Sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất với thí sinh
Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy, Trường ĐH Y dược TP.HCM trong mỗi kỳ thi sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất với thí sinh. Giai đoạn này thí sinh thường bị căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên, có những thói quen chưa hợp lý. Do đó, việc đảm bảo đủ về dinh dưỡng, nghỉ ngơi và giấc ngủ là điều quan trọng nhất với thí sinh hiện nay.
Về dinh dưỡng, bác sĩ Duy khuyên rằng thời điểm này thí sinh nên nạp vào cơ thể các chất đạm, đường, tinh bột và chất béo. Trong đó nên ăn nhiều tinh bột, từ tinh bột đó sẽ chuyển thành đường vì đường chuyển hóa thành năng lượng giúp cơ thể và não hoạt động tốt hơn. Những loại tinh bột này luôn có trong bánh mì, gạo lứt, bún, bánh phở… Về chất đạm tốt cho hệ miễn dịch, nó luôn có trong thịt, trứng, sữa. Chất béo cũng là một loại chất quan trọng, không nên hạn chế quá nhiều, nên ăn các loại dầu sạch để bổ sung chất béo hỗ trợ tốt cho cơ thể. Ngoài ra, nên ăn thêm các loại có chất xơ đến từ trái cây như: bưởi, đu đủ, chuối và các loại rau xanh giúp tiêu hóa tốt. Thí sinh không quên uống nhiều nước thường xuyên, thường thì từ 1 đến 1,5 lít mỗi ngày.
Bác sĩ Duy cũng khuyên thí sinh nên xem lại cách ăn uống hợp lý, gia đình nên tìm hiểu cách nấu, hỗ trợ bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Trước câu hỏi ăn óc heo, đậu đỏ sẽ làm tăng khả năng thi đậu cũng như ăn trứng bị điểm không, ăn bí sẽ bị bí bài? Phan Thị Hương, Thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn 2021 cho biết bản thân cũng từng tin và ăn như vậy. Tuy nhiên, ăn óc heo, đậu đỏ mang lại may mắn thì đó là tâm lý chung của thí sinh. Nó chỉ là yếu tố tâm lý giúp thí sinh an tâm và thi tốt hơn.
Còn bác sĩ Duy cho rằng về dinh dưỡng, trong óc heo có đạm, bí có thành phần chất xơ, trứng có chất đạm rất tốt cho cơ thể. Đây là loại thành phần dinh dưỡng tốt dành cho mọi người khi ăn mỗi ngày vì vậy thí sinh khi ăn nó trước khi thi là chuyện bình thường.
Cần xóa các tài khoản mạng xã hội
Phan Thị Hương cũng kể thời điểm trước đây, trước khi diễn ra kỳ thi vẫn thường thức đến 1-2 giờ sáng để học bài. Hậu quả làm Hương bị sốt và mệt mỏi. Do vậy, Hương khuyên thí sinh phải giữ sức khỏe tốt, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi bởi sức khỏe rất quan trọng và nên học vào giai đoạn trước, đừng dồn việc học khi đến gần rồi thức khuya.
Bác sĩ Duy chia sẻ, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của thí sinh hiện nay là sử dụng internet, nhìn lâu vào màn hình điện thoại dễ bị kích thích trí não khó rơi vào giấc ngủ, tiếng ồn nơi sinh sống. Đây là tình trạng chung của thí sinh, là vòng xoáy bệnh lý và không thoát ra được.
Bởi vậy, bác sĩ Duy nói thí sinh nên ngủ đầy đủ 7 tiếng thì khả năng tư duy, sáng tạo nhớ bài sẽ tốt hơn, sau khi ngủ dậy bạn trẻ cảm thấy hứng khởi và tràn đầy năng lượng.
Bác sĩ Duy cũng cho rằng đừng quá lo lắng, thí sinh nên học cách thích nghi, điều chỉnh lại lối sống bằng cách ngủ sớm, dời thời gian học sớm hơn. “Thời gian mất tập trung nhất với thí sinh là 20, 21 giờ bởi đây là thời gian vàng trên mạng xã hội. Các bạn nên đặt mục tiêu, chịu khó, lệch ra khỏi vòng xoáy chung của giờ vàng đó. Chỉ cần xem mạng, lướt TikTok tới 19 giờ rồi nghỉ, sau đó tắt điện thoại, máy tính. Tránh bị chi phối những yếu tố bên ngoài hoặc xoá luôn TikTok, Facebook khỏi điện thoại và những ứng dụng làm ảnh hưởng bản thân”, bác sĩ Duy nói.
Một thí sinh có hỏi uống cà phê, nước tăng lực khi thức khuya học bài có tốt không? Bác sĩ Duy cũng phân tích, các loại nước uống này rất có hại, sẽ làm tình trạng cơ thể không ngủ được và mất ngủ kéo dài. Các loại thực phẩm chỉ có tác dụng trong thời điểm nhất định và không thể lạm dụng lâu dài. Tốt nhất thí sinh tập thói quen ngủ sớm và dậy sớm.
Trị “bệnh run” ra sao?
