An Coong, Mai Anh Tài: ‘ Cover nhạc cũng cần sáng tạo chứ không chỉ xào lại chất xám người khác’

23/02/2022 10:00 GMT+7

Âm nhạc là một trong những mảng nội dung được chú trọng nhất và được người dùng yêu thích nhất trên nền tảng YouTube. Nhà sáng tạo nội dung mảng âm nhạc vì thế mà cũng có nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế dễ thấy thì nhà sáng tạo nội dung mảng âm nhạc cũng cần phải tuân theo rất nhiều quy tắc, quy định từ bản quyền, tác quyền hay thậm chí chỉ là một vài âm thanh nhỏ. Trong tập 2 của chuỗi talkshow “Trở thành nhà sáng tạo YouTube”, hai nhà sáng tạo An Coong và Mai Anh Tài sẽ chia sẻ những trải nghiệm trong việc sáng tạo nội dung, những khó khăn và những vấn đề thường gặp về bản quyền, tác quyền với các video âm nhạc cũng như cách giải quyết.

An Coong (tên thật Coóng Nhã Ân)- cô nàng nổi tiếng với những ngón đàn piano điêu luyện(sinh năm 1991) là một trong những nhà sáng tạo nội dung YouTube bắt đầu con đường từ rất sớm khi đăng tải những video đầu tiên vào cuối năm 2007. Hình ảnh cô gái tóc dài nữ tính với những phím đàn làm mê hoặc lòng người đã luôn gắn liền với An Coong trong suốt hơn 10 năm qua. Hiện cô đang sở hữu kênh YouTube với hơn 500.000 người đăng ký. Ngoài việc sáng tạo các nội dung trên YouTube, An Coong cũng mở một trung tâm dạy đàn piano để truyền cảm hứng và kỹ năng đến với những người có cùng đam mê âm nhạc.

Mai Anh Tài và An Coong là khách mời trong tập 2 của talkshow "Trở thành nhà sáng tạo YouTube

ảnh: nvcc - đồ họa: QUỳnh phương

Mai Anh Tài (sinh năm 1993) lại là nhà sáng tạo YouTube mới trong vài ba năm trở lại đây. Dù chỉ mới bắt đầu sáng tạo nội dung YouTube từ cuối năm 2019 nhưng Mai Anh Tài đã trở thành cái tên rất hot với các bạn trẻ đam mê âm nhạc. Hình ảnh chàng trai ôm đàn guitar say sưa hát cho người lạ nghe đã trở thành một trong những dấu hiệu nhận biết “cộp mác” Mai Anh Tài. Hiện anh đang sở hữu kênh YouTube với gần 500.000 lượt đăng ký theo dõi. Ngoài các video hài hước như hát cho người lạ nghe hay các video cover thì Mai Anh Tài cũng đã và đang cho ra mắt các sản phẩm độc lập trên con đường trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

“Hồi còn ngây thơ cũng từng bị quét content ID, từng bị đánh gậy”

PV: Để làm ra một sản phẩm liên quan đến âm nhạc thì một trong những khâu rắc rối nhất đó là bản quyền và tác quyền, đặc biệt là với những nhà sáng tạo nội dung cover nhạc. Trong những ngày đầu làm YouTube, 2 bạn có từng vướng phải những rắc rối liên quan đến bản quyền, tác quyền?

An Coong: Mình làm YouTube từ khá sớm, cách đây mười mấy năm. Lúc đó việc cover lại một bài hát thực sự chưa quá thịnh hành và chưa phải là trào lưu như bây giờ. Khi đó mình chỉ nghĩ đơn giản là mình thích bản nhạc nào đó và mình muốn đàn lại xem giai điệu đó sẽ nghe như thế nào trên piano thì mình cứ quay video và chia sẻ, chủ yếu cho bạn bè và gia đình mình xem. Khi đó vấn đề bản quyền cũng chưa thực sự rõ ràng và khắt khe như bây giờ. Dần dần sau này khi vấn đề bản quyền, tác quyền được quan tâm hơn thì mình cũng có vài lần bị quét content ID (hệ thống tự động nhận diện bản quyền của YouTube). Khi đó thì mình phải chia sẻ doanh thu với chủ sở hữu của tác phẩm gốc nhưng Ân thấy đó là chuyện công bằng thôi. Dù mình cover lại nhưng thực sự mình cũng đang tái sử dụng sản phẩm do người khác tạo ra.

