Khiếu nại… từ lúc tóc còn xanh đến khi đầu hai thứ tóc
Theo hồ sơ, ông Nguyễn Ngọc Đồng (67 tuổi) có 312 m2 đất tại Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM), nằm cuối đường cụt và liền kề với thửa đất của bà Trần Thị Phép. Theo ông, ban đầu lối đi chung của hai nhà có chiều rộng khoảng 4 m (theo tài liệu 299/TTg). Năm 2000, bà Phép làm rào kẽm bít lối đi chung, ông yêu cầu tháo dỡ nhưng bà không chịu nên ông làm đơn khiếu nại.
Ông Đồng bên dãy nhà trọ của bà Phép, cuối con đường là nhà của ông |
Ngân Nga |
Đến năm 2008 - 2009, gia đình bà Phép xây căn nhà tạm để chứa phế liệu và cổng rào lớn trên lối đi chung, một năm sau (tức năm 2009), bà Phép xây dãy nhà trọ, lúc này ông Đồng cho rằng việc này đã làm con đường bị hẹp lại còn khoảng một nửa, chiều ngang ở đầu đường chỉ còn 2,2 m, bề ngang cuối đường còn 1,93 m.
Năm 2015, UBND Q.Thủ Đức có văn bản giao cho UBND P.Linh Trung vận động gia đình bà Phép tự tháo dỡ cổng rào, tạo lối đi thông thoáng nên bà đã chấp hành.
Giữa năm 2016, UBND quận có văn bản trả lời ông rằng: “Việc phục hồi lối đi theo tài liệu 299/TTg theo kiến nghị của ông Đồng không thực hiện được do các hộ dân không đồng ý”...
Ông Đồng tiếp tục khiếu nại. Thế nhưng cuối tháng 11.2017, UBND Q.Thủ Đức lại ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại với lý do “ông Đồng đề nghị có văn bản trả lời và có hướng dẫn cụ thể về thủ tục tranh chấp lối đi chung”.
Hết cách, ông Đồng đành khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy văn bản mà Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức trả lời về việc xử lý đơn của ông và hủy quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại; buộc UBND quận giải quyết khiếu nại về yêu cầu cưỡng chế đòi lại lối đi chung.
Xử sơ thẩm hồi tháng 8.2020, TAND TP.HCM nhận định, lối đi chung là đất công cộng, do nhà nước quản lý nên UBND Q.Thủ Đức không thể căn cứ vào ý kiến của các hộ dân. Ông Đồng đề nghị UBND quận giải quyết khiếu nại bằng văn bản và không rút đơn khiếu nại nên việc ủy ban đình chỉ giải quyết khiếu nại là không đúng theo điều 10 luật Khiếu nại.
Từ đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đồng, buộc UBND quận và Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức phải thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật.
Thắng kiện, ông Đồng yêu cầu UBND quận tự nguyện thi hành bản án nhưng không thành. Cuối tháng 3.2022, TAND TP.HCM ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với UBND TP.Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và phải thi hành án ngay sau khi nhận được quyết định. Chủ tịch UBND TP.HCM có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Ngày 21.9, Cục THADS TP.HCM có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo, đôn đốc việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ngay sau đó, ngày 30.9, Sở Tư pháp TP.HCM cũng có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức “khẩn trương tổ chức thi hành bản án”...
Ôm chiếc cặp cũ đầy ắp hồ sơ dày theo năm tháng, ông Đồng cho biết để gia đình không bị mất lối đi, ông đã mất 22 năm gõ cửa cầu cứu khắp nơi. “Từ lúc tóc còn xanh, giờ đầu đã hai thứ tóc”, ông Đồng thất vọng. Cả hai vợ chồng chỉ buôn bán những đồ lặt vặt ở chợ gần nhà, được ít tiền họ lại gom góp gửi đơn thư, chi phí đi lại để khiếu nại, hầu tòa và thuê luật sư…
Bắt đầu từ năm 2012, vợ chồng ông và gia đình người con trai dọn về đây ở trong căn nhà tạm và đang đi nhờ lối đi của nhà người thân. Nhiều năm nay, gia đình ông không đi chung với gia đình nhà bà Phép. Ông lo lắng, hiện nhà người thân đang cho người khác thuê mặt bằng làm nhà hàng nên không biết sắp tới sẽ như thế nào.
