An ninh 'khủng' cho ông Obama ở Ấn Độ

25/01/2015 09:00 GMT+7

Giới chức Ấn Độ tăng cường an ninh ở mức chưa có tiền lệ trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước mối đe dọa khủng bố.

Giới chức Ấn Độ tăng cường an ninh ở mức chưa có tiền lệ trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước mối đe dọa khủng bố.
 
Xe tăng Ấn Độ diễn tập cho lễ diễu binh ngày 26.1 tại Rajpath - Ảnh: AFP
Xe tăng Ấn Độ diễn tập cho lễ diễu binh ngày 26.1 tại Rajpath - Ảnh: AFP
Hôm nay 25.1, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày. Theo lịch trình, ông Obama sẽ tham dự lễ diễu binh mừng ngày Cộng hòa Ấn Độ (26.1) tại khu phố Rajpath ở thủ đô New Delhi, nơi có nhiều tòa nhà chính phủ và dinh thự tổng thống. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ được mời tham dự sự kiện này.
Vòng an ninh 7 lớp
Để đảm bảo an ninh cho ông Obama trong lúc dự lễ diễu binh kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, Ấn Độ đã thiết lập một vòng an ninh 7 lớp tại khu vực, theo Hãng tin PTI. Trong đó, lớp gần nhất sẽ do biệt đội bảo vệ và nhân viên mật vụ đảm nhiệm. Trên 500 máy quay an ninh được lắp đặt xung quanh Rajpath và trong ngày diễn ra lễ diễu binh cứ 100 m sẽ một máy quay an ninh theo dõi đám đông, tờ The Times of India dẫn một số nguồn tin cho hay. Ngoài ra còn có 45.000 cảnh sát theo dõi và giám sát khu vực không ngừng nghỉ.
Cũng nhằm bảo vệ ông Obama, giới chức Ấn Độ buộc phải chấp nhận đề nghị của lực lượng an ninh Mỹ là mở rộng bán kính “vùng cấm bay” xung quanh Rajpath lên 400 km cho lễ diễu binh năm nay. Việc mở rộng vùng cấm bay khiến màn trình diễn ở tầm thấp của các máy bay quân sự Ấn Độ trong buổi lễ phải bị hủy. Không phận Rajpath sẽ do một hệ thống ra đa đặc biệt giám sát, với khả năng phát hiện tên lửa bay đến ở khoảng cách 400 km. Nhiều hệ thống phòng không cũng đã được lắp đặt ở các vị trí chiến lược để ngăn chặn các vụ xâm nhập.
Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ đã lịch sự từ chối đề nghị của lực lượng bảo vệ an ninh cho ông Obama rằng chỉ có lính bắn tỉa Mỹ canh gác trên nóc các tòa nhà hướng về Rajpath. New Delhi lập luận rằng lực lượng an ninh Ấn Độ đã được huấn luyện tốt và đủ khả năng bảo vệ các yếu nhân, theo PTI.
Bên cạnh đó, cảnh sát Ấn Độ sẽ đóng cửa và canh giữ 71 tòa nhà cao tầng ở Rajpath. Vòng an ninh 7 lớp là một phần trong kế hoạch bảo vệ an ninh chưa có tiền lệ từ mặt đất đến không trung trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của ông Obama, theo PTI. Ước tính có khoảng 80.000 nhân viên an ninh, 20.000 cảnh sát vũ trang và dân quân tham gia thắt chặt an ninh. Ngoài ra, có tổng cộng 15.000 máy quay an ninh, một đội mật vụ, 40 chó nghiệp vụ được triển khai để bảo vệ ông Obama, theo tờ The Express Tribune.
Theo ông Obama đến Ấn Độ lần này có gần 1.600 người, phần lớn là nhân viên an ninh và tình báo, theo tờ The Times of India. Con số đó gần gấp đôi so với nhân lực cho chuyến thăm Ấn Độ năm 2010 của ông Obama. Lý giải về điều này, một quan chức cho hay phần lớn những sự kiện mà ông Obama sẽ tham dự diễn ra ngoài trời và phức tạp hơn so với chuyến thăm trước đó.
Nguy cơ khủng bố
