Án hành chính chậm thi hành: Dân mòn mỏi chờ đợi...

19/12/2022 07:30 GMT+7

Tính đến ngày 30.9, cả nước mới chỉ thi hành xong 429/992 quyết định, bản án hành chính của tòa.

Mặc dù Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) và Bộ Tư pháp đã có 136 kiến nghị đề nghị xử lý trách nhiệm cơ quan hành chính chậm thi hành bản án, nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tính nghiêm minh của pháp luật.

Vợ chồng ông Ẩn khóc hết nước mắt, chỉ mong sớm nhận được tiền bồi thường để lo cho con cháu điều trị bệnh tật

Ngân Nga

80 tuổi vẫn phải tiếp tục chờ!

Năm 2008, bà Nguyễn Thị Trường (80 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) bị UBND Q.2 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) thu hồi hơn 3.800 m2 đất tại P.Thảo Điền do nằm trong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2). Năm 2009, bà Trường bàn giao đất cho nhà nước để thực hiện dự án nhưng mới chỉ nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với hơn 2.300 m2. Phần đất hơn 1.500 m2 còn lại do nằm trên hành lang tuyến ống nước nên dù đã bàn giao, bà Trường vẫn chưa được bồi thường vì còn chờ hướng dẫn của UBND TP.HCM.

Những tưởng thắng kiện là có thể kết thúc vụ án dài đằng đẵng, vậy mà giờ đây tôi vẫn phải vừa mưu sinh vừa tranh thủ đi gõ cửa các cơ quan.

Ông Trần Hữu Trọng, 47 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức

Ba năm sau, Chủ tịch UBND Q.2 ra quyết định bồi thường bổ sung cho bà Trường hơn 237 triệu đồng đối với phần đất còn lại. Cho rằng UBND Q.2 chậm ban hành quyết định bồi thường, áp giá bồi thường không đúng, bà Trường khiếu nại. Đến năm 2014, UBND Q.2 bổ sung mức bồi thường lên gần 11,5 tỉ đồng. Vẫn không đồng ý, bà Trường khởi kiện UBND Q.2 và Chủ tịch UBND quận này ra tòa.

Phần đất của bà Trường bị thu hồi để phục vụ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2)

NGÂN NGA

Tại phiên xử sơ thẩm tháng 7.2018 của TAND Q.2, bà Trường yêu cầu phía người bị kiện phải tính tiền lãi trong thời gian UBND Q.2 chậm trễ ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ.

Theo tòa, việc bà yêu cầu phải cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ tháng 9.2009 cho đến ngày tòa xử sơ thẩm là có căn cứ. Từ đó, tòa chấp nhận một phần khởi kiện, tuyên hủy các quyết định liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung đối với bà Trường và buộc UBND Q.2 phải thực hiện hỗ trợ lại.

Sau đó, UBND Q.2 và Chủ tịch UBND quận này kháng cáo.

Giữa năm 2019, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm, buộc UBND Q.2 có trách nhiệm tiếp tục bồi thường, hỗ trợ thêm phần tiền lãi suất do chậm bồi thường tính từ tháng 3.2011 - 9.2014. Không đồng ý với phán quyết của cấp phúc thẩm, bà Trường khiếu nại giám đốc thẩm.

Giữa năm 2021, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị tòa cùng cấp hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tháng 9.2021, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.

Ngay sau đó, bà Trường gửi đơn yêu cầu UBND TP.Thủ Đức thi hành bản án nhưng không được giải quyết nên bà lại tiếp tục gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Ở tuổi 80, mắt đã mờ, đi lại khó khăn, do đó con trai bà là ông Trần Hữu Trọng (47 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) thay mẹ bảo vệ quyền lợi, ròng rã khiếu nại, khởi kiện suốt 11 năm qua.

Ban đầu, ông Trọng mang hồ sơ ra tiệm thuê người đánh máy, photo, sau dần thấy tốn kém quá và cũng để tiết kiệm thời gian, ông đành phải mua máy photo về nhà. Đến nay, ông không thể nhớ nổi đã gửi bao nhiêu đơn từ tới cơ quan có thẩm quyền ở TP.HCM và cả ra ngoài trung ương, chỉ biết hồ sơ chất đầy nhà theo năm tháng. Dù không phải dân luật, nhưng mày mò riết rồi ông rành luôn từng quy định của điều, khoản luật, mỗi khi mở hồ sơ.

