Mèn mén ăn chậm rãi, từ từ, càng nhai càng thấy vị ngọt của ngô lan tỏa nơi đầu lưỡi. Người ta có thể chan mèn mén với thắng cố, canh rau rừng.
>> Thắng cố - món ngon chợ phiên Đồng Văn
>> Khau nhục - món ngon độc đáo của người Sán Dìu
|
1. Con đường từ thành phố Hà Giang dẫn lên thị trấn Đồng Văn khúc khuỷu, chiếc xe khách 24 chỗ đỏng đảnh chốc chốc lại dừng đánh khực lại một cái rồi mới rú ga lên, đi tiếp.
Ngủ một giấc, nhìn ra ngoài ô cửa kính đã thấy toàn núi đá là núi đá. Đá tai mèo đấy. Lởm chởm. Nhọn hoắt. Xám xịt. Rất may đang là mùa xuân, hoa cải vàng quyến rũ cứ nở từng thảm xen giữa lưng chừng núi. Đẹp đến nao lòng.
Ông xe ôm chở tôi đi từ thị trấn Đồng Văn tới xã Khâu Vai là người gốc Sơn La, đến định cư ở Hà Giang từ những năm 1960. Thế mà tiếng Mông ông nói như tiếng mẹ đẻ, văn hóa, phong tục người Mông cũng đủ tầm giúp ông kiếm thêm không ít tiền nhờ dẫn khách Sài Gòn, Hà Nội muốn khám phá Hà Giang.
2. “Mèn mén phải làm từ ngô của đồng bào Mông, trồng trên núi đá này này. Bắp ngô to, hạt vàng đều, mẩy, luộc không ăn cũng thấy ngọt lừ. Vị ngọt đậm đà lắm, ngô dưới xuôi còn thua xa”, người đồng hành chỉ tay ra những triền núi đá tai mèo đang mờ mờ hơi sương.
Thường thì bà con người Mông trồng ngô sau khi ăn Tết xong. Mỗi một hốc đá lại cho xuống 3 hạt ngô, nếu 1, 2 hạt có lỡ hỏng vẫn còn những hạt còn lại, chúng gặp mưa xuân và cứ thế nảy lên, vươn cao, ra bắp, bất chấp sương lạnh hay nắng gắt.
Để làm mèn mén, bắp ngô sau khi bẻ trên nương về sẽ được phơi khô, sau đó tách riêng từng hạt, làm sạch “mày” ngô (phần dính giữa hạt ngô và lõi ngô). Người ta sẽ nghiền ngô thành bột mịn (tên gọi mèn mén cũng có nghĩa là bột ngô). Bột ngô được vẩy nước, trộn đều, cho lên hấp cách thủy trong một chiếc xửng hấp độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Chiếc xửng này hoặc là ống tre, hoặc được đục từ thân gỗ, thông 2 đầu. Ở giữa ống đặt một chiếc rá tre. Cho xửng lên chiếc chảo đã đổ lưng chừng nước, đun sôi trên bếp lửa lớn. Nước sôi, người ta cho bột ngô lên, đậy nắp kín lại, chờ bột ngô chín.
Mèn mén phải được hấp 2 lần. Sau khi bột ngô chín lần 1, người ta trải ra mâm, xới đều cho tơi, vẩy thêm nước, rồi lại cho vào xửng hấp tiếp lần 2. Đến khi viên tròn mèn mén lại, ăn thấy dẻo, thơm, mềm, ấy là mèn mén đã chín ngon.
3. Những năm trước đây, đời sống người dân vùng cao còn nhiều khó khăn, ngô là lương thực chính của phần đông các gia đình. Mèn mén vì thế trở thành món ăn chủ đạo của đồng bào nơi đây. Người ta ăn mèn mén sáng, trưa, tối với canh, rau rừng, chút đậu kho. Người ta hay nhắc đến thắng cố ăn cùng mèn mén, tuy nhiên thắng cố không phải là món ăn dân dã, ngày nào cũng có thể ăn. Thắng cố chỉ xuất hiện lễ, Tết, phiên chợ của vùng cao. Bát mèn mén chan thắng cố trở thành món ăn “hạng sang” nơi bản làng tít tắp.
Ấy là ngày xưa, ngày mèn mén còn đi cả vào giấc mơ của những em bé người Mông. Bây giờ đồng bào khấm khá lên rất nhiều. Gần Tết vừa rồi, tới Hà Giang, chúng tôi phải năn nỉ đến “gãy lưỡi” mới được một nhà bản xứ làm cho một bữa mèn mén, ăn cho hết nhớ xứ cao nguyên đá.
Ông chủ một nhà trọ ở phố cổ Đồng Văn bảo vợ đi mua ngô rồi hì hục xay ngô, hấp ngô trong một chiếc xửng nhôm, đến tối mịt thì món ăn cũng được dọn ra. Mèn mén thơm lừng, vàng ruộm, đựng trong những chiếc bát sứ rất đẹp, ăn cùng với rau cải làn luộc, thịt treo gác bếp. Ngon thì ngon thật, nhưng vẫn thấy nhơ nhớ vị mèn mén trong một mái nhà gỗ ở Khâu Vai năm nào.
Bữa mèn mén đó ám mùi khói bếp ngày mưa, mèn mén được hấp trong chiếc xửng gỗ, múc ra bát cũng bằng chiếc thìa bằng gỗ, ăn với một ít canh bí đỏ, đưa vị thêm bằng mấy chén rượu ngô và những câu chuyện lên nương mùa xuân.
Nhắc đến mèn mén, thấy ùa về cả trời thương nhớ…
|
Cẩm Giang
Ảnh: Lê Nam
Bình luận (0)