“Công nghệ sinh trắc không giấy” vừa được triển khai ở sân bay Bengalura, Ấn Độ hồi tuần này, giúp nhận dạng khuôn mặt của hành khách khi họ thực hiện thủ tục thông quan. Một sân bay khác ở thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ, dự kiến sẽ triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong tháng này.
Các hãng hàng không, sân bay và các công ty phát triển phần mềm hứa hẹn công nghệ có tính bảo mật và hiệu quả cao hơn, nhưng các nhà phân tích công nghệ và chuyên gia về quyền riêng tư nói rằng lợi ích không rõ ràng, trong khi quyền riêng tư bị xâm phạm và người dân bị giám sát nhiều hơn.
Điều này đặc biệt đúng với Ấn Độ, nước không có luật bảo vệ dữ liệu hoặc khung giám sát điện tử, luật sư Vidushi Marda, phát biểu.
"Việc triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt về cơ bản có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với dữ liệu về bạn", bà Marda nói với Reuters ngày 25.7.
Tòa tối cao Ấn Độ, trong một phán quyết mang tính bước ngoặt hồi năm 2017 đối với chương trình thẻ sinh trắc học quốc gia, nói rằng quyền riêng tư cá nhân là quyền cơ bản.
“Tuy nhiên, phán quyết chưa đóng góp nhiều vào việc kiểm tra việc áp dụng các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, mà về cơ bản đi ngược lại với hiến pháp và các nguyên tắc công lý hình sự", bà Marda nói thêm.
Trên thế giới, sự phát triển của công nghệ đám mây điện toán và trí tuệ nhân tạo đã phổ biến việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt cho một loạt các ứng dụng từ theo dõi tội phạm đến đếm học sinh trốn học.
Sân bay Changi của Singapore đang xem xét sử dụng các hệ thống nhận dạng khuôn mặt để tìm kiếm hành khách trễ chuyến. Nước này cũng có kế hoạch lắp đặt camera và cảm biến trên hơn 100.000 cột đèn. Nhà ga mới nhất của Changi, T4, đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở khu vực check in, gửi hành lý, kiểm tra an ninh và lên máy bay.
Nhưng các nhà phê bình nói rằng công nghệ này có vấn đề trong việc xác định phụ nữ có làn da sẫm màu hoặc những người thuộc dân tộc thiểu số.
Bình luận (0)