|
Tacloban (tỉnh Leyte, Philippines) là nơi bị tàn phá nặng nề nhất sau cơn bão Hải Yến. Cả thành phố thành bình địa, hoang tàn trong đống đổ nát. Cách đó vài ngàn cây số, 50 hộ dân ở làng chài Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cũng điêu đứng không kém, bởi người thân trong làng sống chết bặt tăm, tài sản tiêu tan tất cả giữa tâm bão.
Giờ thì mọi người đã an tâm hơn khi sau nhiều ngày mất tin tức, họ biết được tất cả người Việt tại Tacloban đều bình yên. Hiện ai cũng trông ngóng người thân của mình trở về trong sự giúp đỡ của báo chí và cơ quan ngoại giao Việt Nam.
Siêu bão giết chết hy vọng của cả gia đình
Những người cha, người mẹ, người vợ ở quê nhà đã nén tình cảm để người thân rời quê hương sang Philippines mưu sinh với hi vọng là cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Thế nhưng, bây giờ trắng tay, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Cái nắng hiếm hoi của mùa mưa bão đã sưởi ấm phần nào nỗi lạnh giá khi chồng, con xa vắng. Chị Trần Thị Hoa (khu phố 6) một mình gồng gánh nuôi hai con khi chồng chị là anh Phạm Văn Ngà (47 tuổi) và con trai là Phạm Ngọc Tý đang vất vả mưu sinh ở Tacloban.
|
Chị Hoa cho biết: “Nợ nần quá nên gia đình quyết vay ít vốn để con trai qua Philippines để làm ăn với hy vọng sẽ có tiền gửi về trả nợ. Nhưng giờ, trắng tay rồi. Nhưng mà cũng may, cả hai cha con đều an toàn trong trận siêu bão vừa qua”.
Anh Ngà là ngư dân. Trước đây, gia đình anh cũng sắm tàu cá để hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Cuộc sống tuy không khá lắm, nhưng cũng đủ nuôi sống 5 miệng ăn. Thế nhưng tai ương cứ gieo rắc vào gia đình bé nhỏ của anh.
“Đang làm ăn bình thường, bỗng dưng tàu gặp nạn khi ra cửa biển Đà Diễn. Vớt được tàu, lai dắt vào bờ, vay mượn để sửa chữa tiếp tục vươn khơi thì đùng một cái, anh Ngà bị thương đến nỗi phải cắt cụt một chân”, chị Hoa ngấn lệ kể lại.
Từ đó, gia đình anh Ngà quyết định bán tàu cá để trả nợ, trang trải cuộc sống.
Chị Hoa bùi ngùi: “Bán tàu rồi, trả nhưng vẫn không hết nợ. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng bàn nhau vay mượn ít tiền để cho cháu Tý sang Philippines mua bán với hi vọng sẽ kiếm ít tiền gửi về cho gia đình trả nợ. Sợ nó một mình bên ấy buồn nên ảnh (anh Ngà - PV) cũng đi theo để nấu cơm, phụ giúp cho cháu. Nhưng bây giờ bão qua, tài sản duy nhất là sổ nợ”.
Tý sang Tacloban để buôn bán vải, giày dạo. Tuy không giàu có, nhưng cuộc sống cũng đỡ hơn ở quê nhà. “Nó sang bên đó chừng một năm. Tuy chưa gửi tiền về, nhưng vốn liếng cũng đã kha khá. Nếu không có siêu bão chắc cũng sẽ đỡ hơn nhiều. Cơn bão đã giết chết hi vọng của gia đình tôi”, chị Hoa buồn rầu.
Trắng tay
Cụ Trần Thanh cùng khu phố nay đã bước sang tuổi 78 nhưng vợ chồng cụ vẫn phải chật vật với 3 sào ruộng để nuôi hai con gái bị bệnh tâm thần.
Cách nay 4 năm, con trai của cụ là anh Trần Binh (46 tuổi) cùng vợ con sang Philippines để mưu sinh. Công việc hằng ngày của anh Binh là buôn bán vải, giày dép… cho người dân ở đây. Sau đó 3 năm, người con nữa là anh Trần Dần (28 tuổi) cũng sang bên đó làm ăn.
|
Cụ Thanh không rõ anh Bình và Dần sống ở vùng nào mà chỉ biết ngay nơi bị siêu bão Hải Yến tàn phá. “Lúc đó, tui đứng ngồi chẳng yên. Nhưng rồi tin vui cũng đến, tụi nó báo về còn sống. Cả nhà mừng khôn xiết”, cụ thổ lộ.
Trước đây, những người con của cụ Thanh đã gửi tiền về “chi viện” cho vợ chồng cụ sinh sống. “Bây giờ, hoàn cảnh tụi nó vậy thì lấy đâu tiền mà gửi về. Tui còn sức ngày nào thì hay ngày đó, chỉ mong tụi nhỏ sớm ổn định cuộc sống nơi đất khách quê người”, cụ Thanh cầu mong.
Cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình, chị Đinh Thị Chiến (48 tuổi) đã vay mượn 30 triệu đồng cho người con trai là Trần Công Toàn (26 tuổi) sang Philippines lập nghiệp. Toàn mới qua đó chừng 1 năm thì xảy ra bão.
“Nó làm ăn, chưa gửi được đồng nào về thì xảy ra bão. Bao nhiêu vốn liếng, giờ chỉ còn nằm trên sổ nợ”, chị Chiến nói.
Từ khi xảy ra bão, Toàn chỉ điện thoại hai lần về nhà để báo tin còn sống cho gia đình yên lòng. Chị Chiến lo lắng: “Bây giờ, tui chỉ chờ nó điện về, chứ không biết sao nữa. Lần trước, nó điện về tui chỉ kịp động viên nó cố gắng”.
Bây giờ, gia đình của những người thân ở làng biển Đông Tác đang sinh sống ở Philippines chỉ mong muốn chồng, con và cháu của họ sớm ổn định cuộc sống.
“Về hay ở lại là do nó quyết định. Tui bên này chỉ mong cho nó “chân cứng đá mềm”, cố gắng vượt qua khó khăn”, chị Chiến tâm tình.
Bài, ảnh: Đức Huy
>> Tìm mọi cách giúp người Việt bị ảnh hưởng bão Haiyan về nước
>> Đang thuyết phục miễn tiền nợ cho người Việt tại Philippines về nước
>> VietJetAir hỗ trợ người Việt tại Philippines về nước
>> Tổ chức chuyến bay chở miễn phí người Việt ở Philippines về nước
>> Gánh nặng tài chính đối với người Việt tại Philippines sau bão Hải Yến
>> Hồi ức kinh hoàng của người Việt về từ 'vùng đất chết' Tacloban
>> Chuyển đồ cứu trợ cho người Việt tại Tacloban
>> Đã tiếp cận được người Việt ở Ormoc, Philippines
>> Người Việt thoát khỏi Ormoc hỗn loạn
>> Siêu bão Hải Yến: Người Việt cứu nhau ra khỏi 'địa ngục' Tacloban
>> Người Việt từ vùng thảm họa Tacloban gọi điện cầu cứu
>> Ứng cứu người Việt ở Philippines sau siêu bão Hải Yến
>> Trong vùng thảm họa Tacloban: Người Việt kêu cứu
>> Người Việt ở địa ngục Tacloban: Mong đồ ăn thức uống từng giây
Bình luận (0)