Theo CNN, vì tâm lý thích con trai, Ấn Độ là một trong những nước có sự mất cân bằng giới tính cao nhất thế giới. Hiện số đàn ông ở Ấn Độ nhiều hơn số phụ nữ 43 triệu người , theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc (UN).
Sự mất cân đối đang gia tăng bất chấp lệnh cấm phá thai vì giới tính của em bé. Thậm chí ở quốc gia Nam Á, việc bác sĩ sử dụng siêu âm nhằm xác định giới tính thai nhi còn là bất hợp pháp. Dù vậy, giới phân tích cho rằng cả hai biện pháp trên đem lại rất ít sự khác biệt.
Giờ đây, Bộ Y tế Ấn Độ nhận được cam kết hạn chế quảng cáo các loại xét nghiệm có khả năng xác định giới tính thai nhi từ hãng công nghệ Microsoft, Yahoo và Google, theo Bindu Sharma, giám đốc cơ quan chẩn đoán trước khi sinh.
“Vì những yếu tố nhạy cảm gắn liền với vấn đề và để đảm bảo rằng công nghệ được dùng để hạn chế hành động không hay, chúng tôi quyết định vô hiệu hóa một số từ ngữ xuất hiện trên khung tự động đoán, hoàn chỉnh từ và hiển thị một thông điệp cảnh báo trên nhiều nội dung tìm kiếm có liên quan, để thông báo cho người dùng tính trái pháp luật của chủ đề”, một phát ngôn viên cho hay. Hai hãng Yahoo và Microsoft hiện chưa bình luận gì.
Hiện không rõ biện pháp kỹ thuật trên có hiệu quả đến mức nào. Trong những năm gần đây, tòa án Ấn Độ buộc nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cấm tất cả các kết quả với thông tin về lựa chọn giới tính em bé, không chỉ gói gọn trong quảng cáo.
Hiện trạng mất cân bằng giới tính tiếp tục cho thấy sở thích sinh bé trai tồn tại nhiều tại Ấn Độ, còn những lệnh cấm về nạo phá thai do giới tính và siêu âm - cả hai đều được thực hiện từ cách đây hai thập niên - không có kết quả. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự mất cân bằng giới tính có thể để lại hậu quả sâu sắc, chẳng hạn như vấn đề gia tăng tội phạm, tấn công tình dụng và bạo lực với phụ nữ.
Năm 2015, UN từng cho biết ngay cả sau khi ra đời, các bé gái vẫn chịu sự thiệt thòi lớn: “Tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em gái có thể liên quan chặt chẽ đến sở thích có con trai chung ở Ấn Độ, thể hiện trong việc đối đãi đặc biệt với bé trai trong vấn đề dinh dưỡng, tiêm chủng, tiếp cận với y tế và tiếp nhận sự chăm sóc từ cha mẹ”.
Bình luận (0)