>> Trở về từ cõi chết
>> Muốn được sống sót và trở về Việt Nam
|
Nhà anh Nguyễn Hữu Cư nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Nguyễn Khuyến ở phía bắc TP.Nha Trang.
Anh Cư trở về ngôi nhà thân thuộc của mình đến nay đã 5 hôm nhưng bà con hàng xóm vẫn nhộn nhịp đến “chúc mừng” anh. Đã hơn 10 ngày kể từ khi chứng kiến cơn bão khủng khiếp tràn qua thành phố Tacloban, nhưng nỗi ám ảnh về cảnh tang thương ở “thành phố chết” ấy vẫn chưa thôi đeo bám người đàn ông 41 tuổi này.
Anh Cư kể với Thanh Niên Online lý do vì sao anh lại có mặt tại Tacloban: “Chị vợ của tôi là chị Nguyễn Thị Nho cùng cậu em vợ Nguyễn Hữu Đức sang Philippines làm ăn từ 20 năm nay. Họ sống tại Tacloban, muốn rủ tôi qua bên ấy để cùng hùn hạp bán buôn. Tôi qua Tacloban từ năm 2006 và cũng đi về thường xuyên. Kinh doanh quần áo, giày dép, không giàu có gì nhưng cũng đủ sống. Tôi về lại Nha Trang mấy tháng nay thì ngày 18.10 vừa rồi, chú Đức gọi tôi qua Tacloban để tiếp tục công việc buôn bán. Tôi thuê căn hộ nho nhỏ của một người Philippine để bán quần áo, giày dép. Những tưởng công việc bán buôn tại đây suôn sẻ như lâu nay thì tai họa ập đến”.
Trở lại Tacloban được 20 hôm thì anh Cư cùng người dân Tacloban đón nhận cơn bão khủng khiếp nhất trong đời họ. Anh Cư nhớ lại: “Trước khi bão Hải Yến tràn vào thành phố Tacloban, chính quyền đã thông báo cho người dân biết khá cụ thể về mức độ nguy hiểm của nó. Tuy nhiên, theo cảm nhận của riêng tôi, thì việc ứng phó với thiên tai của người dân nơi đây không “chuyên nghiệp” như bên mình.
Những ký ức kinh hoàng
Anh Cư kể tiếp: "Chính quyền họ cũng thiếu kiên quyết trong việc bắt buộc dân phải rời khỏi những khu nhà nguy hiểm như cách làm ở Việt Nam. Ngoài sức tàn phá ghê gớm của cơn bão thì việc chủ quan của người dân cũng góp phần làm nên thảm cảnh chết chóc ghê gớm như chúng ta đã thấy. Cậu em vợ Nguyễn Hữu Đức của tôi dặn dò tôi khá kỹ về cách đối phó với bão. Chiều hôm trước khi bão vô, tôi đóng cửa phòng trọ và lên tá túc trong căn nhà khá kiên cố của ông chủ cho tôi thuê nhà. Biết cơn bão dữ, có thể đánh sập toàn bộ ngôi nhà trọ của mình, tôi bỏ toàn bộ giấy tờ tùy thân vào chiếc túi và luôn luôn kẹp bên người. Khoảng 4 giờ sáng ngày 8.11, những cơn gió giật rất riết róng bắt đầu xuất hiện.
Chúng tôi núp trong nhà ông chủ, cửa đóng thật chặt mà vẫn nghe tiếng gầm rú quăng quật bên ngoài. Chừng khoảng 8 giờ sáng, thấy gió đã ngớt, tôi mở cửa căn nhà và nhìn ra ngoài. Một cảnh tượng tang thương tôi chưa từng chứng kiến trong đời. Hầu như toàn bộ những ngôi nhà cấp 4 bị bão san phẳng, xác người dập dềnh khắp nơi. Những người còn sống sót đã lao ra nước để vớt những người còn ngoi ngóp rồi vác bộ để chạy vào bệnh viện. Nhưng bệnh viện lúc này cũng tan hoang, mạnh ai nấy thoát thân nên lẽ ra, nhiều người có thể sống được nếu như cấp cứu kịp thời. Nhà tôi ở cách trung tâm Tacloban chừng 3 cây số.
