Ăn ngủ tại trường, sĩ tử căng mình trong giai đoạn nước rút

26/06/2024 08:28 GMT+7

Nhiều nhà trường và địa phương tổ chức cho học sinh (HS) ăn ngủ tại trường hoặc thực hiện mô hình giáo viên trường vùng thuận lợi lên vùng khó khăn để hỗ trợ ôn tập cho HS, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Chăm lo từ bài học đến bữa ăn

Tháng 6, dù HS các khối khác đã được nghỉ hè nhưng 136 HS lớp 12 Trường THPT Trí Đức (Hà Nội) chọn ăn ngủ và ôn luyện tại trường để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 27 - 28 tới. Lịch ôn thi giai đoạn này được chia thành 3 ca mỗi ngày: sáng từ 7 giờ đến 10 giờ 20; chiều từ 13 giờ đến 15 giờ 25; tối là thời gian tự học từ 18 giờ 30 đến 23 giờ 30. Sau 15 giờ 30 mỗi ngày, khi lớp học ôn ban ngày kết thúc, HS về phòng ký túc xá thay đồ để tập luyện thể thao, tự do vui chơi đến 17 giờ.

Ăn ngủ tại trường, sĩ tử căng mình trong giai đoạn nước rút- Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Trí Đức ăn ngủ tại trường để ôn thi

T.Đ

Theo quy định của Trường THPT Trí Đức, trong thời gian ôn thi cho đến hết ngày thi, các em không sử dụng điện thoại mà gửi lại nhà trường giữ. Việc ôn tập không chỉ theo lớp mà còn theo từng nhóm nhỏ. Trong thời gian tự học, nếu cần sự "trợ giúp", các em có thể đến phòng hội đồng, xin kết nối điện thoại với giáo viên giảng dạy các bộ môn hoặc được tra cứu trên phòng học điện tử của nhà trường.

Trên các tấm bảng của mỗi phòng học, các thầy cô ghi ngày đếm ngược tới thời điểm diễn ra kỳ thi để tự nhắc nhở nhau. Những ngày này, khi chỉ còn vài ngày nữa là bước vào kỳ thi, thầy trò thay vì dành thời gian cho việc dạy kiến thức thì tập trung luyện cho HS tâm lý phòng thi, phản xạ nhanh trước tình huống thi cử. Các thầy cô cũng thay gia đình tổ chức đưa đón từng HS đi thi…

Nhiều năm nay, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cũng tổ chức ăn ngủ tại chỗ cho HS ôn thi tốt nghiệp THPT. Đều đặn 19 giờ 30 mỗi ngày, hơn 150 HS lớp 12 ở tại khu bán trú của trường lại tập trung ra sân học bài tới 22 giờ đêm. Bạn giỏi hỗ trợ bạn yếu, câu hỏi khó có giáo viên lo. Cách học này đã được nhà trường duy trì xuyên suốt từ đầu năm học.

Cô Nguyễn Khánh Chi, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bắc Hà, cho biết nhà trường vận động từ nhiều nguồn khác nhau xin hỗ trợ bữa ăn phụ cho trò (ăn khuya) để các em có thêm sức khỏe học ôn thi giai đoạn nước rút. "Qua những hoạt động tiếp sức này, chúng tôi muốn các em hiểu và cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm không chỉ từ thầy cô, nhà trường mà cả xã hội dành cho các em, giúp các em có thêm động lực ôn luyện, giảm bớt áp lực. Bên cạnh đó, với nhiều em sống xa gia đình, sự quan tâm này sẽ tiếp thêm động lực để các em vươn đến ước mơ của mình", cô Khánh Chi nhìn nhận.

Cô Trần Thị Dịu, giáo viên ngữ văn của trường, chia sẻ khi nhà trường phát động chương trình tiếp sức cho thí sinh, cô và nhiều đồng nghiệp không ngần ngại xung phong tham gia hỗ trợ. Cụ thể, mỗi tối từ 19 giờ 30, nhà trường sẽ phân công giáo viên hướng dẫn học trò ôn luyện. "Thời điểm này, ngoài việc gia cố lại kiến thức, chúng tôi tập trung hướng dẫn các em kỹ năng làm bài thi, cách để vững tâm lý trong phòng thi", cô Dịu nói.

Không chỉ kèm cặp kiến thức, cô Dịu còn tham gia vào việc chuẩn bị và nấu bữa ăn phụ tối cho học trò. Theo đó, 21 giờ 30 hằng ngày, sau khi kết thúc thời gian của ca ôn đầu tiên buổi tối, cô và các đồng nghiệp sẽ nấu mì tôm trứng, mì tôm giò hoặc bánh mì… để học trò ăn khuya. Giáo viên ở trong nhà nội trú của trường có thể ở lại tiếp tục hỗ trợ học trò hoặc khi học trò có khó khăn có thể trực tiếp đến phòng các thầy cô nhờ giúp đỡ.

