Âm mưu ám sát lãnh tụ Lenin

18/01/2018 06:00 GMT+7

Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, lo ngại Đảng Bolshevik ký hiệp định đình chiến với Đức, nước Anh được cho là đã cử người ám sát lãnh tụ Lenin để ngăn cản thỏa thuận này.

Sau khi cách mạng thành công, Đảng Bolshevik lên nắm quyền tại Nga. Đầu năm sau đó, khi Thế chiến 1 đi vào giai đoạn cuối, chính quyền Bolshevik đàm phán về một hiệp định hòa bình với Đức nhằm rút đội quân đã suy kiệt khỏi mặt trận phía đông. Tổn thất nặng nề từ cuộc chiến là lý do để lãnh tụ cách mạng Vladimir Ilyich Lenin đưa ra quyết định này.
Diễn biến trên khiến nước Anh không khỏi lo ngại vì sẽ giúp Đức, khi đó đang phải dàn quân ra 2 mặt trận, củng cố lại lực lượng ở phía tây và tiến gần đến lãnh thổ nước này. Vì vậy, giới lãnh đạo London phải tìm mọi cách ngăn cản thỏa thuận nhằm giữ Moscow tiếp tục tham chiến cùng phe Đồng minh, và kế hoạch ám sát lãnh tụ Lenin được nhen nhóm từ đó. Người được giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động này là Robert Bruce Lockhart, khi đó là đại diện ngoại giao 30 tuổi của Anh tại Moscow, theo BBC.
Kế hoạch lật đổ
Robert Bruce Lockhart sinh ra và lớn lên tại Scotland; gia nhập Bộ Ngoại giao và làm việc tại tòa lãnh sự Anh ở Moscow vào năm 1912. Vào thời điểm Cách mạng tháng Hai diễn ra ở Nga (năm 1917), Lockhart quay về Anh, nhưng sau Cách mạng tháng Mười thì quay lại Moscow làm tổng lãnh sự. Bên cạnh đó, Lockhart còn được cho là làm việc cho Cục Tình báo đối ngoại Anh (SIS, hay còn được biết đến với tên MI6) trong chiến dịch chống Bolshevik tại Nga.
Tháng 3.1918, khi chính quyền mới tại Nga ký hòa ước Brest-Litovsk với Đức để quân lính Nga rút khỏi Thế chiến 1, Lockhart chuyển sang kế hoạch ám sát Lenin với hy vọng chính quyền Bolshevik sẽ sụp đổ và được thay thế bằng một chính quyền sẵn lòng quay lại cuộc chiến với Đức.
Tháng 6.1918, Lockhart đánh điện về London yêu cầu chi tiền để tài trợ các tổ chức chống Bolshevik ở Moscow. Ý tưởng của Lockhart sau đó được giới lãnh đạo London ủng hộ và Ngoại trưởng Arthur Balfour được cho là người duyệt chi món tiền này. Vào cuối tháng 5.1918, Anh quyết định điều một đoàn quân nhỏ đến thành phố Arkhangelsk ở miền bắc Nga với nhiệm vụ trên danh nghĩa là nhằm ngăn ngừa hàng ngàn tấn khí tài quân sự của Anh tiếp tế cho Nga rơi vào tay của quân Đức. Tuy nhiên, nhiều tài liệu từ thời đó được lưu lại cho thấy những kế hoạch được vạch ra để 5.000 lính Anh liên kết với lực lượng 20.000 lính Latvia, những người làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho giới lãnh đạo Kremlin, nhằm chống lại những người Bolshevik. Sau một cuộc gặp với một người chống đối Bolshevik tại Moscow tên Savinkov, Lockhart đánh điện về London với nội dung: “Kế hoạch là làm sao dựa trên sự can thiệp của quân Đồng minh, giới lãnh đạo Bolshevik sẽ bị sát hại và chính quyền độc tài quân sự được thành lập”.
Âm mưu ám sát lãnh tụ Lenin1
Chân dung trùm gián điệp Sidney Reilly Ảnh chụp màn hình RBTH
Bên dưới bức điện là đoạn ghi chú có chữ ký của bá tước Curzon (George Nathaniel Curzon), người khi đó là thành viên nội các thời chiến của Anh. Đoạn ghi chú viết rằng "phương pháp của Savinkov là quyết liệt dù nếu thành công thì có lẽ sẽ hiệu quả, nhưng chúng ta không thể nói hoặc làm gì cho đến khi sự can thiệp đã được quyết định dứt khoát".
Trùm gián điệp
Lockhart, người vốn luôn tự hào về khả năng "đọc 5 quyển sách cùng lúc", dù tài ba đến đâu cũng không thể đơn độc thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Trong thời gian đó, Lockhart tìm đến một nhân vật cũng không kém phần đặc biệt, người được mệnh danh là "trùm gián điệp" Sidney Reilly và là hình mẫu để nhà văn Ian Fleming dựng lên nhân vật điệp viên James Bond 007 lừng danh.