Cũng trong buổi tư vấn trực tuyến này, nhiều thí sinh thắc mắc về “bệnh run” trước và trong khi thi. Hồ Thị Xuân Bình, tình nguyện viên mùa thi nhiều năm liền, Ủy viên ban Thường vụ Đoàn Y khoa ĐH Quốc gia TP.HCM giải đáp, trong 4 năm đồng hành kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhận thấy số lượng lớn thí sinh gặp sức khoẻ tâm lý rất nhiều. Có trường hợp thí sinh bị hội chứng lo lắng và hoảng loạn đến nỗi quên trước quên sau. Có khi đi thi lại quên căn cước công dân, dụng cụ học tập, phòng thi. Thậm chí có thí sinh ngất xỉu tại phòng thi vì không cân bằng tâm lý vì bị căng thẳng. Có khi thí sinh bị đau bụng, muốn đi vệ sinh liên tục trong lúc thi. Đây là những yếu tố thực tế khi thí sinh đi thi.
Tình nguyện viên hỗ trợ như thế nào khi thí sinh có vấn đề sức khỏe khi thi? Bình cho biết, trong đội hình tiếp sức mùa thi sẽ chia ra từng đội nhỏ như: hậu cần, an toàn giao thông, y tế. Đội hình y tế luôn được trang bị kỹ năng sơ cấp cứu nên thí sinh hoàn toàn yên tâm. Nếu có vấn đề gì thí sinh nên báo liền với giám thị, tình nguyện viên sẽ được hỗ trợ nhanh chóng. Những trường hợp ngoài khả năng cấp cứu sẽ có sự liên hệ kịp thời với các đơn vị y tế cao hơn. Quan trọng là tình nguyện viên sẽ luôn ở cạnh với thí sinh từ trước khi thi đến khi về nhà.
Theo bác sĩ Duy, khi bị run, lo lắng các bạn dễ gặp tình trạng đau bụng, tiêu chảy. Đây là hội chứng lo lắng. Cho nên thí sinh nên ăn sớm, trước khi vào phòng thi. Không nên uống thuốc cầm tiêu chảy vì không hiệu quả. Nên chọn các món ăn quen thuộc mà mình không bị đau bụng.
“Cần tập cách nghĩ khi đến ngày thì “mọi chuyện sẽ xong”, tức là chuẩn bị tất cả mọi thứ từ trước, đến ngày thi chỉ việc vui vẻ đi thi. Bởi càng run thì càng rối, cầm sách sẽ càng run và sẽ không nhớ gì khi vào phòng thi”, bác sĩ Duy chia sẻ.
Thí sinh hỏi có được mang dầu gió, thuốc vào phòng thi không? Bình chia sẻ trong quy chế thi năm 2023, các thí sinh chỉ được phép mang bút, bút chì, compa, cục gôm, thước kẻ, máy tính không soạn thảo văn bản, atlat. Ngoài ra, không được phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình. Cho nên Bình khuyên không nên mang dầu gió, thuốc, thuốc nhỏ mắt. Nếu muốn, thí sinh có thể xoa dầu, uống thuốc trước khi vào phòng thi. Với các thí sinh có bệnh đặc thù nên liên hệ với giám thị phòng thi để họ nắm bắt được bạn đang mắc bệnh gì và mang thuốc vào phòng thi.
Ngoài ra, bác sĩ Duy cũng nói thêm, với các trường hợp thí sinh có bệnh nền, bệnh mãn tính như hen, suyễn cần phải mang thuốc theo thì nên thông báo với giám thị có mang thuốc theo, khi cần thiết sẽ được hỗ trợ lập tức.
Vận động sẽ giúp tinh thần thoải mái
Theo bác sĩ Duy, trong thời điểm ôn thi, thí sinh chỉ tập trung duy nhất vào việc học mà quên đi việc vận động. Vì vậy, vận động giúp tái tạo năng lượng, cảm thấy thoải mái. Có nhiều cách vận động đi lên xuống nhà, chơi với thú cưng, đi vòng quanh nhà. Tốt hơn có thể nhảy dây, hít đất, yoga cho cơ thể dẻo dai hơn. Đặc biệt là ngồi thiền, chỉ cần tập trung trong thiền sẽ làm đầu óc tạm dừng suy nghĩ một chút. “Trước khi thi tôi lúc nào ngồi nhắm mắt lại, tập trung vào một điểm nào đó sẽ cảm thấy thoải mái hơn”, bác sĩ Duy chia sẻ.
Phan Thị Hương cho biết thí sinh nên tập xen kẽ trong ngày, trong thời gian của việc học trong 15, 20 phút nghỉ ngơi. Hoặc tận dụng đạp xe đạp, đi bộ xung quanh. Việc vận động như vậy giúp bản thân không bị bí bách.
Còn Hồ Thị Xuân Bình cho lời khuyên, thí sinh tập trung, để ý sức khỏe, tinh thần vững vàng, xem nó như mục tiêu nhỏ trong các mục tiêu lớn của cuộc đời. Bên cạnh đó, gia đình, xã hội luôn đồng hành cùng các em và xem nó như nguồn động lực để làm bài thi trọn vẹn.
Bình luận (0)