Trong trung tâm thành phố, nhà cửa có khá hơn nhưng mức tàn phá của cơn bão vẫn không chừa chỗ cho sự bình yên nào. Nếu chính quyền buộc người dân lên núi để lánh nạn thì có thể sự chết chóc không nhiều như thế. Chết do sập nhà có, nhưng chủ yếu là do sóng biển ập vào cuốn theo nó rất nhiều nạn nhân. Chú Đức em tôi chạy nạn lên núi nên thoát chết là vậy. Đến hai ngày sau khi bão tan, anh em tôi mới liên lạc được dù hai nhà cách nhau chừng vài ba cây số. Lý do là đường sá ngổn ngang cây đổ, thành phố gần như bị biến dạng hoàn toàn. Hệ thống liên lạc bị mất, điện nước bị cúp hết. Chiếc máy điện thoại của tôi hết pin nên phải nhờ một chiếc máy khác của người Philippines gọi về cho vợ. Sóng quá chập chờn, vợ tôi lại thấy số máy lạ, không nghe được giọng chồng nên cô ấy càng hoang mang hơn. Ở nhà ai cũng nghĩ tôi chết rồi. Mãi đến khi tôi lên Manila, gọi bằng chiếc máy của tôi thì ở nhà mới trút được gánh nặng”.
Tay trắng tìm cách về nhà
Sau cơn bão, anh Cư gặp cậu em vợ Nguyễn Hữu Đức. Bấy giờ, toàn bộ gia sản của hai anh em chỉ là … hai bộ quần áo mặc trên người những cũng ướt mem.
Anh Cư còn giữ được hộ chiếu, Đức thì chỉ còn mỗi tấm thân ướt như chuột lột. Họ phán đoán thế nào nhà báo Việt Nam cũng sang đây. Bấy giờ anh em sẽ “níu áo” nhà báo nhờ can thiệp để thoát thân. Cùng với chủ nhà, họ dò đường đi vào trung tâm thành phố để kiếm thực phẩm và nước uống. May ông chủ nhà có trữ một ít lương thực và thực phẩm nên suốt hai ngày sau bão, anh em Cư ăn nhờ bằng những bát cơm hết sức dè sẻn. Họ quá bức bí nhưng không còn cách nào khác hơn là thoi thóp đợi lực lượng cứu hộ đến.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 3 thì thành phố bắt đầu trở mùi bởi xác chết. Anh chủ nhà Zin Zin quyết định thoát hiểm trên chiếc xe cà khổ của mình. Cư được ông chủ ưu ái cho một chỗ để bám càng lên Butuan, từ đây đi máy bay về Manila.
Ngày 14.11, anh Cư mua được tấm vé máy bay để về TP.HCM sau khi “quyên góp” đủ nguồn, trong đó có sự “tiếp sức” rất nhiệt tình và vô tư của vợ chồng ông chủ nhà người Philippines.
Từ TP.HCM, anh Cư đón xe đò về Nha Trang mà trong túi không có một cắc bạc nào. Anh chủ xe nghe câu chuyện thương tâm, cho anh Cư “về Nha Trang rồi trả tiền cũng được”. Rạng sáng ngày 15.11, anh Cư có mặt ở nhà mình, trong vòng tay của người thân sau đúng một tuần “nín thở” đợi tin.
“Qua Thanh Niên Online, tôi muốn gửi lời tri ân đến vợ chồng anh chị Zin Zin và Roda, những ân nhân đã cưu mang tôi cùng chú Đức trong những ngày hoạn nạn. Nếu không có họ, chưa biết tôi có thể trở về nhà được hay không nữa vì bây giờ, tôi tay trắng hoàn toàn”, anh Cư ngậm ngùi.
Trần Đăng
>> Ông Aquino III sẽ ở lại Tacloban
>> Tổng thống Philippines 'cắm trại' ở Tacloban, trực tiếp chỉ đạo cứu trợ
>> Dòng người di tản ở sân bay Tacloban
>> Nấm mồ tập thể ở Tacloban
>> Những hố chôn tập thể ở Tacloban
>> Chuyển đồ cứu trợ cho người Việt tại Tacloban
>> Nụ cười ở Tacloban
>> Tháo chạy khỏi Tacloban
>> Cứu trợ 'nhỏ giọt' tại Tacloban, hôi của lan rộng
Bình luận (0)