Chậm thi hành án hành chính 'ảnh hưởng lớn đến kỷ cương, phép nước'

22/08/2024 16:35 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội, tình trạng chậm thi hành án hành chính kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, chậm được khắc phục, ảnh hưởng lớn đến kỷ cương, phép nước.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 21 - 22.8, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới tình trạng chậm thi hành án hành chính - câu chuyện được đưa ra bàn luận nhiều lần nhưng dường như vẫn chưa có đáp án triệt để.

Chậm thi hành án hành chính 'ảnh hưởng lớn đến kỷ cương, phép nước'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

ẢNH: GIA HÂN

Ảnh hưởng kỷ cương, phép nước

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn báo cáo cho thấy tỷ lệ chưa thi hành án hành chính hiện nay còn cao. Vậy đâu là nguyên nhân, giải pháp nào trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đưa ra hàng loạt con số: năm 2023, tòa án các cấp ban hành 571 quyết định, 6 tháng đầu năm 2024 là 107 quyết định buộc thi hành án hành chính. Các cơ quan thi hành án dân sự cũng ban hành 135 kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp không chấp hành án hành chính.

Tình trạng trên kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, chậm được khắc phục, ảnh hưởng lớn đến kỷ cương, phép nước.

Có rất nhiều bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành, trong đó không ít bản án người phải thi hành là chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí có những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án dứt điểm.

Theo ông Tạo, bất cập nằm ở việc xác định trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành án hành chính còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức. "Đây là vấn đề cử tri hết sức lo lắng", vị đại biểu đoàn Lâm Đồng nói.

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2024 đã thi hành xong 667/1.700 bản án, quyết định hành chính, tăng 244 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy vậy, ở một số địa phương, nhiều bản án tồn đọng vẫn chưa xử lý được, tập trung chủ yếu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP.HCM, Lâm Đồng, Kiên GiangHà Nội.

Về nguyên nhân, Phó thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận một số đơn vị còn "chưa có thái độ đúng" đối với việc tham gia tố tụng và thi hành án hành chính, cùng đó là sự nể nang giữa các cơ quan trong các tỉnh và các đơn vị hành chính.

Để chấm dứt tình trạng trên, Bộ Tư pháp sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật, tăng cường phối hợp với TAND tối cao trong công tác kiểm tra…

Theo Phó thủ tướng, tổ chức thi hành án hành chính trước hết phải gắn liền với trách nhiệm công vụ. Do đó, người đứng đầu phải phát huy trách nhiệm công vụ, coi đây là một sức ép, khiến mình tự làm, như vậy tình hình sẽ tốt hơn.

Chậm thi hành án hành chính 'ảnh hưởng lớn đến kỷ cương, phép nước'- Ảnh 2.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

ẢNH: GIA HÂN

Sẽ sửa luật và nghị định

Cùng quan tâm về án hành chính, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) phản ánh việc tham gia tố tụng của chủ tịch UBND hoặc người được ủy quyền chưa được thực hiện nghiêm túc.

Nhiều vụ việc người bị kiện là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ…

Vị đại biểu đoàn Bắc Giang dẫn thông tin Bộ Tư pháp đang phối hợp tham mưu hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Vậy, lộ trình hoàn thiện là như thế nào?

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, khi Quốc hội xem xét thông qua luật Tố tụng hành chính năm 2015, Chính phủ từng báo cáo rằng có nên bắt buộc lãnh đạo UBND tham gia tố tụng hành chính hay không.

Một tỉnh thông thường có 1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch, thành phố lớn có thể 4 - 5 phó chủ tịch, như vậy là rất khó tham gia tất cả các vụ việc, vụ án hành chính. "Vấn đề này Chính phủ đã báo cáo thuyết phục nhưng Quốc hội không chấp thuận", ông Long cho biết.

Để khắc phục, Phó thủ tướng nói, rất nhiều các biện pháp đã được đưa ra, gồm báo cáo trước Quốc hội, thảo luận trong Chính phủ, thảo luận với các địa phương.

Cách đây 2 năm, số liệu thống kê là khoảng 25% lãnh đạo cấp tỉnh tham gia vào tố tụng, bây giờ con số này là gần 40%. "Như vậy, các biện pháp chúng ta thảo luận như thế này, đăng công khai cũng có tác dụng, nay mai lại tiếp tục sửa đổi, bổ sung luật Tố tụng hành chính thì Chính phủ, các cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục có báo cáo Quốc hội xem xét, xử lý vấn đề này như thế nào cho phù hợp", Phó thủ tướng nói.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất sửa đổi luật Tố tụng hành chính năm 2015; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2016 để theo dõi thi hành án hành chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.