Nhờ sự quan tâm, gần gũi của thầy cô nên nhiều HS đã được tiếp thêm nghị lực và quyết tâm trước kỳ thi, đặc biệt là với những em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, ít sự quan tâm, đồng hành của bố mẹ.

Ăn ngủ tại trường, sĩ tử căng mình trong giai đoạn nước rút- Ảnh 2.

Học sinh Trường THPT Trí Đức ăn ngủ tại trường để ôn thi

T.Đ

Không để HS bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn

Bà Tô Thị Thảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho biết ngay sau khi kết thúc năm học 2023 - 2024, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường THPT ở vùng thuận lợi cử giáo viên các môn toán, văn, ngoại ngữ lên các điểm trường vùng cao để phụ đạo cho HS khó khăn. Việc hỗ trợ này vừa trực tiếp giúp HS bù đắp kiến thức bị hổng, vừa giúp đỡ giáo viên tại chỗ cập nhật phương pháp dạy học, ôn tập hiệu quả cho học sinh. Theo bà Thảo, hơn 700 tiết dạy miễn phí trong tháng 6 là con số thể hiện cố gắng của giáo viên ở Yên Bái. Ngoài ra, địa phương này cũng nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của ngành giáo dục Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng bằng hình thức dạy học, ôn thi trực tuyến.

Ví dụ, HS Yên Bái được Sở GD-ĐT Hà Nội cấp quyền truy cập app ôn tập được thiết kế dành cho HS Hà Nội với nội dung bài giảng do giáo viên Hà Nội biên soạn. Các em cũng được luyện tập tiếng Anh trực tuyến với giáo viên ở Hải Phòng, Nam Định.

Tương tự, tỉnh Lào Cai cử nhiều giáo viên vùng thuận lợi đến phụ đạo cho HS ở các vùng khó. Các thầy cô chủ yếu hỗ trợ HS ôn kiến thức cơ bản, cung cấp tài liệu ôn tập và tập cho các em kỹ năng làm đề thi để có thể đạt điểm ở phần cơ bản. Cô Đinh Khánh Diệp, giáo viên bộ môn tiếng Anh Trường PTDT nội trú Si Ma Cai, được điều động đến ôn thi tốt nghiệp cho cả 3 lớp 12 của Trường THPT số 2 H.Si Ma Cai từ tháng 3.2024 với thời gian là 1 ngày/tuần. Cô Diệp cho hay, việc hỗ trợ HS trường bạn đòi hỏi giáo viên phải cố gắng hơn vì trình độ tiếng Anh của các em ở đây không được như HS ở trường chính của cô, đa số các em đều rất yếu môn học này vì không có điều kiện dạy học tốt từ đầu. Do vậy, giáo viên ngoài việc mày mò tìm phương pháp, tài liệu ôn tập phù hợp, còn phải động viên các em không nản lòng.

Thầy Hoàng Đình Hoạt, Phó hiệu trưởng Trường THPT số 2 H.Si Ma Cai, cho biết năm học vừa qua, các môn tiếng Anh, văn, toán đều thiếu giáo viên. Do đó, sở GD-ĐT đã điều động mỗi tuần 1 - 2 thầy cô các trường khác đến hỗ trợ giảng dạy chương trình chính khóa. Các giáo viên đến với trường đều mang trong mình tâm niệm giúp đỡ học sinh, thương HS vùng cao thiệt thòi nên mới vượt hàng trăm cây số lên dạy học, ôn thi cho các em.

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, cho biết đã chỉ đạo các trường lập tổ công tác đặc biệt, trong đó hiệu trưởng là tổ trưởng; bí thư Đoàn trường là tổ phó, giáo viên chủ nhiệm là thành viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh HS và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

"Mục tiêu đặt ra là không để HS nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn", bà Nguyệt khẳng định và thông tin, trong những ngày thi, Lào Cai tích cực vận động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, phụ huynh tổ chức bữa trưa miễn phí hoặc giá rẻ cho HS khó khăn. Các điểm thi được bố trí gần các cơ sở giáo dục có khu bán trú để sắp xếp chỗ ở cho HS ở các trường về dự thi; phối hợp với phụ huynh để có thể nấu ăn cho thí sinh ở tập trung tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, quản lý và hỗ trợ tối đa cho thí sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.