(TNO) Thiếu tướng Mansour al-Turki, người phát ngôn bộ Nội vụ Ả Rập Xê Út đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa hình phạt chặt đầu của Ả Rập Xê Út và các cuộc hành quyết của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), theo NBC News.
Người phát ngôn Ả Rập Xê Út nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc hành quyết của IS và án tử của nước mình - Ảnh: Reuters
|
Trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC News, thiếu tướng Mansour al-Turki nói rằng những hình phạt tại Ả Rập Xê Út là hợp pháp vì nó dựa trên những quyết định của tòa án, còn hành động của IS là “tùy ý” giết người.
Ả Rập Xê Út đã phải chịu những chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền vì hệ thống pháp lý của nước này dựa tên những điều luật cứng rắn của đạo Hồi, theo NBC News là thiếu tự do chính trị và thiếu những chính sách dành cho phụ nữ.
“Chúng tôi làm điều đó tại Ả Rập Xê Út theo quyết định của tòa án. Việc giết một người là một quyết định chứ nó không dựa trên những sự lựa chọn tùy ý”, tướng al-Turki biện hộ cho hình phạt chặt đầu tội phạm hình sự trước công chúng tại Ả Rập Xê Út.
Ông al-Turki cho rằng IS không có cơ sở hợp pháp trong việc giết người và sự khác biệt rất rõ ràng. “Khi bạn giết một ai đó mà không dựa trên nền tảng chính thống, không có hệ thống pháp lý, không tòa án, thì đó vẫn là một tội ác, dù cho bạn chặt đầu hay giết người đó bằng súng”, tướng al-Turki nói về việc hành hình của IS.
Người phát ngôn bộ Nội vụ Ả Rập Xê Út, thiếu tướng Mansour al-Turki - Ảnh: Reuters
|
Ông nói rằng hệ thống pháp lý luôn được thực thi nhờ chế độ quân chủ tuyệt đối tại Ả Rập Xê Út. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc lại cho rằng các phiên tòa tại Ả Rập Xê Út không có tính công bằng, các bị cáo không được phép mời luật sư và án tử được đưa ra sau những lời thú tội của bị cáo trong buổi tra tấn.
Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền đã tăng cường giám sát Ả Rập Xê Út sau khi nước này tăng tỉ lệ các vụ hành hình lên 1 vụ/ngày vào tháng 8.2014.
Liên Hiệp Quốc cho biết việc chặt đầu bị cấm theo luật pháp quốc tế trong mọi trường hợp và cáo buộc Ả Rập Xê Út đã thực hiện các vụ hành hình "kinh khủng một cách đều đặn và trắng trợn; xem nhẹ các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế”.
Vương quốc giàu dầu mỏ này đã xử tử ít nhất 68 người trong năm ngoái vì những tội như buôn ma túy và một trường hợp dùng “tà thuật”, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Năm 2013, Ả Rập Xê Út đã thực hiện 79 vụ hành hình, đứng thứ tư trên thế giới sau Iraq, Iran và Trung Quốc, theo tổ chức Ân xá quốc tế.
Bình luận (0)