Thưa ông, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) có hướng xử lý nào đối với những việc làm thiếu trách nhiệm hoặc làm sai của chấp hành viên dẫn đến ảnh hưởng quyền, lợi ích chính đáng của đương sự?
Ông Hoàng Thế Anh: Tổng cục THADS khẳng định sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của chấp hành viên nếu để án có điều kiện thi hành kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Đầu tiên, trong bất kỳ trường hợp nào đương sự cảm thấy quyền và lợi ích chính đáng của mình bị ảnh hưởng thì theo nguyên tắc hiến định tại điều 30 Hiến pháp, được cụ thể hóa tại Chương 6 của luật THADS, đương sự có quyền khiếu nại về THADS. Đây là một trong các phương thức để đương sự thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh.
Thứ hai, trong bất kỳ vụ việc nào, cơ quan THADS đều chuyển cơ quan kiểm sát kiểm sát tính hợp pháp của từng hành vi, quyết định, đảm bảo tính chính xác trong thi hành công vụ. Cơ quan THADS cấp trên phát hiện dấu hiệu sai phạm của cơ quan cấp dưới, đều chỉ đạo phải xử lý hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối đa của các bên đương sự.
Thứ ba, chúng tôi chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm đối với những sai phạm xảy ra trong quá trình thực thi công vụ. Tùy vào mức độ, tính chất của sai phạm để có hình thức xử lý tương xứng. Thời gian qua, có một số vụ việc tuy rất đau lòng nhưng qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của hệ thống đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Nguyên nhân nào dẫn đến số lượng việc và tiền chưa có điều kiện thi hành còn khá cao, thưa ông?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng việc và tiền chưa có điều kiện thi hành còn khá cao. Tại khoản 1 điều 44a luật THADS năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 quy định, các tiêu chí để xác định việc chưa có điều kiện thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp:
Thứ nhất, người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án...
Thứ hai, người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được...
Thứ ba, chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng nên cũng thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành.
Bên cạnh đó, có trường hợp tuy xác định có điều kiện thi hành nhưng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành, chỉ sau khi xử lý xong tài sản mới xác định được chính xác. Điều này lý giải vì sao cứ nói là có điều kiện thi hành nhưng thực chất chỉ là có điều kiện thi hành một phần.
Về chủ quan, cũng có trường hợp chấp hành viên phân loại chưa chính xác, nhưng tôi thấy rất hãn hữu vì đã có tiêu chí xác định cụ thể hoặc do đương sự đã có hành vi cố ý tẩu tán tài sản trước khi có bản án, quyết định của tòa án.
Vậy Tổng cục THADS có biện pháp nào để ngăn chặn cũng như khắc phục hậu quả đối với những trường hợp chấp hành viên phân loại án chưa chính xác, làm cho án chuyển kỳ sau kéo dài nhiều năm, thưa ông?
Kiểm soát, ngăn chặn sai phạm là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến THADS, thi hành án hành chính. Theo tôi, ngoài hoàn thiện thể chế, các tiêu chí thì vai trò kiểm sát hoạt động THADS của Viện KSND các cấp là cực kỳ quan trọng vì tất cả các hồ sơ THADS, việc xác định án chưa có điều kiện đều được kiểm sát chặt chẽ. Cùng với đó, công tác kiểm tra tại chỗ, kiểm tra cấp trên đối với cấp dưới cũng là biện pháp ngăn chặn. Trong vòng 3 năm qua, trong hệ thống đã có hàng nghìn cuộc kiểm tra, chưa kể công tác giám sát của các cơ quan dân cử, giám sát của chính người được, người phải thi hành án và của xã hội…
Có giải pháp nào để kéo giảm lượng án chuyển kỳ sau, nhất là đối với trường hợp án có điều kiện thi hành nhưng lại để kéo dài, không thưa ông?
Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Hệ thống THADS đã đề ra rất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả THADS, từng bước để giảm án chuyển kỳ sau. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, nhiều nút thắt, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ mới thực hiện được. Án có điều kiện nhưng có thể gặp vướng mắc do quy định pháp luật, do bản án cần có cơ chế khác, còn vướng mắc do sự không hợp tác, chống đối của đương sự cần có cơ chế khác, vướng do phối hợp thì phải có cơ chế liên quan đến phối hợp...
Từ ngày 1.10.2022 - 30.3.2023, Hệ thống THADS đã thụ lý giải quyết khoảng trên 600.000 việc. Qua thống kê, xác minh, phân loại có trên 400.000 việc có điều kiện thi hành án, trong đó đã thi hành xong trên 234.000 việc, đạt tỷ lệ hơn 50% (tăng gần 5% so với cùng kỳ). Số chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) trên 180.000 việc. Số việc chuyển kỳ sau trên 390.000 việc.
Về tiền, tổng số phải thi hành khoảng hơn 340.000 tỉ đồng. Qua thống kê, xác minh, phân loại có khoảng hơn 190.000 tỉ đồng có điều kiện thi hành án (đây không phải là con số chính xác tuyệt đối). Trong số có điều kiện, đã thi hành xong hơn 52.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ trên 26% (tăng trên 4% so với cùng kỳ) và số chưa có điều kiện (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) hơn 132.000 tỉ đồng. Số tiền chuyển kỳ sau hơn 290.000 tỉ đồng.
Trong số việc chưa có điều kiện thi hành, qua thống kê, xác minh, phân loại: án dân sự chiếm trên 50%, phần dân sự trong các vụ án hình sự trên 26%, hôn nhân và gia đình trên 8%, kinh doanh thương mại trên 7%...
Trước hết, giải pháp từ mặt thể chế. Đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Liên quan đến nội dung này cũng cần chia thành hai nhóm, một là liên quan đến pháp luật về THADS thì trước mắt, chúng tôi sẽ sửa Nghị định hướng dẫn luật THADS theo chủ trương của Chính phủ giao tại Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023 - 2028. Lâu dài, chúng tôi đang rà soát, đánh giá, tổng kết luật THADS. Thứ hai, liên quan đến các quy định pháp luật khác chúng tôi phối hợp chặt chẽ để sửa đổi bổ sung như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Đấu giá tài sản, luật Các tổ chức tín dụng…
Đối với nhóm liên quan đến tổ chức thực hiện, nếu do chủ quan của chấp hành viên, cơ quan thì quán triệt chỉ đạo nghiêm, nếu cố tình không thực hiện thì xem xét trách nhiệm.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề về lâu dài, Bộ Tư pháp đang chỉ đạo Tổng cục THADS giải quyết từ mặt nguồn nhân lực cho Hệ thống THADS. Tuy thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực tỷ lệ thi hành xong năm 2022 về việc là 82,50% với hơn 75.000 tỉ đồng nhưng lượng án chuyển kỳ sau tăng là do số thụ lý mới ngày càng tăng và theo thống kê thì từ tháng 10.2022 - 5.2023 tăng 23,36% về việc, tăng 33,79% về tiền so với cùng kỳ năm 2022. Điều này gây áp lực rất lớn lên toàn bộ hệ thống các cơ quan THADS. Do đó, thời gian tới, chúng tôi đang báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế để giải tỏa áp lực công việc cho các cơ quan địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)