An sinh cho lao động tự do

18/07/2022 05:15 GMT+7

Dẫu có thể lý giải vì bản chất đô thị với những biến động nhập cư và di cư, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận chính sách quản lý và thống kê lao động tự do (đa số là người nhập cư) cùng chính sách an sinh xã hội của TP.HCM còn nhiều lỗ hổng và chưa cụ thể.

Điển hình trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các gói hỗ trợ của nhà nước đã không đủ lực để bao phủ hết đối tượng lao động tự do trên địa bàn.

Cơ quan chức năng thực tế đã có nhiều nỗ lực, đã dốc sức chăm lo người dân bằng nhiều mô hình, sáng kiến. Các kiến nghị xin chủ trương để thành lập trung tâm an sinh, trung tâm hỗ trợ công nhân, tập hợp người lao động tự do vào các nghiệp đoàn... là đáng hoan nghênh.

Lao động phi chính thức ngày càng gia tăng

LÊ TRỌNG

Tuy nhiên, lưới an sinh để không bỏ lao động tự do ở lại phía sau cần ở việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách hơn là các hoạt động chăm lo nặng tính chất phong trào. Ví dụ, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của VN không thu hút lao động tự do tham gia vì chỉ có hai chế độ lương hưu và tử tuất (trong khi người lao động có nhu cầu về các quyền lợi thai sản, trợ cấp thất nghiệp, ốm đau hơn); lao động tự do cũng ít nhận được hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội liên quan vấn đề an toàn, vệ sinh lao động từ các nguy cơ như dịch bệnh, biến đổi khí hậu; các tranh chấp lao động phát sinh trong khu vực kinh tế phi chính thức chưa có quy định chặt chẽ nào để giải quyết...

Thống kê năm 2020, cả nước có hơn 20 triệu lao động phi chính thức, tăng hơn 100.000 người so với năm 2019. Riêng tại TP.HCM, số lao động phi chính thức chiếm gần 1/3 trong tổng số 4,7 triệu lao động tham gia hoạt động kinh tế. Dự báo thị trường lao động có xu hướng phi chính thức hóa, điều đó có nghĩa sẽ ngày càng có nhiều người làm công việc chưa được pháp luật lao động điều chỉnh. Lộ trình, chủ trương để mở rộng chính sách an sinh xã hội cụ thể cần được đeo bám, triển khai quyết liệt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.