Phải có chế tài xử lý cho nghiêm
Sáng 13.9, tiếp tục phiên họp 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm, thi hành án và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề cập các tồn tại trong giải quyết các vụ án hành chính, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong tham gia giải quyết vụ án, thi hành các bản án hành chính đã được tòa tuyên.
"Vấn đề này năm nào cũng nói. Bây giờ liên hệ giữa tư pháp và hành chính thế nào? Các chế tài xử lý về hành chính thế nào khi người đứng đầu các cơ quan hành chính không phối hợp với các cơ quan tư pháp? Trong luật có chưa, trong các nghị định có chưa, nếu chưa có thì phải tăng cường. Nghĩa là phải chế tài đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính không phối hợp, thậm chí không cung cấp thông tin và khi thi hành án là không tự giác thi hành án. Việc đấy phải có chế tài xử lý cho nghiêm", ông Phương kiến nghị.
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, án hành chính là vấn đề rất khó, rất phức tạp.
Ông Tiến cho hay, viện KSND các cấp đã ban hành 104 kiến nghị với UBND cấp tỉnh, trong đó Viện KSND tối cao ban hành 27 kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Tuy nhiên, theo ông, các UBND cũng khó khăn vì các vụ án là hậu quả tồn tại lâu dài liên quan tới đất đai, đặc biệt là việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất trong giải quyết các vụ án hành chính là sự phối hợp của các cơ quan hành chính - bị đơn trong các vụ án.
"Đơn giản nhất, bây giờ bắt chủ tịch các địa phương ra tòa, ví dụ Hà Nội, TP.HCM suốt ngày ra tòa thì không còn thời gian làm việc gì khác. Đây cũng là những vấn đề chúng tôi thấy thực sự khó khăn, vướng mắc", ông Tuệ nói, cho rằng, để giải quyết vấn đề án hành chính cần đồng bộ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa nhận, vấn đề thi hành án hành chính còn nhiều tồn tại, khó khăn.
"Với trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ để có những biện pháp đổi mới hơn, quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính", Bộ trưởng Tư pháp nêu.
Số vụ án hành chính tồn đọng ngày càng tăng
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, năm 2024, các vụ án hành chính được thụ lý 12.464 vụ, tăng 727 vụ; tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 52,98% (tăng 3,44%).
Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, TAND tối cao đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo tòa án các cấp khắc phục được một số tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án hành chính. Công tác đối thoại trong giải quyết án được coi trọng.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết án và tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội giao.
Về thi hành án hành chính, Ủy ban Tư pháp đánh giá, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thi hành án hành chính, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính ở địa phương.
Trong kỳ báo cáo (1.10.2023 - 31.7.2024), các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đã thi hành xong 667/1.754 bản án, quyết định (tăng 244 bản án, quyết định so với cùng kỳ). Các tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính 579 bản án. Cơ quan THADS tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 1.271 bản án, đăng tải công khai 547 quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 127 bản án.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm, kết quả thi hành án hành chính mới chỉ đạt 38,02%. Số vụ án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng.
Ủy ban Tư pháp cũng dẫn chứng, số việc chưa thi hành xong trong 10 tháng 2020 là 472 việc; 10 tháng 2021 là 505 việc; 10 tháng năm 2022 là 586 việc; 10 tháng năm 2023 là 777 việc; 10 tháng 2024 là 1.069 việc.
Đáng lưu ý, nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án.
Mặc dù cơ quan thi hành án đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành án hành chính và Ủy ban Tư pháp cũng nhiều lần kiến nghị Chính phủ, nhưng đến nay cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện được việc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không chấp hành án hành chính.
Bình luận (0)