‘Ăn ốc nói… bò’: Một ekip làm phim đặc biệt

21/09/2022 13:44 GMT+7

Gần như toàn bộ ekip làm phim ngắn 'Ăn ốc nói… bò' là người điếc trẻ tuổi để có thể kể câu chuyện và những khó khăn trong đời sống mà người điếc đang phải đối mặt.

Người điếc và người nghe cùng làm phim

“Ăn ốc nói…bò” là một trong số ít những phim ngắn Việt Nam do người nghe và người điếc cùng sản xuất. Bộ phim kể về nhân vật Linh, một người điếc duy nhất trong gia đình. Mâu thuẫn xảy ra khi bố mẹ cô muốn cô dừng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) và học nói để cấy mổ ốc tai. Bên cạnh đó, bộ phim cũng khắc họa chân thực những khó khăn mà người điếc gặp phải trong cuộc sống.

Vốn là một người điếc, Trần Thị Hiền (20 tuổi, thủ vai Linh, nhân vật chính trong phim) cho biết bộ phim phản ánh khá đầy đủ về những khó khăn mà người điếc gặp phải.

‘Ăn ốc nói… bò’: Một ekip làm phim đặc biệt - Ảnh 1.

Poster phim ngắn “Ăn ốc nói… bò”

NVCC

“Tôi tin vào khả năng diễn xuất của người điếc, nhất là những trải nghiệm của họ giúp cho nhân vật trở nên sinh động. Trong năm nay, bộ phim CODA (Giai điệu con tim) với sự hợp tác của người điếc và người nghe, đã thắng 3 giải thưởng lớn tại OSCAR 2022. Trong đó, giải thưởng Nam phụ xuất sắc nhất thuộc về nam diễn viên người điếc Troy Kotsur. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi diễn viên người điếc được công nhận năng lực”, Hiền bộc bạch.

Nói về tựa phim, đạo diễn Đỗ Thu Hiền (30 tuổi, là một trong số vài người nghe trong ekip làm phim) chia sẻ: “Tên bộ phim được lấy cảm hứng từ câu thành ngữ “ăn ốc nói mò”, ý chỉ lời nói không chính xác với sự việc. Trong phim, chúng tôi có đề cập đến những chi tiết như người điếc bị gia đình ép buộc học nói, phải đọc khẩu hình miệng và không được dùng NNKH để giao tiếp dẫn đến phải đoán bừa. Ngoài ra, chữ m và b có khẩu hình giống hệt nhau nên nếu không nghe thấy âm thanh mà chỉ nhìn miệng thì rất khó phân biệt kể cả người điếc hay người nghe. Đây cũng là một chi tiết trào phúng mà chúng tôi muốn cài cắm trong phim”.

‘Ăn ốc nói… bò’: Một ekip làm phim đặc biệt - Ảnh 2.

Các thành viên trong ekip sử dụng NNKH để trao giao tiếp với nhau

NVCC

Về việc gửi dự thi bộ phim cho cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” hồi tháng 5, phó đạo diễn Nguyễn Thị Ngọc Anh (30 tuổi) cho biết: “Tôi là một người điếc nên tôi hiểu cộng đồng điếc có rất nhiều câu chuyện muốn kể ra với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đến nay, tôi thấy vẫn chưa có nhiều cơ hội để kể câu chuyện của mình. Vì vậy, chúng tôi quyết định tham gia cuộc thi với mong muốn chia sẻ trải nghiệm của mình với công chúng”.

Nơi giãi bày tâm tư của người điếc

Phim ngắn “Ăn ốc nói…bò” được quay và hoàn thành trong vòng 4 tháng. Sau khi được đăng tải trên YouTube hồi tháng 5, nhiều người điếc và gia đình có con em là người điếc đã bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân vì họ nhận thấy phim phản ánh trung thực những khó khăn của người điếc trong cuộc sống.

Cấy mổ ốc tai được xem là một chi tiết nổi bật trong bộ phim. Đạo diễn Thu Hiền giải thích: “Câu chuyện mổ cấy ốc tai là câu chuyện rất nhạy cảm với những người liên quan đến cộng đồng người điếc. Trải nghiệm của người nghe và người điếc rất khác nhau nên giữa họ sẽ tồn tại những hiểu lầm. Vì thế, việc chọn góc nhìn không khéo rất dễ tạo nên ý kiến trái chiều. Khi đưa chi tiết này vào phim, tôi luôn cố gắng làm sao để không đặt bất kỳ ý kiến chủ quan nào về việc cấy mổ ốc tai. Tôi chỉ muốn truyền tải tâm tư, suy nghĩ của một người điếc duy nhất trong gia đình về vấn đề này".

