Ẩm thực Việt vươn ra toàn cầu

11/02/2013 07:28 GMT+7

Năm ngoái, ẩm thực Việt Nam có tên trong danh sách món ăn ngon, thành phố ăn ngon do CNNGo công bố. Tuy nhiên, danh hiệu “bếp thế giới” vẫn là điều chúng ta nằm mơ mà chưa với tới. Chuyên gia marketing Nguyễn Đình Thành đã chia sẻ về một chiến lược đưa ẩm thực Việt ra toàn cầu.

Năm ngoái, ẩm thực Việt Nam có tên trong danh sách món ăn ngon, thành phố ăn ngon do CNNGo công bố. Tuy nhiên, danh hiệu “bếp thế giới” vẫn là điều chúng ta nằm mơ mà chưa với tới. Chuyên gia marketing Nguyễn Đình Thành đã chia sẻ về một chiến lược đưa ẩm thực Việt ra toàn cầu.

 Ẩm thực Việt vươn ra toàn cầu 1
Vươn ra thế giới, khẩu vị địa phương càng nên được tính đến bên cạnh văn hóa sở tại

Là một chuyên gia truyền thông, ông lý giải ra sao về việc ẩm thực Việt Nam giờ vẫn chưa trở thành một thương hiệu du lịch?

Một trong những yêu cầu đầu tiên để một sản phẩm/dịch vụ xác lập được thương hiệu là khả năng nhận biết của công chúng, chất lượng và sự ổn định về khẩu vị. Các món ăn Việt Nam được giới thiệu lẻ tẻ ở nước ngoài, thiếu một chiến lược tiếp thị tổng thể, thiếu sự thống nhất về cách trình bày, khẩu vị nên khách hàng khó nhận biết.

Ngoài ra, do món ăn Việt chưa phổ dụng trên quy mô thế giới nên tần suất ăn của người tiêu dùng trên thế giới cũng không đủ lớn để họ nhớ khẩu vị và liên kết nó với hình ảnh của Việt Nam.

Việc ẩm thực Việt được CNNGo đánh giá cao (đưa món Việt vào top món ngon, đưa Hà Nội vào top thành phố có ẩm thực đáng giá) có ý nghĩa gì cho kinh doanh ẩm thực du lịch?

Truyền hình và điện ảnh có sức tác động mạnh mẽ tới tâm trí của người xem bản địa. Năm 1992, Vịnh Hạ Long chỉ xuất hiện ngắn ngủi trên bộ phim Đông Dương danh tiếng của Pháp. Vậy mà đến giờ, du khách Pháp vẫn đến và hỏi đâu là nơi quay bộ phim này. Lượng du khách thăm nhà thờ Saint-Sulpice ở Pháp tăng vọt sau Mật mã Da Vinci vì ai cũng muốn xem nơi giấu chiếc chìa khóa thiêng trong truyện. Tuy nhiên, việc ẩm thực Việt được một hãng truyền thông đánh giá cao là điều tốt nhưng không có gì quá mừng vui. Người ta không đi nửa vòng trái đất chỉ để ăn một món ăn được xem trong một chương trình truyền truyền thông, hay truyền hình thực tế.

Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng kinh doanh nhượng quyền (franchise) trong ẩm thực Việt- mô hình mà Phở 24 đã làm?

Phở 24 là một thử nghiệm thú vị trong kinh doanh ẩm thực Việt Nam. Người ta đã nhận ra sức mạnh và giá trị của thương hiệu. Sức mạnh ấy thể hiện qua độ nhận biết của công chúng và hình ảnh tiêu biểu về chất lượng hoặc phong cách. Tuy nhiên, do quy chuẩn hóa khẩu vị nên phở 24 không ra phở Bắc, cũng chẳng phải phở Nam. Người tiêu dùng Việt Nam không thấy bát phở của họ trong ấy, không thấy hình ảnh quán phở của họ ở trong ấy nên không ùn ùn kéo đến. Sự điều chỉnh khẩu vị của phở 24 rõ ràng chưa ổn. 

Vươn ra thế giới, khẩu vị địa phương càng nên được tính đến bên cạnh văn hóa sở tại. Coca Cola có điều chỉnh hàm lượng đường ở các vùng khác nhau cho phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng ở vùng ấy. Buddha Bar là một thương hiệu nổi tiếng xuất phát từ Pháp và rất thành công ở các nước phương Tây. Tuy nhiên khi đến Indonesia, quán bar này bị buộc phải đóng cửa vì dân chúng biểu tình cho rằng đức Phật bị báng bổ. Các thương hiệu của Việt Nam cần tính kỹ điều này trước khi bước chân vào thị trường ngoại vì rất có thể tên của thương hiệu không thể đọc được hoặc mang ý nghĩa xấu. Coca Cola từng được hiểu nguyên văn là ‘‘con nòng nọc bọc sáp’’ trong một thứ tiếng địa phương ở Trung Hoa đại lục.

