Ấm áp ở nơi trung thu chỉ được ‘vẽ’ bằng tay

09/09/2022 08:59 GMT+7

Dùng tay ‘vẽ’ ngôn ngữ và sắc màu là cách để các em nhỏ câm, điếc đón Tết Trung thu sớm đầy ấm áp.

Có mặt từ đầu giờ chiều, tổ chức phi lợi nhuận Hear.Us.Now đồng hành cùng tình nguyện viên tất bật chuẩn bị ngày hội “Vui trung thu” cho 300 học sinh (HS) câm, điếc các khối lớp tại Trường tư thục giáo dục chuyên biệt Anh Minh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

NGỌC LONG

Điểm đặc biệt trong sự kiện là bên cạnh những câu ca thiếu nhi về trung thu, hầu như không có bất kỳ lời nói khác nào. Đó là vì cả thầy cô và HS đều giao tiếp thuần thục với nhau bằng thủ ngữ, ngôn ngữ đặc biệt đầy tính hình tượng của cộng đồng người khiếm thính.

Tham gia chương trình, các em không chỉ được xem tiết mục đặc biệt trong ngày trung thu là múa lân với ông Địa, mà còn tự tin bày tỏ ước mơ trước các bạn đồng trang lứa. Thợ làm bánh, cầu thủ sân bóng... là những đam mê được gọi tên trong tràng pháo tay nhiệt liệt dưới khán đài.

Theo Trần Huỳnh Bảo Ngọc (28 tuổi), phụ trách học thuật của Hear.Us.Now, tổ chức đang giảng dạy nhiều kỹ năng như tiếng Anh, giáo dục thể chất, mỹ thuật và cả tin học, đặc biệt là lớp 9 để các em có thêm hành trang sau khi ra trường. Ngọc cho biết đối với HS khiếm khuyết, những dịp lễ như trung thu đặc biệt quan trọng vì có thể thỏa sức vui chơi cùng bạn bè. “Lần này chúng tôi tổ chức với quy mô lớn hơn so với những năm trước, với nhiều quà mang về như sữa, bánh trung thu, lồng đèn giấy”, cô chia sẻ.

Tranh thủ cùng nhau chụp ảnh “sống ảo” trước khi bắt đầu làm lồng đèn truyền thống

Theo hướng dẫn từ các cô và sơ, mỗi nhóm 3 em học cách tự căng khung tre để dán giấy kính màu

“Bấm like” cho ý kiến sáng tạo của bạn bè

Sau khi hoàn thành dán giấy kính lên khung, các em tiếp tục vẽ màu nước trang trí theo ý thích. Những cuộc “trò chuyện” bằng tay liên tục diễn ra giữa các thành viên trong nhóm để chọn ra màu sắc, câu chúc hay hình vẽ phù hợp.

Là người làm tự do (freelancer) chuyên tổ chức sự kiện handmade và vẽ sáng tạo cho trẻ em, Nguyễn Ngọc Trâm Anh (26 tuổi) chọn lồng đèn khung tre vì đây là sản phẩm truyền thống của Việt Nam. “Tôi tin mỗi bé đều có tiềm năng nghệ thuật và tiếng nói bên trong, và thông qua nét vẽ cùng màu sắc, các em có thể bộc lộ tính cách của mình”, cô bày tỏ.

Không giấu nổi sự hào hứng sau khi tham gia các hoạt động của chương trình, Phan Thị Minh Tú (lớp 5A, hàng hai, thứ 3 từ phải qua) tự tin nói từng chữ một với người viết dưới sự động viên liên tục từ các cô. “Con cảm thấy hôm nay rất vui. Trung thu sắp tới, con sẽ chơi lồng đèn giấy kính ngoài sân nhà với ba mẹ và em trai. Tương lai con mơ ước sẽ trở thành bác sĩ để cứu giúp người bệnh”, Tú chia sẻ.

Trần Hoàng Minh với “thành phẩm” lồng đèn giấy kiếng vẽ mặt trời cười do em cùng các bạn thực hiện. Ông Trần Phúc Hoàng, bố của Minh, cho biết cuối tuần này sẽ cho con tham gia lễ trung thu trong khu dân cư, và “mong trường giúp con ngày càng trưởng thành”.

ngọc long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.