Từ lâu, Ấn Độ có tranh chấp lãnh thổ với 2 nước láng giềng là Trung Quốc và Pakistan. Trong khi đó, quan hệ quân sự Trung Quốc và Pakistan đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo báo The Times of India, Bắc Kinh hỗ trợ Islamabad từ phát triển kho tên lửa đến đưa quân tới khu vực Kashmir do Pakistan chiếm đóng.
Vì thế, dù Trung Quốc chưa bao giờ công khai ủng hộ Pakistan trong bất cứ cuộc xung đột nào với Ấn Độ, thì Bắc Kinh, chứ chẳng phải Islamabad, luôn là mối đe dọa lớn hơn đối với New Delhi. Điều này có thể đẩy Ấn Độ đến gần hơn với Mỹ. Trong chuyến thăm Ấn Độ tuần trước, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Samuel J.Locklear III tuyên bố Washington muốn đưa quan hệ với New Delhi lên cấp độ cao hơn.
“Mối đe dọa lâu dài”
Tờ The Times of India dẫn lời một số chuyên gia nhận định Pakistan có thể tiến hành các cuộc xâm nhập vào Ấn Độ dẫn đến nguy cơ xung đột hoặc chiến tranh du kích giữa hai nước. Tuy nhiên, đánh giá về nguy cơ này, một sĩ quan quân đội Ấn Độ tự tin khẳng định New Delhi thừa sức đối phó với Islamabad. Ngược lại, ông cảnh báo: “Trung Quốc mới là mối đe dọa lâu dài thật sự. Chúng ta phải xây dựng quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, nhưng cũng phải sẵn sàng đối phó mọi tình huống”. Nhất là khi xét về sức mạnh vũ khí quy ước cũng như vũ khí hạt nhân, Trung Quốc vượt hẳn Ấn Độ.
Ngoài ra, Trung Quốc vừa phát triển cơ sở hạ tầng quân sự dọc đường biên giới dài 4.056 km với Ấn Độ, với 5 căn cứ không quân, một mạng đường sắt và 58.000 km đường bộ ở Khu tự trị Tây Tạng. Ngoài ra, Bắc Kinh còn điều động tên lửa đạn đạo tầm trung và chiến đấu cơ đến cao nguyên Tây Tạng. Đồng thời, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng thường xuyên tập trận trên bộ và trên không gần biên giới với Ấn Độ. Hơn thế nữa, tờ The Times of India gần đây đưa tin Trung Quốc “xâm phạm lãnh thổ” Ấn Độ hơn 550 lần, tính từ tháng 1.2010. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa phản ứng gì về thông tin này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương bằng cách củng cố liên kết hàng hải với các nước Seychelles, Maldives, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar và Pakistan. Vì thế, một sĩ quan quân đội Ấn Độ trên cảnh báo: “Trung Quốc có thể đang làm như thế nhằm tạo vòng vây kìm hãm Ấn Độ”.
Không để lặp lại thất bại
Giữa bối cảnh như thế, giới chức quân đội Ấn Độ thừa nhận họ không hy vọng sẽ vượt qua Trung Quốc về khí tài quân sự lẫn sức người. Tuy nhiên, họ cũng tuyên bố không để lặp lại thất bại như năm 1962. Vào năm đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã có một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngày vì tranh chấp chủ quyền. Theo chuyên trang an ninh Global Security, New Delhi thất bại trong cuộc chiến trên. Lúc bấy giờ, PLA thọc sâu vào khu vực đông bắc Ấn Độ, nhưng đơn phương rút lui sau khi chiếm khu vực Aksai Chin rộng khoảng 38.000 km2. Hiện tại, Bắc Kinh vẫn kiểm soát khu vực này, vốn được New Delhi tuyên bố thuộc bang Jammu-Kashmir của mình.
Thế nhưng, so với năm 1962, quân đội Ấn Độ giờ đây đã được trang bị tốt hơn sau hàng loạt chương trình tăng cường vũ khí lẫn nhân sự. Báo The Times of India dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bikram Singh khẳng định: “Tôi đảm bảo rằng vụ 1962 sẽ không lặp lại”. Một vị tướng khác nhận định: “Quân đội Trung Quốc có thể lớn gấp đôi chúng ta, nhưng sức mạnh của họ không thể lấn át chúng ta”. Gần đây, Ấn Độ liên tục tăng cường sức mạnh không quân ở gần biên giới với Trung Quốc để sẵn sàng ứng phó những trường hợp bất ngờ. New Delhi đã triển khai chiến đấu cơ Sukhoi-30MKI mua từ Nga, tên lửa và máy bay do thám không người lái đến khu vực trên. Ngoài ra, không quân Ấn Độ còn dự định mua 71 trực thăng vận tải chiến thuật đa dụng Mi-17 V5 của Nga. Ấn Độ cũng đang có kế hoạch phát triển một quân đoàn tấn công miền núi từ đây tới năm 2017.
Tương quan lực lượng
(Nguồn: The Times of India) |
Trung Quốc dẫn đầu chi tiêu quân sự châu Á Tổng chi tiêu quân sự của Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong năm 2011 là 224 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2000, theo báo cáo do Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ công bố ngày 15.10. Cụ thể, Trung Quốc tăng từ 22,5 tỉ USD lên 89,9 tỉ USD; Nhật từ 40 tỉ USD lên 58 tỉ USD; Hàn Quốc từ 17 tỉ USD lên 29 tỉ USD; và Đài Loan từ 8 tỉ USD lên 10 tỉ USD; Ấn Độ từ 25 tỉ USD lên 37 tỉ USD; CSIS còn dự báo rằng với tốc độ tăng như thế thì tổng chi tiêu quốc phòng của 5 nước và vùng lãnh thổ trên sẽ vượt châu Âu trong năm nay, nhưng vẫn chưa thể vượt qua Mỹ (hơn 600 tỉ USD), theo AFP. |
Văn Khoa
>> Quân đội Trung Quốc “diễu võ dương oai” với Nhật
>> Quân đội Trung Quốc khoe khoang dàn tên lửa hạt nhân
>> Thay đổi lãnh đạo quân đội Trung Quốc
>> Nhật lo ngại giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc
>> Quân đội Trung Quốc mở trang web
Bình luận (0)