Cấy ốc tai là dùng một thiết bị điện tử có điện cực (nên còn gọi là cấy ốc tai điện tử), cắm vào trong ốc tai để thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị hư và tạo ra các xung động thần kinh truyền lên não, giúp cho bệnh nhân nghe được.

‘Ăn ốc nói… bò’: Một ekip làm phim đặc biệt - Ảnh 3.

Cảnh quay ẩn dụ ấn tượng nhất trong phim đối với đạo diễn Thu Hiền. Ở phân đoạn này, bóng của những giọt nước mưa lăn trên tấm kính chiếu lên mặt nữ chính tạo cảm giác nữ chính đang khóc

NVCC

Riêng diễn viên chính Trần Thị Hiền chia sẻ, khi đọc kịch bản với những tình tiết như bố mẹ bắt học nói thì cô nhận thấy rất tương đồng với câu chuyện của chính mình và nhiều người điếc khác. Cô hy vọng mọi người có cái nhìn cởi mở hơn với những diễn viên là người điếc vốn chỉ có thể sử dụng NNKH trong diễn xuất lẫn sinh hoạt đời thường.

Bên cạnh đó, phó đạo diễn Ngọc Anh bày tỏ mong muốn có thể truyền tải những thông điệp về cuộc sống của người điếc qua những thước phim, từ đó nguồn cảm hứng để mọi người quan tâm, thấu hiểu hơn về cộng đồng người điếc.

Hoàng Thị Mỹ Ngà (26 tuổi, phụ trách thiết kế mỹ thuật cho phim) cũng cho biết: “Tôi hy vọng mọi người tin tưởng vào khả năng của người điếc và câu chuyện của họ sẽ được nhiều người lắng nghe hơn. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn người điếc sẽ được tham gia vào nhiều vai trò hơn trong đoàn phim, có thể là cả một đoàn phim đều là người điếc.”

‘Ăn ốc nói… bò’: Một ekip làm phim đặc biệt - Ảnh 4.

Dù phim “Ăn ốc nói… bò” chỉ lọt vào top 10 trong cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” hồi tháng 5 nhưng ekip làm phim xem tác phẩm là một thành quả góp phần truyền tải câu chuyện của người điếc dưới góc nhìn và tiếng nói của chính họ. “Tôi tự hào vì việc làm của chúng tôi phần nào đó đã giúp cộng đồng người điếc nói lên tiếng lòng của họ”, đạo diễn Thu Hiền chia sẻ.

Năm 2015, nhóm Nghe bằng mắt (ekip làm phim "Ăn ốc nói…bò") được thành lập trong khuôn khổ chương trình Charlotte Peace Designer 2015 để hỗ trợ người điếc tiếp cận kiến thức. Trong khuôn khổ dự án "Dạy và làm phim cùng người điếc", các thành viên của đoàn phim đã được chuyên gia là người nghe hỗ trợ giảng dạy một số lĩnh vực như sản xuất phim, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất…

Ngày mai (22.9), Ban vận động Thành lập Hội Người điếc Việt Nam, Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) và nhóm Nghe bằng mắt đồng tổ chức sự kiện nghệ thuật "Nghe bằng mắt" lần thứ 5 để hưởng ứng ngày Quốc tế Ngôn ngữ ký hiệu và Tuần lễ Quốc tế người điếc (từ 19-25.9). Chương trình sẽ diễn ra từ 18-21 giờ tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Đống Đa (22 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội).

Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về người điếc, với chủ đề: “Xây dựng những cộng đồng hòa nhập cho tất cả mọi người” và “Ngôn ngữ ký hiệu gắn kết chúng ta”. Sự kiện bao gồm các hoạt động tham quan và khám phá các trưng bày đầu giờ tại sảnh giới thiệu các tổ chức, hội nhóm, cá nhân tiêu biểu của người điếc và vì cộng đồng điếc cùng các tiết mục nghệ thuật đến từ những người điếc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.