An lòng người ở lại

20/11/2021 05:24 GMT+7

Tối qua (19.11), các hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 được tổ chức trang nghiêm tại Hội trường Thống nhất (TP.HCM) và các điểm cầu.

Tham dự tại TP.HCM có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, TP.HCM, các tỉnh lân cận, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tôn giáo, các đơn vị, lực lượng tham gia phòng chống dịch, đại diện thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19…

Lẵng hoa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi, tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19

Ngọc Dương

Làm dịu nỗi day dứt

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Đỗ Văn Chiến thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ VN bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong do đại dịch Covid-19; nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng. Ông Chiến cho biết, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”.

Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình. Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, Tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh, trong đó hàng trăm người đã hy sinh. Dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm nên đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 23.000 đồng bào tử vong và hy sinh.

Thả hoa đăng tưởng nhớ nạn nhân Covid-19: Mong người đã khuất yên nghỉ

Sáng 19.11, tại chùa Minh Đạo (P.9, Q.3) đã diễn ra lễ tưởng niệm người mất vì Covid-19 theo nghi thức Phật giáo. Tối cùng ngày, dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người dân tập trung rất đông để tham gia hoạt động tưởng niệm, xem nghi thức thả hoa đăng. Tại khu vực chùa Pháp Hoa, hoạt động chuẩn bị diễn ra từ 17 giờ để 18 giờ 30 phút chính thức làm lễ tưởng niệm. Tại Q.5, lễ tưởng niệm người mất vì Covid-19 diễn ra từ 20 giờ đến 21 giờ tại Công viên Văn Lang. Từ 20 giờ trở đi, tại kênh Tàu Hủ, khu vực cầu bộ hành số 9, Ủy ban MTTQ VN Q.5 và các đoàn thể chủ trì nghi thức thả đèn hoa đăng...

“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối. Nhiều gia đình có 2 - 3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót”, ông Chiến chia sẻ với nỗi đau chung của các gia đình, đồng thời cho biết đại dịch đã khiến hơn 2.600 trẻ em lâm vào cảnh mồ côi.

Cũng theo ông Chiến, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra ác liệt, nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội. Do đó, Ủy ban T.Ư MTTQ VN phối hợp với TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm để tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát, dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa.

Sau đó, trong tiếng nhạc hồn tử sĩ, các đại biểu dành một phút tưởng niệm đến những người đã khuất và thực hiện nghi thức tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Nhân dân TP.HCM tại lễ tưởng niệm

Không chủ quan, lơ là

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Đỗ Văn Chiến mong các gia đình có thân nhân mất vì đại dịch Covid-19 nén đau thương, vượt qua sự mất mát quá lớn để trở lại cuộc sống bình thường, trong điều kiện mới. Đối với các cháu bị mất cha mẹ, Đảng và Nhà nước, bà con lối xóm, họ hàng thân thích, sẽ đồng hành cùng với các cháu trên con đường bước vào đời để bù đắp một phần về tinh thần và vật chất. Ông Chiến nhìn nhận, đến nay, nước ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nỗ lực cao nhất để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh để lại. Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN kêu gọi mọi người dân đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng. Mọi nhà, mọi người chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự buổi lễ tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất, TP.HCM

Trong không khí trang nghiêm, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại phía nam, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh lân cận cùng các chức sắc tôn giáo… thực hiện nghi thức tưởng niệm.

Hưởng ứng lễ tưởng niệm, các chùa, nhà thờ trên địa bàn TP.HCM đồng loạt đổ chuông; tàu thuyền, sà lan neo đậu tại các bến cảng kéo hồi còi còn người dân tắt đèn, thắp nến ở trong nhà và không gian sinh hoạt chung.

Covid-19 sáng 20.11: Cả nước 1.075.094 ca | Nén tâm nhang tưởng nhớ hơn 23.000 cuộc đời dang dở

Tại điểm cầu Công viên Thống Nhất (Hà Nội) có gần 300 đại biểu tham dự lễ tưởng niệm. Tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), sau hồi chuông khai lễ, hòa thượng Thích Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, chủ trì buổi lễ cùng hàng chục phật tử tụng kinh cầu siêu tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19. Sau 1 phút tưởng niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận T.Ư, và các đại biểu đã thắp hương, thực hiện nghi lễ tưởng niệm.

Tại khu vực Hồ Gươm, từ 20 giờ 30, đèn chiếu sáng Tháp Rùa được tắt, toàn bộ hệ thống chiếu sáng cầu Thê Húc và đèn trang trí quanh hồ cũng được tắt trong 10 phút.

Tại Bình Dương đúng 20 giờ ngày 19.11, tiếng chuông chùa, nhà thờ vang lên, ánh đèn trong nhà người dân, những ngôi nhà cao tầng vụt tắt… Tại Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng hàng trăm người là thân nhân các nạn nhân đã tử vong do Covid-19 đã thực hiện 1 phút mặc niệm, tưởng nhớ các nạn nhân. Tại nhà thờ Thánh Giuse (thành phố mới Bình Dương) đã tổ chức lễ cầu nguyện và đổ chuông tưởng niệm. Tại chùa Hội An (thành phố mới Bình Dương), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Bình Dương cũng đã tiến hành lễ cầu siêu và thắp 2.600 ngọn nến tưởng niệm.

Mai Thu - Đỗ Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.