Trong cuốn On His Majesty's Secret Service - Sidney Reilly Codename ST1 của sử gia Andrew Cook xuất bản năm 2002, Reilly được miêu tả như một gã siêu bịp, sát thủ và là tay chơi có hạng. Reilly sinh năm 1873 tại Ukraine trong một gia đình Do Thái với tên thật là Shlomo Rosenblum. Năm 1896, Rosenblum đến London và lấy một phụ nữ gốc Ireland, sau đó đổi tên thành Sidney Reilly. Theo giới sử gia, với những mưu mô của mình, Reilly nhanh chóng trở thành một doanh nhân thành đạt. Trong chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905), Reilly làm gián điệp cho cả người Nhật và người Anh. Thời gian sống tại Nga năm 1906, Reilly móc nối được với phong trào cách mạng Nga trong khi làm gián điệp cho tình báo Nga hoàng và Anh.
Khả năng thay đổi nhân dạng bậc thầy và nói lưu loát đến 7 ngoại ngữ giúp Reilly trở thành người hoàn hảo cho SIS trong cuộc chiến chống Bolshevik. Reilly được đặt mật danh gián điệp là ST1 được văn phòng của SIS tại Stockholm (Thụy Điển) quản lý hoạt động. Tự nhận mình là điệp viên của SIS từ năm 1895, nhưng theo tài liệu của cơ quan này lưu lại, Reilly chỉ chính thức được chấp nhận vào tháng 3.1918.
Sau khi Nga - Đức ký hòa ước Brest-Litovsk, Reilly được điều đến Moscow vào tháng 5.1918. Kế hoạch được Reilly cùng Lockhart vạch ra là dùng tiền mua chuộc những người Latvia, lực lượng bảo vệ lãnh tụ Lenin vào thời điểm đó. Sau khi kiểm soát được nhóm này, Reilly sẽ bắt giữ và làm ô danh giới lãnh đạo Bolshevik bằng cách lột quần áo họ và diễu phố bêu tên, theo trang Warfare History Network. Song song đó, Reilly sẽ tổ chức một nhóm phản cách mạng để thành lập chính quyền mới và kiểm soát từ đằng sau. Kế hoạch của Lockhart và Reilly tiến triển đúng như dự tính khi sau khi lãnh đạo lực lượng cảnh vệ Latvia Eduard Berzin đồng ý “bán đứng” những người Bolshevik với giá 1,2 triệu rúp. Tuy nhiên, có một biến cố mà Lockhart và Reilly hoàn toàn không nghĩ đến.
Lộ tẩy
Ngày 30.8.1918, lãnh tụ Lenin bất ngờ bị một phụ nữ Ukraine ám sát tại một sự kiện ở Moscow và bị thương nặng. Theo tờ Russia Beyond The Headlines, Lenin đang phát biểu tại một xí nghiệp ở Moscow thì bị một phụ nữ trong đám đông rút súng lục bắn 3 phát. Một phát sượt qua áo khoác, 2 phát còn lại trúng cổ và vai trái của ông. Hung thủ Fanya Kaplan (28 tuổi) bị bắt tại chỗ. Tại Kremlin, Berzin cũng trở mặt với Reilly. Ông này thực ra đã đóng vai chim mồi và làm đúng theo chỉ thị của lực lượng an ninh Cheka (Nga). Vài giờ sau khi lãnh tụ Lenin bị bắn, lực lượng Cheka ập vào cơ quan ngoại giao của Anh ở Moscow bắt giữ Lockhart và đưa về Kremlin tra hỏi. Reilly nhanh chóng tẩu thoát bằng cách giả dạng một thành viên của Cheka, sau đó quay về được London.
Theo hồ sơ của Cheka, Lockhart khi đó khai nhận có tham gia vào âm mưu của London nhằm ám sát lãnh tụ cách mạng và lật đổ chính quyền Bolshevik. Đến tháng 10.1918, Lockhart được thả về Anh và nhà ngoại giao của Nga tại London Maxim Litvinov quay về nước theo một thỏa thuận trao đổi tù nhân. Trong cuốn hồi ký của mình, Lockhart phủ nhận nhúng tay vào vụ mưu sát và đổ hoàn toàn trách nhiệm cho Reilly. Tuy nhiên, trong một bức thư được tìm thấy sau này, con trai của Lockhart là Robin nói rằng cha mình "tích cực ủng hộ" phong trào phản cách mạng tại Moscow mà Reilly là người trực tiếp thực hiện. Trong lá thư này, ông Robin còn cho biết cha mình từng kể là ông ta hợp tác chặt chẽ với Reilly hơn những gì ông công khai.
Về phần Reilly, sau khi bị Nga kết án tử hình vắng mặt, vẫn tiếp tục kế hoạch chống phá Bolshevik cho đến khi bị bắt tại Liên Xô vào tháng 9.1925. Lực lượng tình báo OGPU của Liên Xô khi đó lập ra một tổ chức chống cộng giả mạo có tên là Trust và Reilly nhanh chóng bị sập bẫy khi đến Nga để hợp tác với nhóm này. Cuối cùng, "trùm gián điệp" bị xử tử vào tháng 11 năm đó.
Sau biến cố năm 1918, lãnh tụ Lenin bình phục, còn hung thủ Fanya Kaplan chịu chung số phận như Reilly. Trong cuộc thẩm vấn sau khi bị bắt, Kaplan khai với lực lượng Cheka rằng mình là thành viên phong trào vô chính phủ ở Kiev, từng bị lưu đày khổ sai trong 11 năm vì ám sát một quan chức chính quyền Nga hoàng. Được ân xá sau khi Nga hoàng bị lật đổ, Kaplan gia nhập đảng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa (SR). Nữ sát thủ này khai có ý định ám sát Lenin từ lâu. Kaplan bị xử bắn vào ngày 3.9.1918.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.