Nghị lực mùa thi:

Xin cứu giúp ước mơ của học trò nghèo hiếu học

24/06/2024 06:00 GMT+7

Sinh ra đã không biết mặt ba, mẹ bỏ đi theo hạnh phúc mới, cô học trò nhỏ được ông bà ngoại già yếu, bệnh tật chắt chiu từng đồng, thậm chí là từng ký gạo, gói mì từ thiện để nuôi lớn khôn. Sắp chạm đến giấc mơ vào giảng đường đại học, nhưng cô học trò nhiều năm liền là học sinh giỏi lại sợ không có tiền để bước tiếp.

Nhiều lần nghĩ đến chuyện phải nghỉ học

Kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời mình, cô học trò Hồ Ngô Kỷ Nguyên, lớp 12A3 Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM), không ngăn được những dòng nước mắt. Mặc cho em cứ hướng mặt lên trời để nước mắt không rơi, nhưng dường như nỗi đau đã âm ỉ suốt 18 năm qua mà em luôn cố giấu đi, nên khi nhắc đến mọi thứ lại trỗi dậy.

Xin cứu giúp ước mơ của học trò nghèo hiếu học- Ảnh 1.

Nguyên luôn lo sợ sẽ không có tiền để học đại học

NỮ VƯƠNG

"Sinh ra đã không biết mặt ba, mẹ đi thêm bước nữa nên em ở với ông bà ngoại từ nhỏ. Suốt nhiều năm qua, bà ngoại bị bệnh, chỉ một mình ông làm lo cho cuộc sống. Nhưng ông cũng mang bệnh nặng trong người mà không có tiền chữa trị. Cuộc sống cứ thiếu thốn, có những lúc không biết xoay xở ra sao. Những năm học THCS đã nhiều lần em muốn nghỉ học để đi làm phụ ông…", nói đến đây giọng Nguyên nghẹn lại.

Ngoài Nguyên, ông bà ngoại còn phải nuôi và lo cho cô em gái cùng mẹ khác cha với Nguyên. Vì cuộc sống quá khó khăn, thiếu trước hụt sau, nên Nguyên mới nghĩ đến chuyện phải nghỉ học, nhưng thực ra trong thâm tâm cô học trò rất muốn được đến trường.

"Em được thầy cô thương, giới thiệu các suất học bổng nên em mới theo đuổi được việc học đến ngày hôm nay. Vì quá thương ông, nhìn ông một mình bươn chải mọi thứ, em thấy mình càng phải ráng học hơn", Nguyên tâm sự và kể thêm: "Những năm nay nhà em không phải mua gạo, toàn được người ta cho gạo từ thiện nên đủ để ăn. Lâu lâu em gặp những người quen của ngoại, họ thương nên cho em lúc thì 50.000, có khi được 100.000 đồng, rồi em để dành lúc nào cần đóng tiền gì thì đóng, cũng đỡ cho ngoại được ít".

Xin cứu giúp ước mơ của học trò nghèo hiếu học- Ảnh 2.

Cuộc sống khó khăn, lại mang bệnh tật trong mình, ông Sơn chỉ biết cố gắng mỗi ngày với những tay lưới

NỮ VƯƠNG

Dẫu cuộc sống có khó khăn thế nào, có những ngày đi học chỉ lót bụng bằng cơm nguội với nước tương, cũng chưa bao giờ đánh gục được nghị lực của cô học trò nhỏ. Nguyên chỉ tuyệt vọng nhất là những khi ông bà bị bệnh nặng phải nhập viện mà nhà thì không có tiền. "Những lúc đó em thấy tuyệt vọng và rất sợ. Sợ ông, bà ngoại có mệnh hệ gì rồi không sống được với em nữa", Nguyên khóc nghẹn.

Tôi hỏi: "Cuộc sống khó khăn như vậy, có bao giờ em ước mơ về một gia đình đầm ấm, hạnh phúc có đầy đủ cả ba lẫn mẹ?". Cô học trò nói trong nước mắt: "Không ạ. Vì em đâu biết cảm giác đó như thế nào đâu mà ước mơ...".

Câu trả lời kèm với ánh mắt nhìn vào khoảng không đầy vô vọng của Nguyên khiến lồng ngực tôi như nghẹn thắt lại.

Ước mơ vào giảng đường

Điều đặc biệt, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc học của Nguyên có thể bị "đứt gánh giữa đường" bất cứ lúc nào, nhưng ông bà ngoại đã nhận cưu mang thêm một bạn học cùng trường với Nguyên vì ba mất và không người thân chăm sóc.