Chưa yên tâm với kế hoạch an ninh nói trên, giới chức Mỹ còn yêu cầu Pakistan đảm bảo không xảy ra tấn công khủng bố ở biên giới trong lúc ông Obama thăm Ấn Độ, đồng thời cảnh báo Islamabad sẽ chịu hậu quả nếu cuộc tấn công như thế xuất phát từ Pakistan, theo tờ The Times of India. Trước đây từng có một số vụ tấn công do những nhóm tay súng ở Pakistan tiến hành tại Ấn Độ, xảy ra cùng thời điểm quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Ấn Độ. Hồi tháng 3.2000, các tay súng đã bắn chết 36 người ở vùng Kashmir do New Delhi kiểm soát, trong lúc Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Washington đưa ra yêu cầu trên không lâu sau khi trung tướng lục quân Ấn Độ KH Singh cảnh báo khoảng 200 tay súng ở 36 chốt ở bên kia biên giới Pakistan đang cố xâm nhập Ấn Độ, có thể tấn công trường học, đường cao tốc, khu dân sự trong lúc diễn ra chuyến công du của ông Obama.
Mới đây, tờ The Times of India ngày 23.1 dẫn một số nguồn tin tình báo Ấn Độ cảnh báo 4 nhóm khủng bố “được Pakistan hậu thuẫn” Jamat-Ud-Dawa, Hizbul Mujahideen, Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed đã phái 4 đội đánh bom tới Ấn Độ và có thể tiến hành các vụ tấn công trước ngày 28.1. Theo đó, nhiều đền thờ ở thành phố Mumbai và 3 bang Rajasthan, Uttar Pradesh và Odish của Ấn Độ đã đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Một số nguồn tin cảnh báo đền thờ đạo Hindu Siddhivinayak ở Mumbai có thể bị các nhóm trên tấn công vào ngày 27.1. Đây là lần đầu tiên thông tin tình báo cho biết nhiều nhóm khủng bố khác nhau câu kết lên kế hoạch tấn công ở Ấn Độ, khiến nhiều cơ quan an ninh nước này hết sức lo ngại.
Trước khi bắt đầu chuyến thăm, ông Obama cũng đã gửi một thông điệp cứng rắn kêu gọi Pakistan phá hủy những nơi trú ẩn của khủng bố và trừng trị những kẻ đứng sau vụ tấn công ở Mumbai năm 2008, khiến 166 người thiệt mạng, bao gồm 6 công dân Mỹ. “Tôi đã nói rõ rằng ngay cả khi Mỹ hợp tác với Pakistan để ứng phó mối đe dọa khủng bố, những nơi trú ẩn an toàn nằm bên trong Pakistan là không thể chấp nhận và những ai đứng sau vụ tấn công khủng bố ở Mumbai phải đối mặt với công lý”, Tổng thống Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn với tờ India Today.
Hủy kế hoạch thăm Taj Mahal
Ngày 24.1, tờ Hindustan Times đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đệ nhất phu nhân Michelle sẽ hủy kế hoạch thăm đền thờ nổi tiếng Taj Mahal trong ngày cuối cùng của chuyến công du. Trước đó, hàng trăm người đã được thuê dọn dẹp khu vực quanh Taj Mahal để chuẩn bị đón vợ chồng ông Obama. Hindustan Times dẫn một số nguồn tin cho hay có thể ông Obama cắt ngắn chuyến thăm Ấn Độ để ghé sang Ả Rập Xê Út dự lễ tưởng niệm Quốc vương Abdullah, người vừa băng hà ngày 23.1.
Với chuyến thăm lần này, ông Obama trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên thăm Ấn Độ hai lần khi đương nhiệm. Chuyến công du diễn ra chỉ khoảng 4 tháng sau khi Thủ tướng Modi đến Nhà Trắng. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề, trong đó có thương mại song phương, biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc phòng, chống khủng bố và những mối đe dọa khu vực, theo Bloomberg. Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Evan Medeiros nói: “Chúng tôi đang xem xét nghiêm túc những phương thức trong đó Mỹ và Ấn Độ có thể hợp tác nhiều hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nhiều vấn đề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.