Các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân trực tiếp gây ung thư dạ dày. Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày gồm nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori (H. pylori), chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, uống nhiều rượu bia, thừa cân, béo phì, từng phẫu thuật dạ dày và một số yếu tố khác, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Trong chế độ ăn uống mà có quá nhiều muối cũng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày. Các nhà khoa học phát hiện lượng muối nạp vào dạ dày quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị nhiễm vi khuẩn H. pylori.
Vi khuẩn sẽ tấn công lớp niêm mạc dạ dày và gây viêm mạn tính. Những tổn thương này sẽ gây loét dạ dày. Vết loét kéo dài sẽ khiến tế bào dạ dày biến đổi và phát triển thành ung thư.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san The Lancet khẳng định những người ăn quá nhiều muối sẽ có nguy cơ cao hơn bị ung thư dạ dày. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người không nên ăn quá 5 gram muối/ngày. Lượng muối này sẽ không làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao và ung thư dạ dày.
Ngoài ra, một số món chứa nhiều muối như thịt bảo quản, thực phẩm muối chua cũng có thể chứa một số chất có hại cho dạ dày. Nạp nhiều các chất này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Để phòng tránh ung thư dạ dày, điều đầu tiên cần làm là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Mọi người cần ăn muối ở mức vừa phải, đồng thời ưu tiên ăn rau củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Các món có nhiều chất xơ, chất chống ô xy hóa này sẽ giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
Tránh thuốc lá và hạn chế rượu bia cũng đóng vai trò rất quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm hỏng lớp niêm mạc dạ dày và dễ gây ung thư, đặc biệt là ở phần trên của dạ dày, gần thực quản, theo Medical News Today.
Bình luận