Hàng xóm nhà tôi có một chuyên viên cấp vụ, ngày nào về cũng ăn xong là ôm máy tính làm việc tới khuya. Có lần tôi hỏi đùa: Sao bảo 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về mà anh nhiều việc thế?
Anh cười bảo: “Ban ngày thì mải đi chơi, tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay”. Anh kể, giờ làm việc là 8 giờ nhưng 8 giờ 30 mọi người mới lục tục đến, nếu không họp hành sẽ pha ấm trà chào hỏi, vãn chuyện cũng đến giờ ăn trưa. Nghỉ trưa xong lại ấm trà là đến giờ tan sở. “Mình trẻ, nếu không tham gia chuyện vãn với các tiền bối thì sợ mang tiếng là “thích thể hiện”, mà tham gia thì sự thật là có việc phải làm nên mang về nhà làm là vẹn cả đôi đường”, anh giải thích.
Chuyện này, thực ra rất trùng hợp với câu chuyện bí thư tỉnh ủy một tỉnh phải đích thân vi hành các quán cà phê để bắt quả tang nhân viên “lai rai” trong giờ làm việc hồi năm 2013. Cũng có rất nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, ban ngành đã phải ban hành các quy định, chỉ thị nhằm chống việc ăn cắp giờ công của công chức. Nhưng xem ra hiệu quả cũng không khá hơn nhiều. Công việc không phải không nhiều và cho đến giờ, theo báo cáo chính thức của các cơ quan chức năng, tỷ lệ công chức nhàn rỗi rất thấp, nhưng chuyện la cà quán xá, chuyện chơi trong giờ làm, làm trong giờ chơi của công chức, viên chức là có thật.
Sự việc nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy bị kỷ luật vì xem phim trong giờ làm việc hôm 17.11 vừa rồi có lẽ chỉ là một trường hợp “chẳng may” trong vô số những trường hợp tương tự. Chẳng may nên bị bệnh nhân bắt quả tang là cái rủi của cô nhân viên y tế kia, nhưng có lẽ là cái may cho Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và cho nền công vụ nói chung. Điều này cho thấy một thực tế, yêu cầu về chuyên môn, trình độ, đạo đức công chức, viên chức là chưa đủ mà phải đào tạo tính chuyên nghiệp cho lực lượng này.
Mục đích của sự chuyên nghiệp là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả và tin cậy, những điều đó chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất đều phải được thiết lập đồng bộ, nhất quán, hợp lý. Chẳng hạn như: tập trung thực hiện chuyên môn được giao; có thái độ tôn trọng, niềm nở, lịch sự và hướng dẫn công dân tận tình trong công việc; làm việc đúng quy chế cơ quan đề ra; thực hiện không để chuông điện thoại kêu trong phòng họp; đi làm đúng giờ; không được trễ hẹn, nếu trễ thì phải báo; không được đi dép lê, guốc, mặc áo thun trong công sở...
Do vậy, chuyện ăn cắp giờ công của công chức, viên chức, nên được giải quyết dưới góc độ tính chuyên nghiệp của việc thực thi công vụ trước khi bàn chuyện tinh giản biên chế.
Bình luận (0)