Ẩm thực Việt tăng điểm sau thượng đỉnh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/03/2019 08:15 GMT+7

Được nhắc nhiều trên kênh truyền thông quốc tế, ẩm thực Việt đang tăng điểm mạnh trong mắt bạn bè nước ngoài.

Ngoại giao “mắm tép”

Khi đoàn đại biểu Triều Tiên kết thúc bữa trưa ở Ngon Garden (70 Nguyễn Du, Hà Nội), họ đã rất hài lòng. Còn bà Phạm Bích Hạnh, chủ của thương hiệu này, tự hào về món ăn của mình, tự hào về ẩm thực Việt cũng như về Hà Nội.
Món ăn VN ngon và đẹp, với nhiều rau xanh, hợp với việc giữ gìn sức khỏe. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể dùng món ăn để làm đại sứ giới thiệu văn hóa VN
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Ánh Tuyết
“Ông Phó chủ tịch Đảng Lao động nhân dân Triều Tiên nói qua phiên dịch là bữa ăn rất ngon, quán rất đẹp. Chúng tôi cũng tặng ông món quà của Hà Nội là bức tranh và 2 lọ mắm tép”, bà Hạnh nói.
Trước đó, bên cạnh những món đã được đặt trước, đoàn khách đã yêu cầu thêm một số món rất đặc trưng VN. Đó là món rau muống xào tỏi, phở và thịt luộc chấm mắm tép. Riêng thịt luộc mắm tép là món vốn nổi tiếng của quán Ngon tại phố Phan Bội Châu, một nhà hàng cũng thuộc sở hữu của bà Hạnh.
Cũng trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài liên tục cập nhật những món ngon ở Hà Nội.
Hãng CNN đưa ra lời khuyên thử các món cụ thể như bún cá Văn ở Quán Thánh nay đã chuyển về Nguyễn Chí Thanh, bún riêu, bánh tôm Hồ Tây.
PV David Muir của Đài ABC News (Mỹ) đã có phóng sự về 3 món ngon của ẩm thực đường phố thủ đô: cà phê trứng, nộm đu đủ và phở bò trên phố Nguyễn Hữu Huân, phố Hồ Hoàn Kiếm và phố Bảo Khánh.
Một hãng thông tấn khác lại giới thiệu cửa hàng của nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Ánh Tuyết tại 25 Mã Mây. Hình ảnh được đưa lên là món gà quay mật ong trứ danh của bà, món ăn đã được cây viết ẩm thực Anthony Bourdain cho là món gà quay ngon nhất thế giới. Bà Tuyết cũng chính là người tổng chỉ huy bữa đại yến tiếp các nhà lãnh đạo tham dự APEC hồi 2017…
“Món ăn VN ngon và đẹp, với nhiều rau xanh, hợp với việc giữ gìn sức khỏe. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể dùng món ăn để làm đại sứ giới thiệu văn hóa VN”, bà Ánh Tuyết chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều món được giới thiệu trong gian hàng ẩm thực Hà Nội (Trung tâm báo chí quốc tế) đã được đẩy mạnh tiêu dùng hơn hẳn.
Tại cà phê Giảng, lượng khách tăng khoảng 20% và khách đến chủ yếu gọi cà phê trứng. Tại Vườn ẩm thực Cửa Nam, món bún thang của bà Ẩm cũng tăng số lượng người ăn.
[VIDEO] Ẩm thực đậm nét Việt tại Trung tâm Báo chí Quốc tế
Nhà ăn tại Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ thượng đỉnh Mỹ - Triều ẢNH: NGỌC THẮNG
Nhà ăn tại Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ thượng đỉnh Mỹ - Triều ẢNH: NGỌC THẮNG
Trong khi đó, cửa hàng của bà Tuyết trên phố Mã Mây cũng tăng lượng khách gọi món nem cuốn - món ăn ngon mát và có nhân giòn tuyệt vời được phục vụ tại APEC.