 Ẩm thực Việt vươn ra toàn cầu 2
Chuyên gia marketing Nguyễn Đình Thành

Nghĩa là cũng sẽ phải tính đến điều chỉnh món Việt để phù hợp với khẩu vị của khách quốc tế. Ông có thể cho một ví dụ?

Ví dụ như món chả cá tại khách sạn Metropole được bày toàn bộ trên một chiếc khay bằng đá đen Yên Bái. Đũa kết chéo thành dàn nâng bún, cá nướng, bánh đa bày như chiếc nón xếp nghiêng. Nước chấm được dùng bằng nước mắm cực loãng, không mùi, điểm xuyết bằng ớt không cay băm nhỏ. Màu đỏ của ớt băm, màu xanh của hành, thìa là kết hợp với màu trắng của bún sợi nhỏ, màu đen của đá đã làm nên một món ăn hoàn hảo. Nó đã được sửa theo hướng không nặng mùi, không quá chua cay. Khách được tráng miệng với trà nhài và mứt hoa nhài.

Nếu bày biện cầu kì theo kiểu truyền thống nem công chả phượng, món ăn khó thể so bì và phân biệt được với các món ăn Trung Quốc. Hơn nữa, việc bày biện trang trí mà không ăn được không hợp lắm với cách của phương Tây. Họ đã quen với việc ăn mọi thứ bày trên đĩa. Để cạnh tranh thành công và định vị trên thị trường cao cấp, sáng tạo dựa trên truyền thống kèm yếu tố trang trí mang tính mỹ thuật hiện đại sẽ mang lại hiệu ứng cần thiết. Ẩm thực cao cấp Việt Nam đang cần một sự chuyển mình như thế.

Theo ông, chiến lược tổng thể để đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới là gì?

Làn sóng Hàn Quốc cho thấy muốn PR hình ảnh không thể ăn may. Một chính sách quốc gia đã được chuyên gia thương hiệu, truyền thông thổi bùng lên qua nhiều thập kỷ mới có được thương hiệu hôm nay. Nói thế để thấy, nhà nước cần xây dựng và thực hiện triệt để chiến lược phát triển thương hiệu Việt trong lĩnh vực ẩm thực.

Hiệp hội đầu bếp Việt hãy mau xây dựng các món ăn tiêu chuẩn và phù hợp nhất để giới thiệu trong các festival du lịch trên toàn thế giới.

Hãy vận động mỗi thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam (Sofitel, Park Hyatt, Sheraton, Intercontinental, Mariott) tổ chức một tuần lễ ẩm thực cao cấp Việt Nam tại các nước khác họ có đang mặt. Điều này sẽ mang lại tiếng vang lớn cho ẩm thực Việt Nam.

Các thương vụ quán Việt Nam tại nước ngoài giúp các thương hiệu franchise Việt Nam tìm hiểu thị trường sở tại để nâng cao cơ hội thành công của các doanh nghiệp này.

Đặc biệt, phim điện ảnh và phim tài liệu chắc chắn sẽ là kênh truyền bá hiệu quả nhất. Điều này không có nghĩa là các đạo diễn, biên kịch Việt Nam phải làm tất cả. Việc biến Việt Nam thành điểm đến của các đạo diễn phương Tây sẽ đem lại cơ hội quảng bá vô cùng to lớn cho cả đất nước chứ không riêng gì ẩm thực. Ví dụ của những bộ phim quay tại Việt Nam như Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng, Điệp viên 007 đã khẳng định điều này.

Làm và làm ngay những việc này mới có thể liên kết khẩu vị và hình ảnh Việt Nam. Nếu không, câu nói buồn muôn thuở của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến lại đúng, rằng “cái nước mình nó thế”, và ẩm thực Việt Nam lại quanh quẩn trong biên giới của mình.

Ông Nguyễn Đình Thành tốt nghiệp thạc sỹ quản trị văn hóa tại ĐH Paris Dauphine (Pháp), hiện là giám đốc tư vấn chiến lược truyền thông tại Công ty truyền thông Le Bros. Ông từng là trợ lý văn hóa Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, giám đốc PR của Sofitel Legend Metropole Hà Nội.  Ông còn là dịch giả của các tác phẩm văn học: Nửa kia của Hitler (tiểu thuyết), Chàng Sumô không thể béo (tiểu thuyết), Người khách lạ (kịch).

Trinh Nguyễn (thực hiện)
Ảnh: Nguyễn Đình Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.