Ông Đồng đã gửi đơn rất nhiều nơi, nay gần 70 tuổi mà cũng không biết phải chờ chính quyền địa phương bao lâu nữa. “Tôi quá mệt mỏi để theo đuổi vụ này, chỉ mong UBND TP.Thủ Đức sớm giải quyết lối đi chung để gia đình yên tâm ổn định cuộc sống, có thời gian nuôi dạy các cháu học hành”, ông Đồng bức xúc.
PV Thanh Niên rất nhiều lần liên lạc với UBND TP.Thủ Đức để tìm hiểu lý do việc chậm trễ thi hành bản án nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này. Còn Cục THADS TP.HCM xác nhận, UBND TP.Thủ Đức vẫn chưa thi hành xong bản án.
Gần 8 năm đi đòi lại hai thỏi vàng
Năm 2013, anh Dương Toàn Sang (33 tuổi, ngụ Q.4) đang đi ăn sáng cùng bạn thì bị Công an Q.5 (TP.HCM) kiểm tra hành chính. Do trong cốp xe máy của anh Sang có hai thỏi vàng 99,99% không có hóa đơn, chứng từ nên bị lập biên bản.
Tháng 3.2014, anh Sang bị Chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt 87,5 triệu đồng và tịch thu hai thỏi vàng về hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định. Anh khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM hủy quyết định trên vì cho rằng hai thỏi vàng có nguồn gốc do ông bà để lại, anh chỉ mang đi gia công chứ không có mục đích kinh doanh.
Năm 2015, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của anh Sang nên anh kháng cáo. Tháng 5.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tháng 9.2017, TAND TP.HCM ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với Chủ tịch UBND TP.HCM. Do UBND TP.HCM chậm thi hành bản án nên tháng 10.2018, Cục THADS TP.HCM đề nghị Tổng cục THADS kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với UBND TP.HCM (theo khoản 5 điều 14 và điểm b khoản 1 điều 35 Nghị định 71/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa). Từ đó, Tổng cục đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thế nhưng năm 2019, UBND TP.HCM lại có công văn đề nghị Viện trưởng Viện KSND TP.HCM thông báo đến Viện KSND tối cao, TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm để: “Giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm…”.
Đại diện theo ủy quyền của anh Sang cho biết, dù bản án đã có hiệu lực pháp luật 5 năm nay nhưng anh Sang vẫn chưa được nhận lại 2 thỏi vàng. Anh Sang đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần đến các cơ quan chức năng, nhưng chưa được giải quyết. Để bám trụ được ở TP.HCM, anh đang làm lao động tự do. Ngoài việc gửi đơn đều đặn, anh cũng không biết phải làm gì. Nhiều lúc, anh tính buông luôn nhưng cuộc sống còn thiếu trước, hụt sau nên anh lại tiếp tục kiên trì đeo bám. Thời gian gần đây, anh Sang không còn nhận được bất cứ thông tin gì về việc chấp hành bản án.
“Do cần tiền xoay xở công việc nên gia đình anh Sang phải thế chấp căn nhà đang ở, trong khi đó thời điểm này, 2 thỏi vàng có trị giá khá lớn. Chúng tôi không thể hiểu nổi, bản án đã có hiệu lực pháp luật mà vẫn không được thi hành. Nếu các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục im lặng, chúng tôi biết kêu ai đây?”, người đại diện theo ủy quyền của anh Sang nói.
Theo Cục THADS TP.HCM, bản án vẫn chưa được thi hành xong.
Liên quan vụ việc này, ngày 14.12, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi đến Công an TP.HCM (chủ trì) và Sở Tư pháp yêu cầu hai đơn vị này phối hợp rà soát, phúc đáp nội dung Báo Thanh Niên đề cập. (còn tiếp)
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Phó trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), bản án đã có hiệu lực thì phải được các tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành.
Đối với trường hợp của anh Dương Toàn Sang, theo điều 261 luật Tố tụng hành chính thì cho dù UBND TP.HCM có đơn đề nghị giám đốc thẩm cũng không thuộc trường hợp được hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án. Nếu UBND TP.HCM không thi hành án thì Tổng cục THADS báo cáo lên Bộ Tư pháp để Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào điều 35 Nghị định 71/2016/NĐ-CP tiến hành xử trách nhiệm…
Bình luận (0)