Không chỉ là phở và bánh mì

Ngoài cà phê Giảng, bún thang mang nét địa phương Hà Nội rõ nét, tại thủ đô còn nhiều món ngon khác có dấu ấn vùng miền. Chẳng hạn, quán bún cá được CNN khen ngợi là kết hợp của bún Hà Nội và bún cá Hải Phòng. Cũng tại quán này còn có bánh đa cá với sợi bánh đa đỏ đặc trưng của thành phố cảng. Phở Thìn được giới thiệu tại trung tâm báo chí trong hội nghị thượng đỉnh, tuy nhiên ở nhiều địa phương phở cũng rất ngon. Chẳng hạn, gia tộc phở Cồ luôn tự hào về nguồn gốc Nam Định. Món bánh xèo được đoàn khách Triều Tiên chọn tại Ngon Garden lại là một món ăn Nam bộ. Những điều đó cho thấy tiềm năng của ẩm thực Việt có thể đến từ rất nhiều miền.
“Thực tế hằng ngày mình giới thiệu ẩm thực VN đến hàng ngàn khách. Đó đã là quảng bá món Việt rồi. Khi nói về ẩm thực VN mọi người hay nói đến bánh mì, bánh xèo, hay nói đến phở. Nhưng bản thân món Việt mình phong phú lắm”, bà Hạnh nói. Trên thực tế, chuỗi nhà hàng mà bà sở hữu đều phát triển mô hình phục vụ món ngon từ cả 3 miền. Nhà hàng của bà Ánh Tuyết cũng vậy. Bên cạnh những món xưa rất sang chảnh, bà cũng không quên phần ẩm thực “đường phố” của bánh mì nhân thập cẩm.
Trong đợt hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, phải công nhận rằng đối tượng hưởng lợi chủ yếu là ẩm thực Hà Nội. Chưa thấy các tỉnh miền Trung, miền Nam chủ động giới thiệu các món ăn đặc sản của mình qua các không gian ẩm thực tại đây. “Tôi chỉ thấy thông tin giới thiệu về ẩm thực Hà Nội là chính”, nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Như Huy, Viện sĩ Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp, nói. Thật đáng tiếc khi một người nổi tiếng với các tour giới thiệu ẩm thực Huế cao cấp như bà lại không hề được mời tham vấn về giới thiệu ẩm thực tại hội nghị.

Đừng để cơ hội trôi qua

“Chúng ta đang có một cú hích lớn về truyền thông khi xuất hiện liên tục trên truyền thông quốc tế. Nhưng thời điểm này sẽ qua đi nếu không có kế hoạch truyền thông tiếp theo, kèm kế hoạch hành động của nhiều ngành”, một chuyên gia thương hiệu nói.
Để phát triển ẩm thực, ông Nguyễn Việt, Hội Đầu bếp Hà Nội, cho rằng cần có những chính sách để tạo các khu ẩm thực lớn dạng foodcourt ở Singapore. Tại đó, các quán hàng đặt cạnh nhau, được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ. Quan trọng hơn, nó tạo một khu vực đa dạng về món ăn để khách có thể tự do lựa chọn.
“Ai đến Singapore đều biết tiếng và muốn đến foodcourt. Món VN đã ngon rồi, quan trọng là tổ chức nữa thôi”, ông Việt nói.
Để lan tỏa ẩm thực, các tour ẩm thực chuyên biệt như tour ẩm thực đường phố, tour học nấu bếp cũng là điều quan trọng. Nó đòi hỏi người hướng dẫn phải có am hiểu về ẩm thực, có phông nền văn hóa tốt. Chưa kể, bản thân nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn cũng rất cần biết cách giao tiếp với du khách…
“Khi nghệ nhân Mười Xiềm sang Mỹ để giới thiệu về bánh xèo, chúng tôi cũng đã làm việc với bà về việc nên giới thiệu ra sao”, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nói.
Bên cạnh đó, để lan tỏa ẩm thực, cũng cần có một hệ thống trợ giúp các nghệ nhân về xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn, tại hội nghị thượng đỉnh vừa rồi, có rất nhiều món ngon được giới thiệu.
Tuy nhiên, cà phê Giảng, bún thang bà Ẩm là những thương hiệu được “hích” mạnh hơn cả. Những món ngon khác khá thiệt thòi khi chưa có thương hiệu riêng để đón nhận việc quảng bá.
Như sản phẩm của các nghệ nhân giò chả tuy vẫn được khen ngon nhưng tên họ lại không xuất hiện trên báo. Bún chả bà Hoành lại bị chìm hơn so với chính thương hiệu bánh cuốn bà Hoành. Nếu Hà Nội chủ động hướng dẫn họ cách đưa thương hiệu lên biển thì hiệu ứng truyền thông chắc chắn sẽ tốt hơn.
Chưa kể, nhà quản lý cũng có thể hỗ trợ cá nhân lập kế hoạch quảng bá các món như bún chả, cà phê trứng, phở bò. Chẳng hạn, với cà phê trứng - từ một món của riêng cà phê Giảng, món đồ uống này đã được nhiều cửa hàng khác phục vụ với vị cũng rất ngon.
Ngoài phở Thìn bờ Hồ, các hệ thống phở khác như Vui, Sướng, Cồ… cũng có vị ngon độc đáo. Những cơ sở đó đều xứng đáng được hỗ trợ để có vị trí tốt hơn trong mắt khách du lịch. Nhờ vậy, việc quảng bá ẩm thực Việt, ẩm thực Hà Nội sẽ còn lan nhanh hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.