|
Trời tối rất nhanh. Tacloban vẫn còn ở đâu đó rất xa phía trước mặt. Tôi bảo Villones dừng xe bên vệ đường. “Chúng ta phải tranh thủ đi nhanh. Tôi còn quay lại Ormoc nữa”, anh chàng đáp. Tôi nói nghỉ năm phút rồi lại đi. Chúng tôi đứng bơ vơ, ngay bờ rào của một trong những ngôi nhà hiếm hoi khả dĩ còn chút lành lặn của thị trấn. Từ trong nhà, một phụ nữ đứng tuổi bước ra. Trong ánh chạng vạng, tôi không nhìn rõ nét mặt, chỉ đoán tuổi của bà qua vóc dáng. “Các anh đi đâu? Sao giờ này còn đứng đây?”, người phụ nữ hỏi. “Tacloban”, tôi đáp.
Trong những ngày ấy, “Tacloban” là một “từ khóa” rất mạnh. Bất cứ lúc nào “Tacloban” được thốt lên đều tạo nên nhiều cảm xúc cho những người nghe thấy. “Anh xuống Tacloban đêm hôm làm gì? Ở đấy cướp bóc, người chết đầy đường. Nguy hiểm lắm”, lời người phụ nữ, mà về sau tôi được biết tên là Editha Daang, như củng cố thêm nỗi bất an trong lòng tôi, kẻ đang dấn bước vào một nơi chốn mà bản thân không hề có một ý niệm về điều gì đang đón đợi mình. Sau một hồi, dường như đọc được những xao động trong lòng và đang dần hiện diện trên khuôn mặt tôi, qua giọng nói của tôi, bà Editha gợi ý, đúng cái điều mà tôi mong mỏi nhất trần đời: “Hay là anh ngủ lại đây, sáng mai dậy sớm rồi xuống Tacloban”. Tôi bắt lấy lời mời như kẻ chết đuối vớ được chiếc phao trôi dạt. Và tôi đã có một đêm ấm áp cùng gia đình bà Editha. Giữa chốn điêu tàn, một bát cơm dù nguội và một chiếc giường dù không nệm vẫn là một sự xa xỉ trong mơ.
Sáng hôm sau, tôi lang thang qua từng con phố đổ nát ở Tacloban, trái tim của thảm họa kinh khiếp. Mùi thi thể phân hủy, những tiếng khóc ai oán, những tiếng réo gọi xin thức ăn, nước uống cứ vây lấy tôi. Bản thân tôi cũng khát và đói rã họng, chỉ tiếc là đã ăn không hết tới sợi mì Ramen cuối cùng mà bà Editha chuẩn bị cho tôi vào lúc rạng sáng. Giữa hành trình bất định, chợt những cánh tay rắn chắc chìa ra. Đấy là những quân nhân Philippines thuộc Sư đoàn Lục quân số 8. “Anh đừng đi lang thang một mình, rất nguy hiểm”, một gã trai da sạm nắng gió nói, sau khi đã kéo tôi lên yên vị trên thùng chiếc xe quân sự chở đầy hàng. Người nói là đại úy Ian Ampaso, chỉ huy đoàn xe cứu trợ: “Bất cứ khi nào anh muốn chụp hình, hãy nói tôi hoặc ai đó đi kèm. Người dân đang đói khát, hoảng loạn, mất kiểm soát. Rất nguy hiểm”. Kể từ đó, tôi luôn ở giữa sự chở che của những người lính mến khách và giàu lòng trắc ẩn. Xế chiều, xe dừng ở ngoại vi Tacloban. “Ăn cơm thôi, đói quá rồi! Chỗ này không có mùi hôi thối”, Ampaso nói, rồi lấy cho tôi một đĩa cơm cùng hộp cá. “Hãy tưởng tượng như anh đang ngồi trong nhà hàng”.
Đấy là bữa cơm duy nhất của tôi trong suốt những ngày tác nghiệp ở Tacloban, còn lại thì ăn bánh quy trừ bữa. Đấy có lẽ là bữa cơm ngon nhất mà tôi từng ăn.
Sau này, khi đã rời xa Tacloban điêu tàn, tôi vẫn còn nhận được tin nhắn của Ampaso. “Cám ơn Ampaso. Tôi đã cảm thấy rất an toàn khi ở giữa các anh”, một lần, tôi gửi đi tin nhắn ấy, khi đã về đến Sài Gòn bình yên. Từ phía xa, giữa miền điêu linh tang tóc, một tin nhắn đáp lại: “Tụi tôi vẫn chưa xong chiến dịch cứu trợ; phải ở lại đây không biết đến bao giờ, vì còn quá nhiều người cần giúp đỡ. Nhưng tụi tôi cũng thấy rất ấm áp khi cộng đồng quốc tế đã chìa tay ra với nhân dân Philippines”.
Ampaso còn nhắn thêm: “Hôm ấy, sau khi chia tay và anh vào trung tâm tị nạn ở tòa thị chính để ngủ, tôi đã ở lại nơi ấy để làm công tác bảo an. Suốt đêm hôm đó, tôi luôn để mắt tới anh, chỉ mong anh được an toàn”.!
Bài & Ảnh: Đỗ Hùng
>> Người Việt trong siêu bão Hải Yến - Kỳ 1: Tacloban điêu tàn, Đông Tác cũng tan tác
>> Toàn bộ công dân Việt Nam tại Tacloban an toàn
>> Siêu bão Hải Yến gây ngập cao 5 m tại Tacloban
>> Hồi ức kinh hoàng của người Việt về từ 'vùng đất chết' Tacloban
>> Ông Aquino III sẽ ở lại Tacloban
>> Tổng thống Philippines 'cắm trại' ở Tacloban, trực tiếp chỉ đạo cứu trợ
Bình luận (0)