Cả An Coong và Mai Anh Tài đều từng gặp vấn đề về bản quyền, tác quyền khi cover nhạc

ảnh: nvcc - đồ họa: QUỳnh phương

Mai Anh Tài: Mình bắt đầu làm nội dung trên YouTube từ cuối năm 2019, đầu năm 2020. Thời điểm đó thì vấn đề bản quyền đã rất được chú trọng và thực tế là mình cũng đã từng bị “đánh gậy” (báo cáo vi phạm bản quyền trên YouTube) rồi. Sau đó thì mình mới dần dần học được cách làm sao để liên lạc với chủ sở hữu bản quyền của tác phẩm gốc để thương lượng. Từ đó mình cũng rút kinh nghiệm để tìm hiểu trước về chính sách, về yêu cầu của chủ sở hữu tác phẩm gốc trước khi mình cover lại.

An Coong: Về việc liên lạc với chủ sở hữu, tác giả của sản phẩm gốc thì thực sự với người làm nội dung trên YouTube như mình, nhiều khi đó cũng không phải chuyện dễ dàng. Để liên lạc được với nghệ sĩ đôi lúc khá khó khăn. Vì vậy mà mình gia nhập vào network (hệ thống mạng đa kênh) và khi đó mình sẽ có cầu nối giúp đỡ liên lạc với tác giả, với nghệ sĩ để xin phép bản quyền, tác quyền. Tất nhiên, việc gia nhập network không phải là bắt buộc nhưng với Ân thì nó mang lại nhiều điều thuận lợi cho công việc của mình.

Cover nhạc là kiếm lợi từ chất xám của người khác?

PV: Một số ý kiến cho rằng các YouTuber chuyên cover nhạc đang kiếm lợi từ óc sáng tạo của người khác, các bạn nghĩ sao?

Mai Anh Tài: Với riêng mình thì khi mình cover một sản phẩm nào đó, về mặt tích cực thì điều đó cũng đồng thời thúc đẩy nhiều người biết đến tác phẩm gốc hơn. Đó cũng là điều mà mình luôn hướng đến. Khi mình thích một bài hát nào đó thì mình cũng muốn lan tỏa giai điệu đó đến với những người theo dõi kênh của mình.

An Coong cho rằng bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần sáng tạo

ảnh: nvcc - đồ họa: QUỳnh phương

An Coong: Đối với một sản phẩm cover, ngoài việc mình thể hiện lại ca khúc đó theo phong cách của mình thì mình nghĩ điều đó cũng sẽ giúp ca khúc gốc được viral hơn. Mình cũng biết có nhiều nghệ sĩ khi ra tác phẩm cũng sẽ tổ chức một số cuộc thi như thi cover, thi nhảy,... để sản phẩm gốc được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đối với một người chuyên cover thì bản thân họ cũng cần có sự sáng tạo riêng để tạo dấu ấn cá nhân. Theo mình nghĩ, ở đây không phải là mình kiếm lợi từ chất xám của người khác mà mình đang thể hiện thế mạnh, cá tính của mình; mình mang đến những giá trị riêng cho người xem và cho cả tác phẩm gốc.

“Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành YouTuber”

PV: Nhắc đến Mai Anh Tài là nhắc đến khả năng chơi guitar đỉnh và những màn đàn hát thả thính đầy vui nhộn. Còn nhắc đến An Coong là nhắc đến những bản piano cover điêu luyện và đầy cảm xúc. Những năm gần đây thì mảng âm nhạc trên YouTube đang phát triển rực rỡ. Thậm chí không cần phải là ca sĩ thì một YouTuber bình thường cũng có thể chia sẻ sản phẩm âm nhạc của mình tới cả ngàn hay cả triệu khán giả. Và có lẽ An Coong hay Mai Anh Tài có thể gọi là những hiện tượng âm nhạc xuất thân từ YouTube. Trước khi có được thành công như hôm nay, các bạn có kỳ vọng nhiều vào việc phát triển sản phẩm âm nhạc trên YouTube không?

An Coong: Khi bắt đầu, mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một YouTuber. Khi bắt đầu đăng video lên YouTube, mục đích của mình chủ yếu là đăng video để giữ lại kỷ niệm và chia sẻ cho bạn bè, gia đình xem. Mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được biết đến nhiều như vậy. Đến giờ thì mình cố gắng làm tốt nhất trong khả năng và hy vọng được mọi người tiếp tục yêu mến.

Mai Anh Tài: Hồi mới làm YouTube thì mình chỉ đơn giản coi YouTube là nơi chia sẻ những sản phẩm mình làm đến bạn bè, người thân. Sau đó thì rất bất ngờ là Tài được nhiều người chú ý đến và đạt được những cột mốc đáng nhớ, những con số (lượt xem, lượt đăng ký) khá là ổn so với mình kỳ vọng. Hồi đầu được 10.000 người đăng ký thôi mình đã rất vui rồi.

Dù chỉ mới làm YouTube vài năm, Mai Anh Tài đã đạt được những cột mốc đáng nể

ảnh: nvcc - đồ họa: QUỳnh phương

PV: Với khán giả thì video mà họ được xem là YouTuber ngồi trong phòng mình (ôm đàn) và hát hay như An Coong là chỉ ngồi trước piano và đánh đàn. Nhưng thực sự quá trình tạo ra sản phẩm của các bạn có đơn giản như vậy hay không?

