Báo The Hindu dẫn thông báo cho biết đây là biến thể lâm sàng của bệnh tay chân miệng. Tính đến ngày 24.8, đã có hơn 82 trẻ em dưới 5 tuổi mắc "cúm cà chua", chủ yếu tại các bang miền nam.
Các mụn nước trên tay chân của trẻ mắc "cúm cà chua" và dấu vết sau khi lành |
Ảnh chụp màn hình The Hindu |
Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại bang Kerala vào ngày 6.5. Các bệnh nhân có triệu chứng như những bệnh do vi rút khác như sốt, mất vị giác, đau họng và đặc biệt mọc nhiều mụn nước đỏ trên da tay và chân như trái cà chua nhưng có kích thước nhỏ, nên được gọi là “cúm cà chua”.
Trong một bài viết trên chuyên san y học The Lancet Respiratory Medicine Journal ngày 17.8, các tác giả mô tả bệnh cúm này do một loại virus mới gây ra, nổi lên tại bang Kerala trong những trẻ em dưới 5 tuổi. Bài viết nói rằng đây là bệnh đặc hữu, chỉ lây lan trong khu vực giới hạn trong một thời gian nhất định.
Ấn Độ báo động vì bệnh 'cúm cà chua' bí ẩn trên trẻ nhỏ |
Các tác giả cho rằng ca đầu tiên được xác định vào ngày 6.5 nhưng một nghiên cứu của Thư viện Y học quốc gia Mỹ trên chuyên san Immunity, Inflammation and Disease hồi tháng 7 nói rằng các ca "sốt cà chua" đã được báo cáo vào năm 2007.
Sau bài đăng trên The Lancet, một nhóm bác sĩ và chuyên gia y tế có bài viết về trường hợp của 2 trẻ em có triệu chứng của "cúm cà chua" sau khi đi nghỉ hè tại Kerala vào tháng 5 và quay về Anh. Hai đứa trẻ bắt đầu phát ban trong vòng một tuần sau khi về nhà. Kết quả xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân nhiễm trùng enterovirus do Coxsackie A16, một trong những loại enterovirus phổ biến gây bệnh tay, chân, miệng tại Ấn Độ cùng với CA6.
Trong thông báo cảnh báo, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ nói rằng chưa thể xác định chính xác nguồn gốc của mầm bệnh nhưng nhấn mạnh bệnh này không liên quan đến Covid-19 hay đậu mùa khỉ. Bệnh thường lây lan ở trẻ dưới 10 tuổi nhưng cũng có thể lây sang người lớn.
Hiện chưa có thuốc đặc trị nhưng nhà chức trách nói rằng đây là bệnh tương đối lành tính, tự hết trong vài ngày. Tuy nhiên, Ấn Độ kêu gọi nên cách ly trẻ trong một tuần để tránh lây lan nếu nghi nhiễm.
Bên cạnh đó còn có các khuyến cáo như giữ vệ sinh sạch sẽ, hạn chế chia sẻ đồ chơi với trẻ không bị bệnh, tránh tiếp xúc với trẻ bị bệnh, bù nước đầy đủ cho trẻ, không làm vỡ mụn nước nếu bị bệnh, dùng nước ấm để vệ sinh da và tắm cho trẻ, cho uống paracetamol để hạ sốt, giảm đau nếu cần.
Bình luận (0)