hiểm. Kể từ ngày có voi xuất hiện, người dân thôn 5 không ai bảo ai, cứ về chiều là họ lục tục kéo nhau ra khỏi rẫy để về nhà. Trời tối, người dân trong làng chủ động đóng kín cửa và hạn chế đi ra ngoài để tránh gặp “ông tượng”. “Đêm xuống là tôi chốt cửa hết. Vợ con ở trong nhà, không đi đâu cả. Voi thì dữ, ra ngoài lỡ không may nó quật chết thì ai chịu trách nhiệm”, ông Sơn tỏ ra lo lắng.

Đàn voi 7 con, chỉ còn 3

Để vào thôn 5 phải mất 2 giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường dài khoảng 10km. Dù đường đã được mở nhưng khu vực này vẫn rất hẻo lánh và lọt thỏm giữa rừng già. Do vậy, theo ông Trần Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Trà Đốc, đây chính là nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp để đàn voi cư trú. Trước đây, đàn voi này sinh sống tại khu vực suối Bùn (tiếp giáp Tiên Lãnh, H.Tiên Phước và xã Trà Sơn, H.Bắc Trà My). Tuy nhiên, sau đó, rừng già bị xâm hại bởi những người đi săn, nạn đặt bẫy và chặt phá rừng lấy hạt ươi khiến voi hoảng sợ. Nên từ suối Bùn, voi đã bơi qua sông Tranh tìm về thôn 5 (tiếp giáp với xã Phước Trà, H.Hiệp Đức). Ông Phạm Trung Sỏi, Hạt phó Hạt Kiểm lâm H.Bắc Trà My, cho biết đơn vị đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra và đo đạc diện tích nương rẫy bị voi phá hoại. Sau đó, kiểm lâm sẽ báo cáo qua huyện để có phương án hỗ trợ cho người dân.

“Chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân không xung đột với đàn voi. Người dân phải tự bảo vệ lấy mình. Khi gặp voi thì chủ động tránh xa để không gặp nguy hiểm đến tính mạng”, ông Sỏi nói. Trong khi đó, nhiều người dân cho biết năm 2006, lần đầu voi về làng, tổng đàn có đến 7 con thì nay chỉ còn lại 3 con. Lý giải về việc này, ông Sỏi nói trước đây tại khu vực suối Bùn, đàn voi có nhiều voi đực. Nhưng cách đây mấy năm voi đực không xuất hiện do đã bị săn bắn để lấy ngà. Số voi cái còn lại đang về tại thôn 5 là để nhập với đàn voi tại H.Quế Sơn.Ông Sỏi cho rằng hiện vẫn chưa có giải pháp để bảo vệ đàn voi quý hiếm này và kêu gọi người dân tuyệt đối không được giết hại đàn voi.

Hoàng Sơn

>> Voi rừng lại xuất hiện, phá rẫy tại vùng cao Quảng Nam
>> Voi rừng phá hoa màu của dân
>> Voi rừng liên tục phá rẫy của đồng bào Cadong
>> Thiếu trách nhiệm với rừng
>> Voi rừng xuất hiện ở thị trấn huyện

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.