Âm mưu mới phế truất Chủ tịch Hạ viện Mỹ

02/04/2024 06:15 GMT+7

Nhậm chức chưa đầy 6 tháng, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đối mặt nguy cơ bị bãi nhiệm đến từ cánh cực hữu của đảng Cộng hòa, cũng là phe thành công lật đổ người tiền nhiệm của ông.

Trong lúc quốc hội Mỹ nghỉ 2 tuần vào dịp lễ Phục sinh, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson lên kế hoạch cho nỗ lực chống trả âm mưu phế truất ông từ phe cực hữu, theo Đài CNN ngày 31.3.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (giữa) đối mặt khó khăn mớiẢnh: Reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (giữa) đối mặt khó khăn mới

Reuters

Nỗ lực mới của phe cực hữu

Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene nộp kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Johnson sau khi ông chủ trì việc thông qua đạo luật ngân sách trị giá 1.200 tỉ USD, cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden hoạt động hết năm tài khóa 2024.

"Chúng ta cần chủ tịch mới", tạp chí TIME dẫn lời nghị sĩ Greene tuyên bố trước báo giới bên ngoài Điện Capitol sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách hôm 22.3. Bà Greene xác nhận nộp đơn kiến nghị yêu cầu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ đương nhiệm là ông Johnson.

Động thái của nữ nghị sĩ cho thấy tình trạng chia rẽ sâu sắc hơn trong nội bộ đảng Cộng hòa. Kể từ khi nhậm chức, ông Johnson phải tìm cách lèo lái Hạ viện Mỹ trước những lợi ích đối lập nhau và cùng lúc phải duy trì được sự đoàn kết của đảng này trong các vấn đề cần tranh thủ quyền lợi trước đảng Dân chủ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đương đầu mưu toan phế truất

Dù vậy, thỏa thuận ngân sách được ông Johnson ủng hộ làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa các phe khác nhau của đảng Cộng hòa. Một số thành viên thuộc cánh cực hữu, trong đó có bà Greene, cho rằng ông đã thông qua đạo luật trong khi không gây sức ép đủ để đảng Dân chủ cân nhắc các vấn đề như an ninh biên giới Mỹ - Mexico.

Những gì đang diễn ra tại Hạ viện Mỹ làm nhớ lại vụ phế truất đầy hỗn loạn khiến người tiền nhiệm của ông Johnson là ông Kevin McCarthy phải rời khỏi vị trí này vào tháng 10 năm ngoái vì lý do tương tự.

Sách lược phòng thủ

Đến nay vẫn chưa rõ kiến nghị của bà Greene có thể kích hoạt nỗ lực lật đổ ông Johnson hay không. Điều này do Hạ viện Mỹ quy định cần phải đạt được đa số phiếu bầu mới có thể bãi nhiệm chủ tịch hiện tại.

Trong một diễn biến mới, Chủ tịch Johnson vận động sự trợ giúp của một số đồng minh, bao gồm nghị sĩ Matt Gaetz. Đây là sự lựa chọn đầy bất ngờ của ông Johnson vì ông Gaetz là người đứng sau nỗ lực gần đây nhất và thành công loại bỏ ông McCarthy khỏi cương vị lãnh đạo Hạ viện.

"Tôi đưa ra một số lời khuyên cho chủ tịch, rằng chúng tôi cần phải chuyển sang tư thế phòng thủ. Và tôi vui mừng vì ngài chủ tịch tiếp nhận lời khuyên này", Đài CNN ngày 31.3 dẫn xác nhận từ nghị sĩ Gaetz.

Bản thân ông Johnson cũng công khai đề cập đến kế hoạch của đồng nghiệp Greene, gọi đây là "hành động gây xao nhãng nhiệm vụ của đảng Cộng hòa". Theo Đài Fox News, ông Johnson dự định sẽ gặp bà Greene vào đầu tuần này, nhưng chưa rõ thời gian.

Trên cương vị Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Johnson nắm trong tay nhiều công cụ cho phép đối phó sức ép hiện nay. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc ông Johnson có thể giữ được ghế hay không có lẽ tùy thuộc vào cách thức ông xử lý vấn đề chính sách gây tranh cãi sắp tới: Viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Quy định về kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Quy định hiện tại của Hạ viện Mỹ cho phép bất kỳ nghị sĩ nào, dù là thành viên đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa, đều có thể nộp kiến nghị bãi nhiệm chủ tịch. Dù tồn tại xuyên suốt lịch sử quốc hội Mỹ, kiến nghị dạng này vẫn chưa được triển khai thành công cho đến tháng 10 năm ngoái. Khi đó, một nhóm nghị sĩ cực hữu của đảng Cộng hòa về phe với đảng Dân chủ để phế truất ông Kevin McCarthy khỏi cương vị Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.