Chấp nhận cuộc sống bình thường mới
Cơn đại dịch Covid-19 ào đến bất chợt nhưng với kinh nghiệm là nước đầu tiên khống chế thành công đại dịch SARS vào năm 2003, guồng máy chống dịch vận hành một cách khá trơn tru. Mọi người dân từ hoang mang lo lắng chuyển sang chấp nhận cuộc sống bình thường mới với 5K. Chiến dịch 5K lan rộng tuyên truyền mạnh mẽ nhằm giúp người dân thuộc nằm lòng chuyện ra đường có khẩu trang và nước sát khuẩn làm bạn đồng hành, không tụ tập đông đúc, giữ khoảng cách an toàn như khuyến cáo. Hệ thống khai báo điện tử giúp người dân dễ dàng truy cập, thực hiện nghiêm túc việc khai báo khi di chuyển qua các vùng có dịch.
Chính sự quyết liệt của các ban ngành, và sự ý thức của người dân, sau đợt giãn cách toàn quốc, chúng ta đã khoanh vùng và thành công bước đầu trong việc chống dịch. Khi các nền kinh tế lớn lao đao vì ảnh hưởng dịch, Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng kinh tế, xã hội bình ổn, người dân trong tâm thế vừa chống dịch an toàn vừa kinh doanh hiệu quả.
Việt Nam vẫn đang là vùng đất an toàn với tinh thần kiên cường chống dịch.
|
Bài học sẻ chia
Tôi còn nhớ, vào đợt giãn cách xã hội toàn quốc, các ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều, người lao động thất thần rời công ty với nhiều lo lắng cho chuỗi ngày sắp tới. Bởi với chúng tôi, một ngày không đi làm là một ngày áp lực chi phí cuộc sống đè nặng lên vai, dẫu là lưu dân xa xứ chọn TP.HCM lập nghiệp, hay là dân chánh gốc Sài Gòn, thì câu chuyện cơm áo gạo tiền luôn đè nặng trên vai.
Chúng tôi chia tay nhau vào một chiều cuối tháng ba với nhiều hoang mang. Những người bạn tỉnh lẻ vội lao ra bến xe tìm đường về nhà. Nhưng cũng có nhiều người chọn neo phận đời mình lại thành phố, gồng mình đi qua cơn dịch. Chỉ khi ấy chúng ta mới bắt đầu thấy giữa tâm dịch, tình người len lỏi trong mọi ngóc ngách của mảnh đất bao dung nghĩa tình này. Đám bạn cùng phòng bắt đầu biết chia nhau từng trăm ngàn để người về quê đủ tiền xe, kẻ ở lại cũng thủ đủ tiền ăn. Hẹn nhau sau ngày giãn cách.
Mảnh đất Sài Gòn vốn trứ danh trượng nghĩa từ hơn 300 năm hình thành. Vào những ngày giãn cách toàn quốc, tấm lòng thảo thơm của người dân nơi đây như lan rộng ra muôn nẻo đến với nhiều mảnh đời bị ảnh hưởng bởi cơn dịch. Người góp của, người bỏ công, cứ vậy mà vòng tay tìm nhau, nắm níu những thân phận còn bám víu vào Sài Gòn, dìu nhau đi qua cơn bão giông này.
Đó là các chị tiểu thương chợ Tân Định (Q.1), dẫu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 buôn bán của chợ cũng lèo tèo dìu hiu, thế mà vẫn chung tay mỗi người một ít, 100 phần quà và 200 suất cơm đều đặn chuyển tới bà con nghèo, những người tàn tật giúp họ qua những ngày khốn khó này. Nhìn anh xe ôm chạy đến nhận, nhìn cụ ông đi xe lăn rưng rưng cầm, nhìn những gương mặt dạn dày sương gió mà thấy nghĩa tình của người Sài Gòn thật ngọt lành như vốn dĩ người ta hay ví von về miền đất này.
Chợ Tân Định cũng là một trong những chợ đầu tiên có sáng kiến tặng khẩu trang miễn phí cho người đi chợ, với 1.500 khẩu trang được phát tận tay bà con đến chợ và phía ngoài các cổng vào luôn có nước rửa tay để sẵn. Người ra vào chợ đều được kiểm soát nhiệt độ bằng máy đo cầm tay. Thậm chí ngay cả người nước ngoài kẹt dịch, khi ghé ngang chợ vẫn được nhắc nhở các biện pháp phòng tránh và được tặng khẩu trang như người bản xứ. Nụ cười hân hoan của nhiều du khách “mắc kẹt” như nhân rộng lên hành động đẹp của người Sài Gòn.
Sài Gòn - TP.HCM mùa dịch dễ thương đến lạ, không chỉ từ những sự thấu hiểu giữa người buôn bán tảo tần ngoài xã hội, trên khắp các mạng xã hội cũng diễn ra nhiều lời kêu gọi chung tay không để ai bị bỏ rơi. Phương Huyền, một cô bạn của tôi, dùng chính mạng xã hội cá nhân để kêu gọi bạn bè chung tay tạo nên chiến dịch tặng gạo và mì cho những phần đời ruổi rong bán vé số mưu sinh, vì mùa dịch ở nhà với họ là đói. Và, nhanh chóng hàng trăm lượt chia sẻ, người góp gạo, người góp mì gói, sữa, rồi tiền mặt... cho đến lúc kết thúc lời kêu gọi là mấy trăm phần quà tặng, hơn trăm triệu tiền mặt được chuyển đến những mảnh đời này.
Niềm tin giữa bão giông
Chúng ta vẫn đang sống cuộc sống bình thường mới trong những ngày dịch này. Nhưng lòng người luôn ấm nồng, dìu nhau đi qua bão giông.
Chúng ta sẽ chiến thắng Covid-19! Đó là một niềm tin được dựng xây của dân tộc hơn 4.000 năm văn hiến. Đó là niềm tin vào truyền thống cao đẹp, đùm bọc sẻ chia của người Việt. Và hơn hết, đó chính là niềm tin hiển nhiên chẳng ai bị bỏ rơi ở đất nước mình.
Bình luận (0)