Câu chuyện về những mảnh đời khốn khó cưu mang nhau vươn lên nghịch cảnh từng đăng trên Báo Thanh Niên ngày 30.5 và nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đó là câu chuyện của cô học trò Hồ Huỳnh Nhi cha mất, mẹ bỏ đi và không nhà cửa đã được gia đình bà Nguyễn Thị Voi (65 tuổi) và ông Hồ Văn Sơn (68 tuổi), ông bà ngoại của Nguyên nhận nuôi.

Xin cứu giúp ước mơ của học trò nghèo hiếu học- Ảnh 3.

Niềm vui ở căn nhà nhỏ là mỗi khi nhìn thấy thành tích học tập tốt của Nguyên

NỮ VƯƠNG

Đọc được hoàn cảnh của Nhi, nhiều người đã rớt nước mắt. Nhưng câu chuyện của Nguyên và ông bà ngoại em càng khiến chúng tôi vừa xót thương, vừa thán phục và biết ơn. Dù phải nỗ lực để "chạy" cái ăn hằng ngày và lo cho cháu đi học vất vả trăm bề, đau bệnh không tiền để chữa trị nhưng chứng kiến hoàn cảnh éo le của cô học trò Hồ Huỳnh Nhi, họ đã không đành lòng bỏ rơi mà cùng cưu mang nhau vượt qua nghịch cảnh.

Bà Voi bị bệnh khớp nặng, nhiều năm nay không đi làm được, chỉ ở nhà lo việc nội trợ. Một mình ông Sơn đi biển trên chiếc ghe nhỏ, mỗi ngày kiếm được có khi 100.000 đồng, có khi hơn một chút để nuôi cả gia đình. Có hôm không có con cá, con tôm nào thì về tay trắng mà còn lỗ mấy chục ngàn đồng tiền dầu.

Những lúc ông Sơn "kêu trời cũng không thấu" là khi đang một mình lênh đênh trên biển nhưng cơn đau thận lại phát nặng và hành ông. Ông nằm ôm bụng, thả trôi con thuyền như phó mặc cuộc đời đầy khổ cực của mình cho dòng nước. Bớt đau, ông lại gồng mình kéo lưới vì nghĩ đến bữa cơm có cá, có rau và chuyện học hành phía trước của mấy đứa cháu, ông không thể nào buông xuôi.

Xin cứu giúp ước mơ của học trò nghèo hiếu học- Ảnh 4.

Nguyên ước mơ học đại học để giúp gia đình thoát khỏi cảnh khổ

NỮ VƯƠNG

"Lúc đau nằm trên thuyền rất sợ, ngồi cũng đau, nằm cũng đau, sợ lỡ có chuyện gì rồi mấy đứa cháu ai lo. Nên phải ráng và đánh liều thôi. Bác sĩ cho giấy chuyển lên bệnh viện trung tâm để mổ và điều trị, nhưng tiền đâu mà đi!", ông Sơn trải lòng.

Cố gắng "chạy" bữa ăn hằng ngày, nhưng với bệnh tật đang mang trong mình, ông Sơn không khỏi lo lắng. "Mỗi lúc đau quá nằm trên ghe, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Chắc chừng 1 - 2 năm nữa là làm hết nổi rồi. Chứ giờ mình già mà còn bệnh tật này thì bó tay luôn", ông Sơn nói.

Cô Lê Thị Bích Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, cũng rất mong Nguyên sẽ được giúp đỡ để có thể tiếp tục việc học. Cô Vân cho biết Nguyên học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn nên cô học trò rất cố gắng. Những năm qua, nhà trường luôn khuyến khích em bằng cách tìm các suất học bổng để hỗ trợ. Cô Vân cũng cho rằng tương lai của Nguyên sẽ rất sáng nếu em được đi học đại học.

Biết hoàn cảnh gia đình, nên dù đang trong giai đoạn ôn "nước rút" chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới nhưng Nguyên cứ trăn trở: "Em vừa rất muốn học đại học, nhưng vừa muốn nghỉ để đi làm phụ giúp ông bà. Nhiều đêm nằm mà em cứ trằn trọc suy nghĩ không biết nên tiếp tục hay là nghỉ. Em sợ không có tiền học tiếp, sợ ông bà bệnh không có kinh phí để chữa trị".

Học tiếp hay là nghỉ? Câu hỏi cứ bủa vây tâm trí cô học trò. Mặc dù mong ước vào giảng đường đại học luôn cháy bỏng trong em, nhưng chỉ sợ hoàn cảnh sẽ khiến em không chạm được đến giấc mơ đời mình…

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Hồ Ngô Kỷ Nguyên, lớp 12A3 Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM), quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Hồ Ngô Kỷ Nguyên; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Hồ Ngô Kỷ Nguyên trong thời gian sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.