Họa sĩ Hà Hùng Dũng ngỡ ngàng khi thấy những bức tranh của mình bị sao chép trên bình gốm, nung lên, rồi được bán công khai trên mạng tại trang Facebook bán gốm Bát Tràng có tên Gốm chú tôi. Những bình này được bán với giá vài triệu đồng một bình. “Thực ra tôi cũng không phải là người đầu tiên phát hiện, bạn bè thấy và báo tin cho tôi. Đấy đúng là những bức tranh của tôi đã bị sao chép lại trên gốm”, họa sĩ Hà Hùng Dũng cho hay.
Tranh sen của của họa sĩ Bùi Trọng Dư trên bình gốm đầu tiên bên trái |
Khi vào trang bán gốm đó, ông Dũng không chỉ thấy tranh của mình mà còn có cả tranh của một người bạn - họa sĩ Bùi Trọng Dư. “Tôi nhận ra còn có tranh của anh Bùi Trọng Dư ở đó. Tôi cũng báo cho anh. Kể ra cũng lạ, trước đây tôi và anh Dư cùng bị một khách sạn lấy tranh chép lên tường. Bây giờ thì lại cùng bị lấy tranh vẽ lên bình gốm”, ông Dũng nói. Còn họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết: “Tôi cũng thấy tranh của mình trên bình gốm. Nhưng bây giờ không có thời gian đi kiện, thời gian đó mình đi làm việc khác. Họ ăn trộm tranh của họa sĩ mà họa sĩ không làm gì được”.
Họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết sau đó ông cũng đã liên lạc với chủ cửa hàng Gốm chú tôi. Mặc dù vậy, điều nhận được còn bực bội hơn. “Chủ cửa hàng nói với tôi là xin thông cảm cho họ. Đấy là do thợ khi làm đã lên mạng và chép lại tranh mà họ không kiểm soát được. Tôi nói tôi bị ăn cắp (tranh) mà sao lại phải thông cảm? Và họ bán tác phẩm cũng đâu có rẻ!”, ông Dũng chia sẻ. Ông Dũng cho biết thêm sau đó trang Facebook Gốm chú tôi cũng rút hết hình ảnh gốm có tranh của ông xuống, tuy nhiên không thể đếm hết họ đã sản xuất và bán trót lọt bao nhiêu tác phẩm như vậy. Ông Dũng cũng đã chụp lại màn hình và lưu giữ làm bằng chứng.
Tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị ăn cắp và đưa lên gốm |
NVCC |
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng cho hay tác phẩm của ông không chỉ bị người làm gốm ăn cắp mà còn bị nhiều làng nghề khác như sơn mài, đúc đồng tùy tiện sao chép. Có tác phẩm khắc đồng được bán lên tận một khách sạn miền núi phía bắc và sau đó bạn ông thấy được, chụp ảnh gửi về. Chính vì thế, theo ông Dư, điều đáng lo ngại nhất là sự vi phạm pháp luật phổ biến trong nhiều người làm nghề thủ công.
“Đúng ra làng nghề phải thuê người thiết kế mẫu, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Vì thế, họ cứ lên mạng và sao chép cho nhanh, đỡ phải trả tiền. Thế thì làm sao mà nghề phát triển bền vững được?”, ông Dư đặt câu hỏi. Theo ông Dư, chỉ cần đi vòng quanh các làng nghề xung quanh Hà Nội, chắc hẳn sẽ còn phát hiện thêm tranh của nhiều họa sĩ bị ăn cắp như thế.
Về điều này, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn, chủ không gian văn hóa sáng tạo Heritage Space, cho biết đúng là các họa sĩ rất khó khăn khi xử lý những trường hợp ăn cắp tranh như thế này. Về lý, những người trộm tranh họa sĩ để làm tác phẩm thủ công sai, nhưng để ngăn chặn hoặc bắt họ bồi thường lại rất khó do đòi hỏi thời gian theo đuổi việc thưa kiện.
“Tôi nghĩ nếu có thể có những đơn vị đại diện quyền tác giả cho họa sĩ thì tốt. Nó tương tự Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đã bảo vệ quyền tác giả cho nhạc sĩ. Tốt nhất là có những trung tâm như vậy để bảo vệ quyền tác giả cho họa sĩ”, ông Tuấn bày tỏ.
Bình luận (0)