Theo ông Trọng, khi nhà nước thu hồi đất, gia đình chấp hành đúng quy định pháp luật nhưng bản án có hiệu lực pháp luật cả hơn năm nay mà ủy ban vẫn chưa tự nguyện thi hành án. “Những tưởng thắng kiện là có thể kết thúc vụ án dài đằng đẵng, vậy mà giờ đây tôi vẫn phải vừa mưu sinh vừa tranh thủ đi gõ cửa các cơ quan. Mẹ tôi đã 80 tuổi rồi, UBND TP.Thủ Đức còn muốn bà chờ đến bao giờ?”, ông Trọng bức xúc.

Để tìm hiểu lý do chậm trễ thi hành án, PV Báo Thanh Niên đã liên hệ UBND TP.Thủ Đức nhưng chưa nhận được phản hồi. Hôm 24.11, TAND TP.Thủ Đức đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với UBND TP.Thủ Đức. Theo quy định, Chủ tịch UBND TP.HCM có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm của UBND TP.Thủ Đức.

“Chắc phải bán nhà để lo thuốc thang cho con cháu”

Một trường hợp khác, ông Phạm Văn Ẩn (73 tuổi, ngụ Q.8) bị thu hồi hơn 1.100 m2 đất ở H.Bình Chánh (TP.HCM) do nằm trong dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Kinh tế tại khu chức năng số 15 - Khu đô thị mới Nam TP.HCM. Năm 2016, UBND H.Bình Chánh ra quyết định chi bồi thường, hỗ trợ ông Ẩn hơn 100 m2 đất, tương đương 130 triệu đồng.

Ông Ẩn khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM buộc UBND H.Bình Chánh phải hỗ trợ bồi thường hơn 1.000 m2 đất theo đơn giá đất nông nghiệp trồng cây hằng năm (khoảng hơn 1,3 tỉ đồng).

Đầu năm 2021, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện của ông Ẩn, hủy một phần quyết định của UBND H.Bình Chánh, buộc cơ quan này phải ban hành quyết định bổ sung bồi thường, hỗ trợ cho ông.

UBND H.Bình Chánh kháng cáo. Tháng 11.2021, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Sau đó, ông Ẩn gửi đơn yêu cầu cơ quan này thi hành bản án nhưng không có kết quả. Giữa tháng 9.2022, TAND TP.HCM ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với UBND H.Bình Chánh. Cuối tháng 10.2022, Cục THADS TP.HCM có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án.

Tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM hồi tháng 11.2022, ông Lê Minh Đức (Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM) đã yêu cầu Cục THADS TP.HCM báo cáo về vụ án. Theo đó, lãnh đạo Cục cho biết, ngày 16.11, UBND H.Bình Chánh đã ra quyết định về hỗ trợ bổ sung và hỗ trợ đất đối với ông Ẩn với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.

Ông Ẩn cho hay đã nhận được quyết định trên, tuy nhiên cán bộ nói vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa mới được nhận tiền.

Vợ chồng ông Ẩn nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đang phải nuôi con trai bị bệnh thần kinh, cháu nội 11 tuổi chậm phát triển trí não, cháu ngoại là sinh viên cũng đang nhập viện vì căn bệnh có khối u ở đầu. Đất bị thu hồi, giờ cả hai vợ chồng tuổi cao, không làm gì ra tiền nên cả gia đình chỉ còn biết trông chờ vào tiền bồi thường để điều trị bệnh cho con, cháu.

Cứ mỗi lần nhắc về tiền thuốc cho con cháu, vợ ông Ẩn lại ôm mặt khóc: “Bao nhiêu tiền tích cóp dưỡng già của chúng tôi đều lo bệnh tật cho con, cháu nhưng nhiêu đó chưa đủ. Chúng tôi không thể chờ UBND H.Bình Chánh thêm được nữa, chắc tôi phải treo biển bán nhà quá!”. (còn tiếp)

Không thi hành án, có thể bị kỷ luật

Theo LS-TS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên Thẩm phán TAND tối cao, đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Trường, sau khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa, Chi cục THADS TP.Thủ Đức sẽ có trách nhiệm theo dõi bản án. Nếu UBND TP.Thủ Đức vẫn chưa thi hành bản án thì Chi cục phải báo cáo lên Cục THADS TP.HCM. Khi đó, cục này sẽ căn cứ vào điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP (quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa) kiến nghị lên Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét xử lý trách nhiệm của UBND TP.Thủ Đức về việc chậm hay không thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, căn cứ vào điều 21, 22, 23, 24, 25 và điều 26 Nghị định 71, người phải thi hành án có thể bị xử lý kỷ luật ở các mức độ như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.