Nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 6 trên chuyên san The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism cho thấy những người trưởng thành ở Úc ăn 2 phần trái cây mỗi ngày (khoảng 150 gr/phần) trong vòng 5 năm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn 36% so với những người ăn ít trái cây mỗi ngày.
TS Nicola Bondonno, đồng tác giả nghiên cứu, công tác tại Viện Nghiên cứu dinh dưỡng - Đại học Edith Cowan (Úc), và các đồng nghiệp chỉ ra rằng việc ăn nhiều trái cây có liên quan đến độ nhạy insulin cao hơn, giúp giảm lượng đường trong máu. Những người ăn nhiều trái cây phải sản xuất ít insulin hơn để giảm mức đường huyết.
“Điều này rất quan trọng vì lượng insulin tuần hoàn cao (tăng insulin máu) có thể làm hỏng các mạch máu, không chỉ liên quan đến bệnh tiểu đường mà còn liên quan đến huyết áp cao, béo phì và bệnh tim”, TS Nicola Bondonno nói.
Nghiên cứu được thực hiện trên 7.675 người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên không mắc bệnh tiểu đường, đã trải qua các xét nghiệm máu và hoàn thành bảng câu hỏi về tần suất sử dụng thực phẩm trong năm 1999 - 2000.
Những người tham gia cung cấp thông tin về tần suất ăn trái cây, uống nước trái cây và các loại thực phẩm khác. Kết quả cho thấy loại trái cây được ăn nhiều nhất là táo (23%), tiếp theo là chuối (20%) và trái cây họ cam quýt (18%). Các loại trái cây khác mỗi loại chiếm dưới 8% tổng số trái cây đã tiêu thụ.
Các chuyên gia cũng khuyến khích việc ăn nhiều trái cây đi kèm với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh càng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thể 2. Những người tham gia nghiên cứu ăn nhiều trái cây phần lớn là phụ nữ, rất ít hút thuốc lá và duy trì tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
Nghiên cứu cũng lưu ý rằng việc uống nước ép trái cây không giúp mang lại kết quả tương tự. Nước ép trái cây có lượng đường tương đối cao và ít chất xơ có lợi hơn so với ăn trái cây một cách trực tiếp.
Bình luận (0)