'Ăn miếng này, nó ghịt cổ họng lại...'

19/11/2015 08:12 GMT+7

Đi phượt, điều vui nhất với tôi là có cơ hội học được nhiều phương ngữ của bà con địa phương. Đôi lúc, những câu nói mộc mạc, chân phương đã trở thành kỷ niệm vui không thể quên.

Đi phượt, điều vui nhất với tôi là có cơ hội học được nhiều phương ngữ của bà con địa phương. Đôi lúc, những câu nói mộc mạc, chân phương đã trở thành kỷ niệm vui không thể quên.

Còn nhớ, lúc về Tri Tôn xem lễ hội đua bò - một sự kiện của bà con Kh’mer trong khu vực phối hợp cùng nhà chùa tổ chức. Sáng hôm ấy, khi đến khu vực Chùa Rô, ngoài hình ảnh những đôi bò lũ lượt đổ về khu vực đất ruộng thì các quán cháo bò hai bên đường nghi ngút khói cũng gây ấn tượng rất riêng.
Nghiêng ngó nhìn cái thùng to đùng tỏa hơi nước mù mịt, tần ngần tôi hỏi: “Chị ơi, chị bán món gì ạ?”. Cô chủ đáp gọn lỏn: “Cháo bò, lòng bò luộc”.
Khi chủ quán múc ra một cái tô đầy tú hụ để trên bàn, tôi nhìn hoài. Chưa đoán ra chị cho ăn những gì trong tô, tôi hỏi: “Chị ơi tô này là cháo hay bò luộc vậy?”.
Chị cười xởi lởi: “Tui biết cô chưa ăn món này nên ngoài cháo với thịt, huyết… tui tặng kèm mấy miếng sách, mắt, họng, đuôi và... dái bò luộc cho cô ăn thử luôn”.
Trời ơi, từ nào tới giờ mình chỉ biết thịt bò, nào có biết ăn mấy “bộ phận” sau đâu, nên nghe phát hoảng vía. Vì vậy, tôi từ chối khéo: “Em ăn sáng no lắm rồi, em cần một cái chén nhỏ ăn cho biết vị thôi”.
Trong khi tôi còn đang tần ngần chưa ăn thì anh chủ quán chạy tới hồ hởi: “Tui múc cho cô cái này nha (là những thứ hồi nãy bà chủ múc cho mà tôi đã từ chối). Cô pha nước mắm đi, rồi chấm ăn. Món này ăn nó ghịt cổ họng cô lại, đã lắm!”. Anh chủ quán nói nhanh quá nên tôi không hiểu rõ lời, phải nhờ anh nói chậm lại mấy lần. Cuối cùng cũng không hiểu được nên tôi quyết định ăn thử luôn, một lần cho biết vị món ăn đặc trưng của người Kh’mer và xem ăn xong có hiểu cụm từ “ghịt cổ họng” không?!
Sách, lòng, phổi, dái bò… luộc chấm vào nước chấm gồm gừng xay, nước cốt trái chúc và nước mắm ớt pha chung đúng là lạ và ngon không thể tả, ăn xong nuốt đến tận bao tử mà hương vị cứ như còn “ghịt” lại, đọng lại nơi cổ họng khiến người ta thèm thuồng. Vậy là cuối cùng tôi cũng hiểu và học được cụm từ “ghịt cổ họng” của người dân nơi đây và nhớ luôn cả món ăn đặc biệt này đến tận bây giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.