Âm hưởng buồn của chiến tranh

13/12/2015 07:13 GMT+7

Truyện của Trần Quốc Huấn mang âm hưởng buồn bã của thời chiến tranh và hậu chiến. Chiến tranh vẫn còn hiện diện rõ nét trong cuộc sống kể cả khi đã hòa bình.

Truyện của Trần Quốc Huấn mang âm hưởng buồn bã của thời chiến tranh và hậu chiến. Chiến tranh vẫn còn hiện diện rõ nét trong cuộc sống kể cả khi đã hòa bình.

Bảy truyện ngắn và một kịch bản phim truyện trong tuyển tập Người lính kèn về làng của Trần Quốc Huấn (NXB Trẻ 2015) được tác giả viết từ năm 1977 đến 1991 - khoảng thời gian có thể nói là gian khổ nhất của thời kỳ bao cấp sau chiến tranh. Anh từng giành giải nhất cuộc thi Truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội - giải thưởng văn chương danh giá một thời - năm 1987.
Âm hưởng buồn của chiến tranh
Truyện của Trần Quốc Huấn mang âm hưởng buồn bã của thời chiến tranh và hậu chiến. Chiến tranh vẫn còn hiện diện rõ nét trong cuộc sống kể cả khi đã hòa bình. Tập truyện như những phân đoạn ngắn của cuốn tiểu thuyết về một thời chưa xa. Có nhiều nhân vật mang những cái tên khác nhau trong từng phân đoạn ấy nhưng nếu như chỉ là một câu chuyện với vài nhân vật xuyên suốt thì có lẽ hiệu quả vẫn không có gì thay đổi. Anh không quan tâm nhiều lắm đến cốt truyện. Hoặc nếu có thì cốt truyện cũng chỉ như một cái cớ để trình diễn những tâm tư, hoài niệm miên man một dòng chảy xuyên suốt. Những ký ức về thời đạn bom của cả chiến trường lẫn ở hậu phương hiện lên với cái nhìn day dứt thương cảm và không ít ân hận được anh viết ra bằng giọng văn trầm mặc, tê tái, hết sức kiệm lời nhưng rất dễ nhận ra sức nặng của từng câu chữ ấy.
Mùa trái rụng nhiều và kịch bản phim Người lính kèn về làng (được viết như truyện) là hai trong số những truyện hay, cái khốc liệt không bởi đạn bom ở hậu phương khiến chúng ta còn phải dằn vặt về nó nhiều hơn cả một cuộc chiến tranh đã đi qua trước đấy.
Nhà văn Trần Quốc Huấn từ giã cõi tạm vừa tròn một năm. Vợ con và bạn bè anh đã chung tay cho xuất bản cuốn sách này. Sau một khoảng thời gian vừa đủ, những câu chuyện của Trần Quốc Huấn giờ đây mang một thông điệp mới. Nó không còn làm người đọc băn khoăn về thắng thua, được mất, đúng sai nữa. Đơn giản, nó chỉ còn là văn chương. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.