Mai Anh Tài: Thực sự khi lên video hoàn chỉnh thì trông có vẻ như rất đơn giản nhưng quá trình làm ra thì khá gian nan. Sau khi nghe bài hát thì mình phải học thuộc giai điệu; tìm hợp âm, âm giai rồi làm beat, thu âm, set góc máy sao cho đẹp nhất rồi mới quay. Để ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì thường mình mất từ 4 đến 5 ngày làm việc liên tục.

An Coong: Mình sẽ dành khoảng thời gian 2 đến 3 ngày để nghe và cảm nhận bài nhạc để ngấm giai điệu vào người và mường tượng phong cách, lên ý tưởng cho bản cover của mình. Sau khi có cấu trúc bài, mình sẽ bắt đầu thu âm và quay phim. Ban đầu, việc quay phim của mình khá đơn giản khi mình chỉ đặt máy ở một góc và bấm quay. Dần dần mình cảm thấy mình cần trải nghiệm nhiều thứ hơn và tìm hiểu thêm nhiều góc quay, dụng cụ quay khác nhau để sản phẩm sinh động hơn. Mình liên tục thử nghiệm và thay đổi để rút ra được bối cảnh, cách quay phù hợp nhất với mình. Tất nhiên mình cũng có người hỗ trợ quay phim chứ không phải là một mình làm như ngày xưa.

PV: Với hai bạn thì thu nhập từ việc làm YouTube có đủ để các bạn theo đuổi, nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật hay không? Như Mai Anh Tài là để là để đầu tư MV,.. còn An Coong là đầu tư cho cơ sở dạy piano của mình?

An Coong: Thu nhập từ YouTube là điều mà nhà sáng tạo nào cũng mong muốn và thực sự đó cũng là động lực để nhà sáng tạo tiếp tục sản xuất thêm các nội dung mới. Với riêng Ân thì thu nhập từ YouTube không phải là thứ để nuôi mình, không phải là nguồn thu cố định. Nguồn thu từ YouTube được An dành để đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm tiếp theo, cho định hướng của mình với kênh. Tuy nhiên, ngoài tiền bạc nhìn thấy được thì việc làm YouTube còn mang lại cho mình nhiều giá trị khác. Như mình thì mình có trung tâm dạy đàn, nhờ làm YouTube mà nhiều người biết đến mình và tìm đến trung tâm của mình theo học hơn. Từ đó, thu nhập của mình cũng tốt hơn.

Cả Mai Anh Tài và An Coong đều cho rằng có nhiều giá trị khác ngoài tiền bạc khi làm YouTube

ảnh: nvcc - đồ họa: QUỳnh phương

Mai Anh Tài: Ngoài giá trị vật chất mà YouTube mang lại thì việc làm nội dung trên YouTube còn mang lại các giá trị tinh thần và quảng bá hình ảnh cho mình nữa. Tiền YouTube đúng là không thể nuôi sống bản thân mình được vì 80% số tiền từ YouTube được mình tái đầu tư vào các sản phẩm tiếp theo trên kênh. Còn 20% mình để dành cho các định hướng xa hơn. Việc kiếm tiền không phải là ngày một ngày hai mà đó là kế hoạch lâu dài và với mình cũng khá lá gian nan.

Hiện mình cũng đang dành thời gian và tiền bạc để học thanh nhạc, học sáng tác và học piano để dần dần bước vào con đường ca nhạc chuyên nghiệp hơn. Dù các sản phẩm riêng của mình (các MV do chính mình sản xuất) chưa đạt hiệu quả cao như các sản phẩm cover nhưng Tài nghĩ việc có những sản phẩm như thế cũng sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới và cho khán giả thấy rằng mình thực sự đầu tư và nghiêm túc với con đường này.

An Phương - Chloe Nguyễn: Beauty blogger có cần phải đẹp? | TRỞ THÀNH NHÀ SÁNG TẠO YOUTUBE - TẬP 1

PV: Cảm ơn An Coong và Mai Anh Tài vì những chia sẻ rất hữu ích ngày hôm nay!

Trở thành nhà sáng tạo YouTube

Ảnh

“Trở thành nhà sáng tạo YouTube” là chuỗi talkshow do Báo Thanh Niên tổ chức nhằm giải đáp những thắc mắc, chia sẻ về câu chuyện nghề và thưởng thức những phút giây giải trí cùng các sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng YouTube. Các tập tiếp theo sẽ lên sóng theo khung giờ cố định lúc 20 giờ thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần trên kênh YouTube Báo Thanh Niên, fanpage Facebook Báo Thanh Niên và Thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.